"Em nghĩ ở đảo cũng như ở đất liền, miễn sao mình cống hiến để đảo luôn được tươi xanh... Các cháu nhỏ đã có một mái trường nhỏ để học tập, em có điều kiện để truyền đạt cho các em, đây là niềm hạnh phúc không tả xiết đối với em trên đảo này" - cô giáo Hoàng Thị Hiếu tâm sự.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người luôn tìm cho mình những nơi phồn hoa đô hội, có đủ điều kiện tốt nhất để sống và làm việc. Ngược lại, có những con người vì lý tưởng cao đẹp mà hy sinh cả tuổi thanh xuân để đến những vùng đất khó khăn sinh sống, cống hiến. Trong số những con người ấy, hình ảnh cô giáo mầm non Hoàng Thị Hiếu (23 tuổi), quê tỉnh Đắk Lắk - giáo viên Trường mầm non Hoa Phong Ba (huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị) làm chúng tôi không khỏi khâm phục.
Đến Trường mầm non Hoa Phong Ba vào một buổi sáng mùa xuân ấm áp, sóng biển cách đó khoảng 200m vỗ rì rào làm chúng tôi bồi hồi. Có lẽ ai đó mới đến đây, trong không gian ấy, lắng nghe tiếng biển vỗ sẽ không tránh khỏi cảm xúc ấy. Thế nhưng, đã hơn 2 năm nay, cô giáo Hiếu vẫn lắng nghe sóng, nén những nỗi nhớ để làm những việc mà mình đã lựa chọn. Ngôi trường mang tên loài hoa Phong Ba, cây hoa đặc trưng, có sức sống mãnh liệt trên đảo Cồn Cỏ khá xinh xắn với đầy đủ tiện nghi, từ bàn ghế ngồi khang trang đến những xích đu, trò chơi... Dẫu vậy, trong tôi, hình ảnh cô giáo trẻ Hoàng Thị Hiếu vẫn là tâm điểm.
Gặp chúng tôi, Hiếu mở lòng tâm sự: Em quê ở Đắk Lắk, sau khi học xong cấp 3, do thích dạy trẻ nên em đã chọn nghề giáo viên mầm non. Trong thời gian đang học năm cuối, em nghe ở tỉnh Quảng Trị có chương trình thanh niên tình nguyện ra đảo Cồn Cỏ để lập nghiệp sinh sống. Cảm thấy mình tuổi trẻ, cần phải xông pha đến những nơi gian khổ khó khăn để khai hoang, lập nghiệp nên em đã đăng ký. Tuy nhiên, lúc đó do chưa có thời gian công tác ở đất liền nên không đủ điều kiện. Sau khi ra trường, em xin về dạy mầm non ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Cô giáo Hoàng Thị Hiếu cùng cán bộ chiến sỹ trạm ra-đa trên đảo Cồn Cỏ đang tổ chức cho các bé vui chơi.
Đến đầu năm 2008 thì xin ra đảo. Dù tinh thần đã chuẩn bị vững vàng từ trước, nhưng khi đến đảo, em vẫn không khỏi bị "sốc" bởi lẽ đảo rất hoang vu, ít người, điều kiện sinh sống lúc đó còn nhiều khó khăn. Có nhiều đêm suy nghĩ là phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, vì lý tưởng của tuổi trẻ nên mọi khó khăn dần trôi qua và em đã hòa nhập được với cuộc sống trên đảo chỉ một thời gian ngắn sau đó. Hiếu nói trong niềm vui khi cô nhìn các cô, cậu học trò nhỏ của mình ngoan ngoãn ngồi đánh vần từng chữ.
Hiện tại, đảo Cồn Cỏ có 12 hộ dân đang sinh sống, với số dân gần 50 người. Trong đó, có 9 cháu đang độ tuổi học mầm non. Hằng ngày, đều đặn 2 buổi, các cháu đến trường được cô Hiếu dạy dỗ, chăm sóc như mẹ hiền. Hiếu nói: Các em nhỏ ở đảo so với trên đất liền thì thiệt thòi nhiều bề. Chính vì lẽ đó mà em cố gắng dạy dỗ để làm cho các em có được những thứ mà các em cần, nhất là có cái chữ và nhân cách con trẻ để khi các em đủ tuổi học tập, các em sẽ vào đất liền yên tâm học tập với bạn bè mà không bỡ ngỡ.
Với bàn tay khéo léo, đầu óc sáng tạo, Hiếu đã "chỉnh trang" ngôi trường của mình rất đẹp, từ đồ chơi, góc học tập cho các cháu, đến các hình ảnh nghe, nhìn trực quan. Nhờ đó, các cháu nhỏ được lĩnh hội đầy đủ những kiến thức mà cô giáo này mang ra từ đất liền, các cháu không bị thiệt thòi.
Khi hỏi đến những khó khăn mà Hiếu gặp phải trên đảo, Hiếu chỉ gạt phăng và nói: Em nghĩ ở đảo cũng như ở đất liền, miễn sao mình cống hiến để đảo luôn được tươi xanh. Em không quản ngại khó khăn. Đến đảo, thấy mọi người cũng được sinh sống đàng hoàng, chính quyền tạo mọi điều kiện cho người dân nên ai cũng yên tâm. Riêng các cháu nhỏ, đã có một mái trường nhỏ, để các em học tập, em có điều kiện để truyền đạt cho các em, đây là niềm hạnh phúc không tả xiết đối với em trên đảo này. Hiếu tâm sự.
Dù điều kiện sinh sống không bằng như đất liền, nhưng theo Hiếu cho biết, ở đây có sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ tận tình của các lực lượng như Công an, Quân đội, Hải quân nên hễ mình cần nhờ bất cứ việc gì, họ đều đến giúp. Do vậy, ở đây, mối quan hệ quân dân luôn ấm cúng, bền chặt, tạo niềm tin cho chính bản thân Hiếu cũng như những thanh niên tình nguyện phục vụ đảo an tâm sinh sống, làm việc.
Chia tay Trường mầm non Hoa Phong Ba, chia tay cô giáo Hoàng Thị Hiếu để trở về đất liền mà trong tôi luôn thầm khâm phục nghị lực phi thường của cô gái nhỏ. Nếu xã hội chúng ta có thật nhiều cô gái như thế, thì cuộc đời sẽ càng tươi đẹp hơn.
Theo CAND