Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với 2 cô giáo đang dạy lớp 1 về việc học chữ trước: cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trường tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội) và cô Văn Thu Huyền - Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội).
Cô Văn Thu Huyền trong một giờ lên lớp. Ảnh: Bích Ngọc
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh đã đổ xô cho con đi học trước lớp 1, thậm chí bỏ cả trường mầm non để theo học. Cô giáo nghĩ thế nào về trào lưu này?
Cô Ánh Tuyết: Tôi lại băn khoăn vấn đề, mấy năm gần đây, không có việc dạy 8 tuần trước khi vào lớp 1 nên gây khó khăn cho cả cô và trò.
Thực tế, các trường mẫu giáo đang giảng dạy chương trình cho trẻ 5 tuổi rất khập khiễng, có trường dạy rất kỹ nhưng có trường lại chẳng dạy.
Nhà tôi có 4 "con khỉ" - cả con và cháu năm - nay sẽ vào lớp 1. Có cháu được học tập tô, tập viết nhưng con nhà tôi lại chẳng được học gì.
Chương trình như vậy là không thống nhất đã dẫn đến không có một mặt bằng chung.
Nhiều phụ huynh cứ cho rằng, hầu hết trẻ vào lớp 1 đều biết đọc, biết viết nhưng thực tế không phải vậy.
Mỗi lớp, nếu đúng là biết đọc, biết viết như phụ huynh hiểu thì chỉ có một vài cháu. Những cháu này có thể là cầm nhãn vở lên đọc được tên bạn. Còn đối tượng nhớ mặt chữ thì tương đối nhiều vì trong chương trình mẫu giáo lớn có dạy.
Cô Thu Huyền: Không nên cho trẻ đi học trước vì học hết chương trình mầm non, các cháu đã học mặt chữ cái và số từ 1-10.
Vào lớp 1, cần phải có quá trình học bài bản. Với tôi, dù biết trước hay không biết trước đều dạy như vậy. Dạy và uốn nắn trẻ từ cách cầm bút, tư thế ngồi, cách soạn sách vở cũng như rèn nền nếp học tập.
Vậy đối với những trẻ được gia đình cho đi học chữ trước thì các cô giáo sẽ gặp phải thuận lợi và khó khăn gì?
Cô Ánh Tuyết: Trong những năm gần đây, xảy ra tình trạng này. Học trước vào năm học trẻ nhàn hơn, cô cũng nhàn hơn nếu trẻ được học đúng cách. Nhưng cô sẽ lại vất vả hơn nhiều để sửa sai cho những trẻ học sai phương pháp.
Theo tôi, học trước không cần thiết vì khi dạy, chúng tôi vẫn xác định là dạy cho cháu chưa biết chữ nào.
Chúng tôi là giáo viên lớp 1, mà lớp này phải rèn nếp rất vất vả nên cần có một số tuần trước khi vào năm học.
Thời gian này chỉ là cô trò làm quen, rèn nếp, cách sắp xếp sách vở và ôn lại cho trẻ những nét cơ bản đã học từ mẫu giáo.
Trường tôi trước đây cũng có một số tuần này nhưng gần đây cắt đi nên trẻ con rất thiệt thòi. Chính vì thế, phụ huynh rất lo và cho đi học trước, nếu không, khi vào lớp trẻ con lại bỡ ngỡ.
Bỏ những tuần đó làm quen đó, trẻ vào năm học luôn, tập dượt khai giảng khiến cô và trò rất vất vả.
Thậm chí, khi ra xếp hàng khai giảng, cô giáo không nhớ hết mặt các con. Các con cũng lơ ngơ chưa nhớ được mặt cô giáo thì khó mà yên tâm. Thông thường, một lớp khoảng 50 học sinh mà đi học liên tục thì phải mất 1 tuần mới nhớ hết mặt các con.
Cô Thu Huyền: Lớp tôi dạy có khoảng 35 trẻ, cũng có khoảng 1/4 trẻ biết viết và đọc trước, 1/2 lớp biết cơ bản các nét chữ và đánh vần.
Trường hợp phụ huynh "cố tình" cho trẻ đi học trước thì khi vào lớp, chúng tôi sẽ gặp một số bất lợi như có những nơi dạy không đúng phương pháp, đúng chuẩn chương trình, cầm bút sai, tư thế ngồi sai, cách đánh vần không đúng dẫn đến việc cô phải uốn lại mất khá nhiều công sức.
Đồng thời, nhiều cháu nghĩ là mình biết rồi nên không tập trung, ngồi nói chuyện riêng hoặc quậy trong lớp để cô phải nhắc nhở nhiều.
Tôi cũng nghe ở trường đông học sinh, mỗi lớp gần 60 cháu thì cô không thể sát sao được học sinh.
Do đó, khi trong một lớp mà rất nhiều trẻ đều đã biết viết, đọc thì cô giáo thường có xu hướng nản, bỏ bẵng học sinh không biết gì. Trường hợp lớp đông mà trẻ biết sẵn trước thì cô sẽ nhàn hơn.
Tuy nhiên, học trước hay không cũng tùy thuộc vào khả năng và sự rèn luyện của trẻ cũng như môi trường học tập.
Có những trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, chịu khó tập trung học thì dù không được học trước vẫn theo tốt. Ngược lại, những trẻ khi đi học tô hình vẽ cũng để chờm ra ngoài thì cũng khó mà viết đẹp được.
Tôi nhận thấy, trẻ chưa biết trước lúc đầu vào học sẽ kém các bạn nhưng cũng sẽ bắt kịp rất nhanh, chỉ khoảng 2 tháng sau đó. Thậm chí, nhiều bạn đi học trước còn không bằng được các bạn chưa biết gì vào học.
Trẻ mẫu giáo 5 tuổi tập tô chữ. Ảnh: Bích Ngọc
Theo quy định, giáo viên tiểu học không được tham gia dạy trước lớp 1, nhưng thực tế lại khá phổ biến. Cô nghĩ sao về điều này?
Cô Ánh Tuyết: Các cô nhận dạy kèm thêm các cháu cũng có xảy ra nhưng theo tôi không nhiều. Thực tế những trường hợp phải nhận dạy thường do phụ huynh, bạn bè thân quen nhờ vả. Ngay các trường mẫu giáo cũng dạy nhưng phụ huynh chưa yên tâm bằng cô giáo tiểu học, học không phải sửa đi sửa lại.
Thực ra, khi kèm trẻ trước lớp 1, giáo viên cũng rất ái ngại vì quy định là không cho dạy.
Năm trước, tôi cũng có kèm một vài cháu vào dịp hè. Giờ thì chưa kèm cháu nào mà chỉ tập trung vào hướng dẫn cho con và cháu. Con nhà tôi chuẩn bị vào lớp 1 vẫn được mẹ hướng dẫn cho biết thêm ở nhà vì mục đích của tôi là cho cháu học song ngữ. Tôi muốn chuẩn bị trước cho cháu một ít vốn tiếng Việt để khi vào học đỡ vất vả.
Cô Thu Huyền: Cô giáo dạy ngoài là sai quy định nhưng cũng có cái khó là phụ huynh "nhờ vả", mà cô dạy theo đúng chương trình, đúng chuẩn thì chắc chắn sẽ tốt hơn trẻ phải đi học ngoài, cô lại tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sai quy định thì không phải cô nào cũng làm. Tôi nghĩ tỷ lệ học của cô giáo ở trường tiểu học ít hơn.
Vậy cô giáo có lời khuyên gì cho phụ huynh học sinh trước thềm con vào lớp 1?
Cô Ánh Tuyết: Xác định cho con đi học trước hay sau không phải là vấn đề quan trọng lắm. Cha mẹ hãy xác định lực của con mình, thấy nhanh nhẹn ở lớp mẫu giáo, theo kịp việc học trên lớp mẫu giáo thì không cần thiết phải đi học. Cháu mà chậm chạp thì cho học trước để sau này vào học đỡ vất vả trên lớp. Phải chuẩn bị cho cháu tâm tưởng vào lớp 1, thích đi học, phấn khởi.
Xin cảm ơn!
Theo Vietnam