|
Các cô giáo đang rất lo lắng khi đến tuổi nghỉ việc nhưng họ có nguy cơ không được hưởng chế độ hưu trí sau hàng chục năm cống hiến. |
Sau hàng chục năm cống hiến, từ khi là giáo viên đến lúc giữ chức vụ hiệu trưởng, nay 11 hiệu trưởng mầm non huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đang rất hoang mang, lo lắng, bởi khi đến tuổi nghỉ việc, họ không được hưởng chế độ hưu trí, mặc dù đã có nhiều năm liên tục đóng bảo hiểm xã hội.
Về "một cục" sau hàng chục năm cống hiến?
Cô Nguyễn Thị Bốn (SN 1954) - nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Quỳnh Hồng - cho biết: "Chúng tôi có thời gian công tác liên tục trong ngành mầm non từ 30-40 năm với cương vị là giáo viên mẫu giáo, hiệu phó, rồi hiệu trưởng. Thế nhưng, khi đến tuổi nghỉ việc, chúng tôi không được hưởng chế độ hưu trí, mà chỉ được bảo hiểm xã hội (BHXH) trả theo chế độ một lần. Chúng tôi đang rất lo lắng sẽ sống ra sao khi tuổi đã xế chiều?".
Luật BHXH hiện hành quy định: Người LĐ phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mới được hưởng chế độ hưu trí. Trong khi đó, 11 cô giáo mầm non tuy đã vào ngành hàng chục năm, nhưng chỉ bắt đầu được tính đóng BHXH muộn nhất là từ 1995, do đó họ đều không đủ thời gian 20 năm liên tục đóng BHXH khi hết tuổi làm việc (55 tuổi).
Trong 11 cô giáo thì cô Nguyễn Thị Bốn đã hết tuổi lao động vào tháng 11.2009, nhưng chỉ được giải quyết chế độ một lần. Các cô còn lại đang rất lo lắng "chờ" đến lượt mình. Cô Phạm Thị The (1958) vào ngành năm 1976. Năm 1994, cô được giữ chức hiệu trưởng Trường Mầm non xã An Quý, nhưng đến tháng 5.1995 mới được biên chế, được đóng BHXH. Cô tính toán: "Năm 2013, tôi hết tuổi lao động, thì sẽ có 38 năm cống hiến trong nghề, tuy nhiên tôi vẫn không được hưởng chế độ lương hưu vì... thiếu 2 năm đóng BHXH (mới đủ 20 năm như theo luật - PV)!".
Các cô bức xúc: Quyết định 133/HĐBT (về tuyển dụng hiệu trưởng trường mẫu giáo ở nông thôn vào biên chế nhà nước) ra ngày 17.8.1982 và thông tư 25 của Bộ GDĐT ngày 16.8.1983 hướng dẫn quyết định trên, nêu rõ: "Thời gian làm giáo viên mẫu giáo được tính là thời gian công tác liên tục để làm căn cứ thi hành các chế độ BHXH".
Như vậy, theo các giáo viên: "BHXH tỉnh cho chúng tôi đóng BHXH từ khi được tuyển vào biên chế là không đúng, bởi trước khi làm hiệu trưởng, chúng tôi đã có thời gian liên tục làm giáo viên mẫu giáo". Nghĩa là họ hoàn toàn có thể đóng BHXH thêm vào thời gian trước khi được vào biên chế để đủ 20 năm đóng BHXH.
Các cô hiệu trưởng mầm non đang rất lo lắng trước nguy cơ không được hưởng chế độ hưu trí.
Cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết!
Trưởng phòng GDĐT huyện Quỳnh Phụ Lại Cao Hạnh khẳng định: "Vấn đề này phòng đã nhiều lần gửi báo cáo, tờ trình lên UBND huyện, tỉnh, BHXH huyện, tỉnh, Sở GDĐT, Sở Nội Vụ, Bộ GDĐT... nhưng...chỉ có Thanh tra Bộ GDĐT phản hồi bằng "Giấy chuyển đơn thư" đề ngày 25.1.2010 về UBND tỉnh Thái Bình để xem xét giải quyết theo thẩm quyền".
Ông nói: Trước 2006, theo Điều lệ BHXH thì người LĐ chỉ cần đóng liên tục 15 năm là được hưởng hưu trí. Với số năm này, thì các cô hoàn toàn đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí. Năm 2002, Bộ GDĐT, BHXH đã có công văn liên tịch số 2150 về việc thực hiện BHXH, BHYT đối với Người LĐ thuộc các cơ sở giáo dục mầm non.
Công văn nêu rõ: Người LĐ đến khi nghỉ việc, nhưng còn thiếu tối đa không quá 5 năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, nếu người LĐ không hưởng trợ cấp 1 lần, có thể tự nguyện đóng tiếp 15% BHXH hàng tháng theo mức tiền lương trước khi nghỉ việc hoặc mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định cho cơ quan BHXH đến khi đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí"; và "cho phép những người LĐ đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non trước hoặc sau năm 1999 mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ tháng 1.1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH".
Nhiều cô giáo tại huyện đã truy đóng tiền BHXH theo văn bản trên, bởi tin tưởng rằng đến khi nghỉ việc, sẽ đủ 15 năm đóng BHXH, được hưởng hưu trí. Thế nhưng, khi Luật BHXH có hiệu lực vào năm 2007, thay con số 15 năm bằng 20 năm, thì đã...bỏ qua các đối tượng này.
Cô Nguyễn Thị Bốn cho biết: Ngày 30.11.2009, sau cuộc họp giữa UBND tỉnh, các cơ quan chức năng với 11 cô giáo, tỉnh đã chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp với các cấp các ngành có liên quan thống nhất... xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GDĐT về vụ việc. Nhưng sau khi bộ "đá" về tỉnh với giấy chuyển công văn đề ngày 25.1.2010 như đã nói ở trên, thì từ đó đến nay, sự việc rơi vào...im lặng.
Trong khi chưa biết cơ quan nào sẽ giải quyết vụ việc trên thì các cô giáo đang rất lo lắng, bởi nếu không được hưởng hưu trí, sau hàng chục năm cống hiến, về già sức khoẻ không còn, thì họ - nhất là những cô không chồng, chồng bị nhiễm chất độc da cam, phải nuôi các con ăn học...sẽ sống nhờ cậy vào đâu?
Năm 1993-1994, nhiều giáo viên mẫu giáo 40 tuổi trở lên có thời gian công tác 20 năm trở lên có nguyện vọng nghỉ việc được giải quyết theo chế độ hưu trí như cán bộ xã, mức lương hiện hưởng là 499.500 đồng/tháng. Trong khi đó, 11 cô giáo trên nằm trong số những người có sức khoẻ và năng lực công tác, nên tiếp tục ở lại làm giáo viên mầm non từ đó đến nay. Và bây giờ, trớ trêu thay, họ có nguy cơ không được chế độ hưu trí.
Theo lao Động