|
Tư vấn tâm lý cho trẻ tại BV Nhi Đồng 2, TPHCM. |
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực khiến trẻ em bị rối loạn tâm lý đang tăng mạnh. Tại TPHCM, số lượng trẻ em được gia đình đưa đến khám tại khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, 2, BV Tâm thần đang tăng lên theo từng năm.
Một số liệu thống kê mới đây cho thấy, trên 20% học sinh THPT tại TPHCM bị rối loạn trầm cảm. Nếu không được điều trị kịp thời, 50% số trẻ rối loạn tâm lý sẽ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần vận động...
Áp lực cuộc sống khiến trẻ bị rối loạn tâm lý
Đêm 19.1, sau khi uống rượu và gây gổ với người thân, em L.M.H (15 tuổi), đã quyết định tự sát bằng cách dùng dao nhọn đâm 4 nhát vào bụng. Người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến BV quận 7 để cấp cứu. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân được chuyển đến BV Nhi Đồng 2.
Tại đây, các BS ngoại khoa đã tiến hành mổ cấp cứu. Hiện tại, bệnh nhân đang dần hồi phục và được các BS tư vấn về tâm lý tại Khoa tâm lý của BV.
Mới đây nhất, vào tối mùng 4 Tết, khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1, cấp cứu trường hợp em Ng. Ph. N (13 tuổi), nam, trú tại quận 8, TPHCM trong tình trạng nguy kịch vì uống thuốc để tìm cảm giác bay bổng. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận N đã uống 8 viên Tataprovon thành phần gồm acetamionophen (paracetamol) 400mg, dextropropoxyphen 65mg. Kết quả sau hơn hai ngày điều trị, tình trạng em cải thiện dần.
Khi được BS hỏi tại sao uống thuốc này, N cho biết là buồn bực vì chịu nhiều áp lực và nghe bạn bè nói uống thuốc này sẽ có cảm giác "bay bổng", nên uống thử 8 viên.
Coi chừng trẻ rối loạn là do... người lớn
Theo bác sĩ Thái Thanh Thuỷ - Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, đối với trẻ dưới 3 tuổi, rối loạn ngôn ngữ là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất.
Ngoài ra, trẻ quá hiếu động, quấy đêm, tiểu dầm, có biểu hiện động kinh, chán ăn hoặc không biết nhai, thường cắn móng tay, tự nhổ tóc, sợ cả những vật bình thường... cũng là triệu chứng rối loạn tâm lý.
Hoặc, trẻ quá ngoan, ít khóc, khi người lớn trò chuyện không nhìn vào mắt, không có phản ứng, gương mặt không biểu cảm hay khi giao tiếp chỉ dùng tay (thường nhất là ngón trỏ) cũng có nguy cơ tâm lý không phát triển bình thường.
Đa số cha mẹ thường nghĩ đó là những hành vi rất bình thường ở trẻ nhỏ, nên lơ là với việc điều trị. Hoặc đối với trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, các bậc cha mẹ cũng chỉ nghĩ do trẻ chậm nói và chờ đến lúc trẻ biết nói, do đó trẻ không được điều trị kịp thời.
BV Tâm thần TPHCM mỗi tháng tiếp nhận gần 1.000 lượt bệnh nhi bị rối loạn tâm lý đến khám và điều trị. Điều đáng quan ngại là mỗi năm, BV Nhi Đồng 1 và 2 tiếp nhận từ 40-60 trẻ em tự tử vì những nguyên nhân rất vô lý.
Một chuyên gia tâm lý tại BV Nhi Đồng 1 cho biết, cuộc sống hiện nay khiến trẻ em chịu nhiều áp lực hơn, tâm lý trẻ dễ bị căng thẳng hơn. Cách cư xử của gia đình quyết định nhiều đối với sự hình thành nhân cách của trẻ. Sự quan tâm, nuông chiều thái quá hay thái độ hững hờ, lơ là của cha mẹ đối với con cái đều không tốt đối với trẻ.
Cũng theo BS Thái Thanh Thuỷ, đối với trẻ sinh non, nếu cha mẹ không biết cách chăm sóc rất dễ dẫn đến những rối nhiễu tâm lý vô tình. Bố mẹ quá bận rộn, thường cãi nhau hay ly hôn dễ có những tác động không tốt đến tâm lý của trẻ. Sự thay đổi chỗ ở thường xuyên cũng làm tinh thần trẻ bị xáo trộn.
Theo LĐ