"Mỗi năm đến hè lòng em phát rầu. Vì ba mẹ toàn bắt em học thêm", đó là lời hát cải biên cho phù hợp với tình cảnh của trẻ con khi mùa hè về. Học quanh năm, nên học trở thành niềm khổ ải.
Trước khi nghỉ lễ liền mấy ngày, Bin khều khều: "Lớp con nhiều bạn học thêm trong hè lắm, con khỏi học nhé bố?". "Ừ, nghỉ hè thì con chỉ quậy thôi, không phải học. À quên, cũng có, nhưng là học võ với học bơi cho khoẻ, để bố con mình có sức đi chơi xa". Đấy là câu chuyện của ông bố với đứa con bảy tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp lớp Một.
Học, học nữa, mệt mãi
Thật ra, anh chàng Bin trong câu chuyện nói trên hồi tháng 10 năm ngoái, khi mới nhập học bốn tuần, cũng đã hỏi: "Lớp con có 34 bạn học thêm rồi, con có phải là bạn thứ 35 không" và được trả lời: "Không cần học con ạ, vì học thêm chỉ là học trước, chẳng có gì khác. Con có tủ sách riêng đấy, cứ đọc thôi; học thêm chán òm". Lúc đầu anh chàng cũng hơi ngán, nhưng rồi thấy mình cũng đọc thạo, viết được (tuy chữ xấu hoắc) nên tự tin. Mà bố cũng chẳng bao giờ hỏi "Hôm nay con được mấy điểm", mà chỉ hỏi "Hôm nay con đi học vui không".
Tuy vậy, không học thêm bây giờ là một cái gì đó thường bị xem là rất kỳ quặc, vì không giống với "con người ta". Học sinh lớp một học bán trú cả ngày, đến tối còn học ở nhà cô giáo đến tám giờ, một tuần ba buổi. Ba buổi tối còn lại, thì học tiếng Anh hoặc đàn, vẽ, cả tâm lý giao tiếp nữa. Từ lớp ba, lớp bốn trở đi, thì hành trình học thêm có thể là thiên thu bất tận, kín đặc còn hơn lịch hát của ca sĩ chạy sô. Cha mẹ mong mỏi con mình phải học giỏi để nếu không hơn thì cũng không kém con người khác. Niềm mong mỏi ấy lập tức trở thành sức ép khi cha mẹ nhanh nhảu... ghi tên đóng tiền!
Ở đô thị, với những gia đình có con học từ tiểu học đến trung học, gặp nhau toàn khoe: "Nó là học sinh giỏi hoài, mà nói tiếng Anh đã lắm. Nhạc, hoạ, thể dục nhịp điệu cũng học thường xuyên. Bà chị thấy có lớp học hè nào tốt, nhớ hú nghe. Tụi nhỏ giờ học ghê lắm, không đua là chịu không nổi đâu". Ừ, khoe, cứ đua triền miên thế, nên trẻ con trở thành thiên tài thì vẫn hiếm, mà chịu "thiên tai" từ học thật nhiều.
Những câu chuyện về lịch học "khủng" của trẻ con thì hầu như ai cũng biết, khỏi nhắc lại. Tuy vậy, hỏi nguyên nhân xuất phát, thì cha mẹ sẵn sàng đẩy qua cho thầy cô: ở lớp, bạn con đứa nào cũng học thêm, con mình không học sẽ bị "đì". Giáo viên thì bảo: Không dạy thêm cũng không được, vì phụ huynh đòi thế. Người lớn không nghĩ rằng mình là nguyên nhân, nhưng kết cục là tụi nhỏ phải học nhiều đến phát khùng. Khùng thật chứ không chơi chữ, vì điều này có thể kiểm chứng ở khoa điều trị tâm lý trong bệnh viện Nhi Đồng.
Mùa hè của con đi đâu?
Học thế thì làm gì còn mùa hè mà hỏi. Hồi xưa, trẻ con hay hát: "Bươm bướm ơi có biết, ngày hôm qua đâu rồi? Bươm bướm lắc đầu: Không biết, tôi còn mải đi chơi". Mùa hè để vui chơi, xả mệt, cho vui cho khoẻ. Còn giờ, trẻ con mở mắt ra là học, mùa nào cũng là chính khoá!
Theo chuẩn của ngành giáo dục nước nhà, việc học chữ xếp ở vị trí cuối trong bốn tiêu chuẩn giáo dục toàn diện với trẻ ở độ tuổi tiểu học. Bốn yêu cầu đó là: khoẻ mạnh; ngoan ngoãn, biết chia sẻ; có kỹ năng sống, biết giao tiếp và sống an toàn; thích đi học, biết cách học. Nhưng ít ai làm cha mẹ hiện đại ở Sài Gòn, Hà Nội... biết chuyện đó. Mong muốn con "không thua kém ai" lập tức biến thành khẩu hiệu "học, học, học". Trẻ nhỏ thì chịu hậu quả tương ứng "mệt, mệt, mệt". Trẻ con đeo kính tới 80% vì học nhiều là một hình ảnh phản giáo dục chứ không đáng tự hào.
Cuộc đua tranh để thành người ưu tú khởi phát từ người lớn khiến người nhỏ mệt bở hơi tai. Những bộ não non nớt tinh khôi bị nạp quá nhiều kiến thức trong một thời gian ngắn. Bởi vậy, trẻ chỉ còn thể hiện rõ nhất kết quả của học nhồi là có trí nhớ ngắn hạn. Thi xong, vượt qua một cấp hay một lớp, là quên phần lớn. Còn nếu có nhớ, thì trẻ nhớ chi tiết mà không tự hình thành tri thức có hệ thống, để tự sáng tạo và tự... suy nghĩ. Người lớn đã bắt trẻ phải tiếp tục chịu cảnh bú mớm, dù chúng đã to cao.
Mùa hè đến, qua tiếng ve kêu, tiếng dế râm ran hay những chuyến đi về miền quê trong trẻo? Mấy chuyện đó "xưa rồi Diễm", đừng có mơ. Người lớn cười hỉ hả vì con học giỏi, còn con cái thì học sặc sừ cho giấc mơ tổng hợp trọn vẹn. Con ve, con dế, cỏ cây đồng lúa... sẽ chỉ còn trong tivi hay máy tính. Mùa hè sẽ chỉ còn trong ý niệm. Và biết đâu đấy, khi được hỏi "ngày hôm qua đâu rồi", con bướm hiện đại sẽ lắc đầu: "Không biết, tôi còn phải học thêm"!
Vũ Thượng
Theo SGTT