|
Các thầy giáo của trường Mầm non Tuổi Ngọc dạy bơi cho trẻ - Ảnh: Đ.N |
Một bé gái 7 tuổi nặng nhọc tập bò, một bé trai 4 tuổi nằm lăn ra đất la hét...
Đó là quang cảnh vào buổi sáng thứ hai tại một ngôi trường mầm non ở TP.HCM, nơi mỗi trẻ đều rất khác biệt và quá quan trọng, quan trọng đến độ giáo án được soạn riêng cho từng em hằng tuần.
Trường mầm non cho bé 14 tuổi
Gọi là trường mầm non nhưng Tuổi Ngọc (nằm ở khu Thanh Đa, TP.HCM) là nơi có 30 trẻ từ 3 đến... 14 tuổi, toàn thuộc diện bị hầu hết những trường khác từ chối, bởi các em là trẻ tự kỷ hoặc chậm phát triển.
Trong lúc tôi đang ở trong văn phòng trường thì thấy các thầy cô đem vào những quyển vở dày cộp. Chị Phạm Thị Kim Tâm, chủ trường, giải thích đó là sổ liên lạc, được chuyển về cho phụ huynh mỗi ngày. Tôi tò mò mở vài quyển sổ, bỗng thấy khóe mắt cay xè bởi những "lời phê" của cô, lời đáp của phụ huynh, nhưng lại cứ như là lời tâm tình giữa những thành viên máu thịt trong một gia đình.
Tự kỷ là một rối loạn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của trẻ, trong đó có 3 nhóm chính: suy kém về tương tác xã hội (ví dụ hiểu cảm xúc hoặc thể hiện cảm xúc kém), suy kém về giao tiếp (ví dụ không dùng được ngôn ngữ có lời hoặc không lời), có những hành vi có tính rập khuôn, định hình lặp đi lặp lại (ví dụ thích xoay bánh xe đồ chơi hàng giờ không chán). Cho đến nay, nguyên nhân của rối loạn tự kỷ vẫn chưa được xác định, nhưng hầu hết các cuộc nghiên cứu cho thấy nó có liên quan đến sự phát triển não bộ của trẻ. |
"Mẹ ơi, hôm nay con gái đạp xe một mạch từ trường ra hồ bơi. Oai phong lắm! Cô không phải chạy theo nhắc từng li từng tí nữa, chỉ nhàn nhã đứng chiêm ngưỡng con gái đạp xe thôi...". Có lẽ chỉ có cô Nguyễn Thị Thúy - người viết ra những dòng chữ trên và các đồng nghiệp mới cảm nhận được niềm hạnh phúc "khác người" này, bởi nếu là ai khác thì sẽ không tài nào hiểu nổi việc một đứa trẻ tay chân hoàn toàn lành lặn, đã 7 tuổi, đạp xe liên tục chỉ khoảng 20 mét (mà lại là xe gắn bánh phụ) thì có gì mà "oai phong" đến thế!
Trong sổ của một bé, giữa những ý kiến của phụ huynh về giáo án, là những dòng tâm sự: "Cô à, tối nay mình nặng nề quá. Con la hét, đánh ba mẹ suốt buổi tối, cắn nữa. Mình lại không bình tĩnh, lại quát lên làm con thêm hoảng, còn phát vào mông con nữa. Con mếu máo, ánh mắt đâm thẳng vào mình. Ánh mắt đó hỏi tại sao mẹ lại sinh con ra như thế...".
Hay đâu đó là những dòng động viên của hai chị chủ trường: "Cố lên, ba mẹ nhé!". Cũng có con tự kỷ, hơn ai hết, các chị hiểu rõ cuộc chiến đấu giành giật lại cuộc sống bình thường nhất trong phạm vi có thể cho những đứa con tự kỷ diễn ra mỗi giây, mỗi phút trong suốt cả cuộc đời của người cha, người mẹ...
Dạy ném banh: 10 công đoạn
Trung tâm của sổ liên lạc là giáo án, ghi rõ từng nội dung học. Mỗi buổi chiều, cô giáo đều chấm điểm T (tốt), K (khá), TB (trung bình) cho từng nội dung. Mỗi giáo án có khoảng từ 20 - 40 nội dung, tùy vào khả năng của mỗi trẻ. Mỗi đầu tuần, thầy cô soạn giáo án lại một lần, sau đó phụ huynh đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh giáo án.
Tôi không khỏi kinh ngạc khi xem giáo án của một bé 5 tuổi: chu môi, chọn trái cam giữa 3 trái cam, xoài, chuối, đóng cửa khi vào nhà vệ sinh, chạm tay vào gạo, giơ tay lên cao thả banh...
Thấy tôi trố mắt, chị Kim Tâm giải thích rất nhiều trẻ tự kỷ cũng đi kèm với chậm phát triển trí tuệ, rối loạn cảm giác, chậm nói... nhưng không bé nào giống bé nào nên phải soạn giáo án phù hợp với khả năng của từng bé. Ngoài ra, để dạy bất kỳ một kỹ năng nào, cô giáo cũng đều phải "xẻ" ra rất nhỏ thành nhiều nội dung. Chẳng hạn như với bé 5 tuổi kể trên, để dạy trẻ ném banh, cô giáo phải "xẻ" thành chuỗi 10 nội dung, và kiên nhẫn dạy từng bước nhỏ một suốt mấy tháng trời: cầm banh, để cho cô gỡ tay ra khỏi banh, tự thả banh xuống bàn, giơ tay lên cao thả banh...
Tôi rời khỏi văn phòng, trong lòng tự hỏi không biết quá trình đào tạo phi hành gia có kỳ công như thế này? Nhưng xem ra, soạn giáo án là điều quá nhẹ nhàng so với thực tế dạy trẻ.
Theo Thanh Niên