Thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày gần đây làm lượng bệnh nhi nhập viện tăng đột biến. Đa số bé bị bệnh đường hô hấp, bệnh do virus và bệnh đường tiêu hóa...
"Sôi" bụng mùa nóng
Khoa Nhi B (điều trị các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa ở trẻ em) Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới đầu tháng 3 tiếp nhận khoảng 35 bệnh nhi/ngày. Tuần qua, trung bình mỗi ngày có đến 50 bệnh nhi nhập viện, có ngày lên đến 67 bệnh nhi. Trong khi đó, khoa chỉ có hơn 40 giường nên phải kê thêm giường ở lối đi giữa phòng, dọc hành lang cho các bé.
Bác sĩ Hà Vinh, Trưởng Khoa Nhi B, BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, trẻ nhập viện với các triệu chứng tiêu lỏng nhiều, ói nhiều, đau bụng, có khi kèm sốt cao, bứt rứt khó chịu. Thời gian nắng nóng là lúc số bệnh nhân tiêu chảy gia tăng cao nhất trong năm vì trời nóng tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát triển, thức ăn dễ ôi thiu, biến chất...
Tại Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 có tới hơn 100 bệnh nhi, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 25 - 30 em. Tại BV Nhi Đồng 2, số trẻ bị bệnh đường tiêu hóa có lúc lên đến 150 em.
BS Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2 cho biết, trẻ bị bệnh tiêu chảy nhiều nhất ở độ tuổi 1-3. Nguyên nhân chủ yếu do vi trùng, virus và ngộ độc thức ăn. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh có thể bù nước và chất điện giải cho cơ thể bằng cách cho trẻ uống dung dịch Oresol hoặc Hydrite (gói bột bù muối - nước). Khi xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy cấp như sốt, ói, mệt, tiêu chảy nhiều và liên tục, phân lỏng..., phụ huynh phải cho trẻ nhập viện để điều trị, tránh để trẻ bị mất nước, trụy tim mạch dễ dẫn đến tử vong.
Điều đáng lưu ý là tiêu chảy trong mùa nóng khác với mùa lạnh. Tiêu chảy trong mùa lạnh do siêu vi, bệnh nhân dễ mất nước nhưng ít khi chuyển biến nặng, sau 3-5 ngày có thể tự khỏi. Còn tiêu chảy trong mùa nóng do vi trùng. Bệnh có các triệu chứng nặng hơn như: sốt cao, tiêu phân đàm máu, nếu mắc thêm tả có thể dẫn đến tử vong. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải được bù nước.
Bệnh hô hấp tăng do... lạnh
Mặc dù trời nóng gay gắt nhưng thật tréo ngoe, nhiều trẻ lại phải nhập viện vì viêm hô hấp. Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Đồng 2, bệnh đường hô hấp trong mùa nóng có nguyên nhân là uống nước đá nhiều và liên tục. Uống như vậy làm nhiễm lạnh vùng hầu họng, giảm sức đề kháng gây cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan.
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều gia đình sợ con nóng bức nên khi con ngủ thường bật máy lạnh, quạt máy suốt đêm khiến trẻ dễ nhiễm lạnh, cảm lạnh trong mùa nóng, đặc biệt vào ban đêm và lúc trời gần sáng, sự chênh lệch nhiệt độ (gần 15 độ C) giữa phòng lạnh với bên ngoài cũng khiến cơ thể điều tiết không kịp, gây choáng, say nắng.
Không những thế, môi trường sử dụng máy lạnh là phòng kín nên rất dễ trở thành một ổ "ủ" và phát sinh vi trùng nếu máy lạnh không được vệ sinh thường xuyên. Máy lạnh còn làm khô không khí, luồng quạt thổi thẳng vào đường mũi họng cũng gây ra các bệnh đường hô hấp như: viêm mũi, viêm xoang, suyễn, viêm thanh quản cấp...
Bác sĩ Tuấn cho biết: Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp là một bệnh khá nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt trẻ có nguy cơ mắc, nhiễm bệnh này từ 5 đến 8 lần trong một năm. Trong số đó có từ 20% đến 30% số trường hợp trẻ bị bệnh nặng chuyển sang viêm phổi. Trẻ được xác định bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính khi ho kéo dài trong thời gian dưới 30 ngày. Còn những trẻ bị ho mãn tính trên 30 ngày có nguy cơ bị các bệnh như: lao hoặc ho gà... T
rong điều kiện hiện nay, y học đã phát triển, nhưng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính vẫn là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Với mức độ nguy hiểm và gây tử vong cao như vậy, các bệnh hô hấp ở trẻ em được Tổ chức Y tế Thế giới gọi là "sát thủ bị lãng quên".
Theo SGGP