Được nghỉ ngơi, giải trí và thăm quan nhiều cảnh đẹp khiến cho tất cả các thành viên trong gia đình đều háo hức, nhất là các thành viên nhí. Để có được khoảng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn trọn vẹn cũng như đảm bảo sức khỏe lẫn sự an toàn cho các thành viên trong gia đình thì các vị phụ huynh không nên bỏ qua những lưu ý sau.
Để có những giờ phút vui chơi thoải mái khi đi du lịch cùng bé, cha mẹ cần chuẩn bị "hành trang" thật kỹ càng để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho con. Ảnh: Images.
Ăn uống khi đi chơi xa
Đi chơi xa trong quan niệm của nhiều người là được "xả láng" về thời gian, vui chơi và cả về chuyện ăn uống. Thưởng thức những món ngon, đặc sản của địa phương nơi gia đình đến du lịch là điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên vẫn luôn không thừa khi nhắc đến những nguy cơ gây hại cho sức khỏe đến từ thức ăn. Ngay cả trên đường di chuyển đến địa điểm du lịch, cơ thể phải ngồi nhiều giờ trên xe ô tô, tàu hoặc máy bay cũng mệt mỏi, vì thế nếu ăn thức ăn không phù hợp có thể khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu hơn.
- Khi đi máy bay, vì áp suất không khí trong máy bay cao hơn trên mặt đất nên dễ dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Vì thế, trước khi lên máy bay bạn nên ăn thức ăn như táo, nước ép táo, chuối, dưa gang, nho, nho khô hoặc dưa hấu; các loại đậu, bắp (ngô), cải xanh, cải bắp, súp lơ, dưa chuột, củ cải, hạt đậu nành, ớt xanh; nước uống có chứa carbonatre, nhai kẹo cao su, các loại hạt và các thức ăn giàu chất béo.
- Nếu di chuyển bằng xe ô tô, bạn nên chọn loại thức ăn nhẹ như bánh qui, bắp rang. Nhưng cũng nên lưu ý không chọn loại thứ ăn chứa nhiều muối, tránh gây khát nước.
- Những thức ăn dễ tiêu như trái cây dạng khô, bánh, táo thích hợp dùng khi bạn đi tàu thủy. Ngoài ra, nếu bạn đi tàu hỏa, không nên để bụng đói, một ít bánh mì hoặc trái cây để nhấm nháp cũng là lựa chọn tốt.
- Những nguyên tắc ăn uống vệ sinh không khi nào thừa khi đi chơi xa. Không phải hàng quán nào ở các địa điểm du lịch cũng có ý thức về việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế cần phải chú ý luôn ăn thức ăn được nấu chín kỹ, các món có nước chư cháo, súp hay các món bún đều phải được ăn nóng. Trái cây cần được rửa kỹ bằng nước sạch trước khi ăn.
- Thường các gia đình rất thích đi chơi ở biển trong mùa nóng, các món hải sản đặc biệt "cuốn hút", chính vì thế nhiều người thường ăn "thả ga" các món này với tâm lý lâu lâu ăn một lần. Tuy nhiên, chính những món ăn quá giàu đạm, cũng như các loại hải sản thường được dùng theo kiểu ăn sống như sò huyết, tôm, cá sống ăn với mù tạc hoặc gỏi cá tái chanh dễ khiến cho hệ tiêu hóa "có vấn đề". Nên hạn chế ăn những món này dù nó có hấp dẫn đến đâu đi chăng nữa. Bạn cần có sức khỏe để vui chơi và tận hưởng kỳ nghỉ chứ không phải vào bệnh viện hoặc đau bụng mấy ngày liền.
- Nếu bạn thích tự chọn thức ăn và nấu nướng cho gia đình để mọi người có thể quây quần cùng nhau thì cũng nên nhớ mua thực phẩm, thịt cá còn tươi, và không để ngoài trời trực tiếp dưới ánh nắng quá 2 giờ. Với thời tiết nóng bức như thế thực phẩm rất dễ phát sinh vi khuẩn.
- Chỉ nên uống loại nước đóng chai, hoặc nước ngọt lon, với nhãn hiệu còn nguyên, mới và còn hạn sử dụng. Nếu uống nước trà hay cà phê, cần được pha với nước sôi. Uống nước đá cũng cần chú ý, vì nhiều nơi sản xuất nước đá không sạch cũng dễ gây đau bụng. Với trẻ em càng cần phải cẩn thận, nếu dùng nước gia đình tự nấu thì phải dùng nước đun sôi để nguội.
Vấn đề ăn uống cho trẻ khi đi chơi xa
Chiếc xe hơi là bạn đường của gia đình khi đi du lịch, tuy nhiên cần phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức và dự phòng nhiều tình huống để bảo đảm chuyến đi không gặp trục trặc. Ảnh: Images.
- Với tâm lý háo hức được chơi đùa và được nới lỏng "kỷ luật" hơn ở nhà, nhiều bé khi đi chơi chỉ ham chơi, quên ăn uống hoặc nhõng nhẽo không chịu ăn vì thức ăn ở nơi gia đình đi du lịch chế biến không giống với khẩu vị mẹ nấu ở nhà cho bé. Với những em bé dưới 6 tháng tuổi, điều quan trọng nhất vẫn là cho trẻ bú mẹ để bảo đảm an toàn. Với những bé lớn hơn một chút, như đang trong tuổi ăn dặm hoặc 3, 4 tuổi thì cần chuẩn bị đầy đủ bột, những món quen thuộc bé có thể dùng ngay và tiện lợi mà quan trọng nhất có thể kể đến đó là sữa. Những loại sữa năng lượng cao có thể là một giải pháp cứu nguy cho các bà mẹ luôn đau đầu vì bé không chịu ăn. Chuẩn bị sẵn cơm, cháo mà bé hay ăn để khi trên đường đi hoặc trong một hai ngày ở nơi du lịch vẫn có món ăn quen thuộc cho bé. Đừng quên mang theo những đồ ăn nhẹ như trái cây, bánh, khoai tây chiên.... Để nạp năng lượng cho bé dù bé có ăn món chính ít hơn bình thường.
- Vẫn cần chú ý đến nhu cầu nạp các chất bột, đạm, đường vào cơ thể cho bé. Chất đạm ngoài cơm còn có bún, nui, mì... và nếu bé ăn không nhiều như bình thường thì cho bé uống thêm sữa sau bữa ăn khoảng 30 phút hoặc trước khi đi ngủ vẫn đảm bảo bé không bị thiếu năng lượng. Những món đặc sản lạ miệng ở nơi gia đình đến du lịch cũng có thể thu hút khẩu vị của trẻ, tuy nhiên cần chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm.
An toàn cho bé khi đi xe ô tô
- Các gia đình có xe hơi riêng thường dễ dàng di chuyển và thuận tiện trong việc đi về, tuy nhiên có rất nhiều người chưa chú ý đến vấn đề an toàn cho bé khi đưa còn đi chơi xa bằng xe hơi. Vị trí ghế ngồi dành cho trẻ được đánh giá là an toàn nhất chính là ghế sau. Không nên cho trẻ ngồi ghế trước vì dù xe hơi có túi khí giảm tải tổn thương khi có tai nạn nhưng túi khí vẫn có thể gây hại cho bé. Ngồi ghế sau thì giảm được 36% tỷ lệ rủi ro gây tai nạn chết người cho trẻ.
- Với những bé còn quá nhỏ, cần có ghế dành riêng cho trẻ khi đi ô tô. Ghế cần được kiểm tra kỹ về độ chắc chắn, những chi tiết đảm bảo an toàn cho bé cần được bảo đảm. Phụ huynh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để có thể dùng ghế cho bé đúng cách và chọn vị trí ngồi phù hợp cho bé.
- Luôn dùng loại ghế quay ngược lại dành cho trẻ có cân nặng dưới 15kg
- Nếu không có ghế dành riêng cho bé, cần có người lớn bế trẻ chặt để tránh nguy cơ trẻ bị tai nạn do hiếu động, ngồi không vững hoặc bé ngủ gục.
Vài bí quyết nhỏ để có chuyến du lịch "êm đẹp" khi có bé yêu
Cần thông báo và cho con cái được tham gia ý kiến để xây dựng một kế hoạch "hoàn hảo" cho chuyến du lịch của cả gia đình. Ảnh: Images.
Du lịch là việc của cả nhà. Đừng đợi đến sát lúc đi mới thông báo cho (các) bé về chuyến du lịch. Nếu bạn lôi bé nhập cuộc ngay từ những bước đầu tiên của việc lập kế hoạch, bé sẽ "đóng góp" nhiều hơn cho chuyến đi của cả nhà. Hãy giao những việc đơn giản cho bé: Cho bé lớn tìm thông tin trên internet về rạp chiếu phim/khu vui chơi ở điểm đến, giao cho bé nhỏ sắp gấu bông và những cuốn sách hay món đồ chơi mà bé muốn mang theo...
Sau khi lên kế hoạch hoàn chỉnh, bạn nên báo cho con biết lịch trình: từ việc mình sẽ ở khách sạn ra sao, tham quan những điểm nào, đến việc sân bay sẽ đông người và dễ lạc nên bé phải làm gì hay ngay cả việc con gấu bông của bé sẽ được "chụp ảnh" và sẽ chờ bé ở đầu kia băng chuyền. Hãy nhớ là bạn đi với trẻ con, lại đi vào dịp cao điểm, thế nên, đừng sắp lịch tham quan quá dày đặc, hãy chừa những khoảng trống để bé có thể ngủ nướng, nghỉ mệt hay thậm chí là đề phòng trường hợp... máy bay trễ hay kẹt xe.
Hãy luôn đảm bảo là bạn có một "tủ thuốc" nho nhỏ bên mình - trong đó có thể bao gồm cả những miếng cao su chèn cửa hay miếng bọt góc bàn chẳng hạn.
Bạn không nhất thiết phải chuẩn bị cho mỗi thành viên một cái vali riêng, nhưng sẽ dễ dàng và tiện lợi hơn nếu bạn có sự phân chia khi sắp xếp đồ đạc: Dùng thêm túi nhựa chẳng hạn, túi này là khăn sữa, túi kia là quần áo của Bi... Bạn sẽ ngay lập tức tìm được thứ bạn muốn mà không phải lục tung hết cả vali lên.
Nếu đi xe hơi thì khá đơn giản, hãy cho bé tự chuẩn bị một ít đồ chơi để chơi trên xe hoặc đĩa phim, nhạc để bé nghe cũng tốt. Còn nếu đi xe máy, thỉnh thoảng mẹ (thường ngồi sau) có thể cùng bé hát một, hai bài hát dễ thương. Nếu không rất có thể bạn sẽ nghe câu "Mình sắp tới nơi chưa ba/mẹ?" mỗi 2 phút đấy.
Sau khi đến nơi, hãy dành một ngày đầu tiên cho việc nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, hoặc làm quen với múi giờ trong trường hợp bạn đi nước ngoài. Nếu có sắp xếp lịch tham quan hãy vui chơi thì cũng cố gắng giữ chúng ngắn-và-nhẹ-nhàng nhé.
Tâm lý "chơi xả láng" và tận dụng hết thời gian ngắn ngủi để tranh thủ "thăm càng nhiều nơi càng tốt" (hay "càng nhiều người càng tốt") sẽ cuốn cả gia đình bạn vào những hoạt động (và thậm chí tiệc tùng) không ngơi nghỉ - Lịch sinh hoạt như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé con đấy. Mỗi ngày chỉ nên có một hoạt động lớn thôi, còn lại là thời gian thư thả với hoạt động tùy theo hứng thú và sức khỏe của cả nhà bạn nhé. Như thế, khi trở về nhà từ chuyến đi, bạn sẽ cảm thấy thư thái và vẫn còn đủ sức lực quay lại lịch làm việc và sinh hoạt thường ngày.
Theo Webtretho