Xã hội
   Dạy ghép
 

Niềm vui khi các em được nhận quà - ảnh: T.Q.N
Tỷ lệ học sinh (HS) ở xã miền núi ít không tưởng tượng nổi, nhà trường phải tổ chức dạy ghép.

Lớp 1 "ngồi" với lớp 2
Ở xã miền núi Ngư Hóa (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình), trong mỗi phòng lại có HS lớp 1 và 2 ngồi chung với nhau...

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Lai nói: "Đây là vùng đặc biệt khó khăn, cách trở. Muốn lên đây chỉ có cách đi đò hơn 20 cây số từ sông Gianh, vượt ít nhất 15 thác ghềnh. Đường bộ thì phải qua tỉnh Hà Tĩnh mới đến nơi nhưng khó đi lắm. Toàn xã chỉ có 448 nhân khẩu, không có chợ, người dân sống tự cung tự cấp và mang dưới xuôi lên".

Từ Đồng Hới, chúng tôi theo quốc lộ 1A về hướng bắc, đến Roòn (H.Quảng Trạch) thì rẽ hướng tây theo con đường đất đỏ vượt qua xã Quảng Hợp, rồi xã Kỳ Lạc (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Chặng đường chỉ chừng gần 40 cây số từ Roòn lên nhưng phải mất 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Dân số ít nên tỷ lệ HS cũng ít theo, toàn xã chỉ có 84 em đang theo học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Thầy Nguyễn Thanh Lương - Hiệu trưởng phụ trách cho biết: "Hiện lớp 1 có 6 em, lớp 2 có 3 em, lớp 3 có 5 em và riêng năm nay lớp 8 không mở vì không có em nào trong độ tuổi này. Có 23 cán bộ, giáo viên (GV), trong đó đa số là người các xã khác. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy của trường thì còn thiếu nhiều lắm".

Vì địa bàn cách trở, số HS lại ít nên lãnh đạo nhà trường chia theo khu vực để ghép 6 em lớp 1 với 3 em lớp 2 thành 2 lớp. Trong mỗi phòng có HS lớp 1 và 2 ngồi chung với nhau, cùng được 1 cô giáo giảng dạy. Cô giáo trẻ Hoàng Thị Hồng Minh phụ trách lớp ghép này tâm sự: "Để dạy các lớp này phải biết phân phối thời gian hợp lý, cả khi giảng bài lẫn sinh hoạt ngoài giờ. Phải cố gắng làm sao để giảng bài lớp 1 thì các em lớp 2 không bị ảnh hưởng và ngược lại. Khó cũng cố thôi, không thì các em lại càng thiệt thòi hơn".

Các GV ở xa đến được bố trí ở tập thể ngay tại trường, vì không có chợ nên vấn đề nan giải nhất là thức ăn. Cứ mỗi lần về xuôi, họ phải tính toán thế nào để mang đủ số thực phẩm ăn ít nhất được 1 tuần. Thế nên chủ yếu vẫn là các loại thực phẩm khô. Ngoài ra, các GV cũng chịu khó tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn như trồng rau, nuôi gà. Khó khăn thế mới thấu hiểu được sự quyết tâm truyền dạy và học chữ của cô trò xứ xa xôi hẻo lánh này. Phòng rộng chừng 4m2, có một tấm vạc kê dưới đất làm giường, một cái bàn học; phía sau là gian bếp nấu ăn nhỏ tí, trong đó chất đầy củi và treo lỏng chỏng mấy cái nồi, chén bát.

Tiếp xúc với nhiều người dân ở Ngư Hóa, chúng tôi biết ai cũng muốn cho con em được học hành đàng hoàng, học lên cao nữa. Anh Lê Xuân Thi hiện có 2 con là Lê Tiến Dũng (lớp 3) và Lê Kiều Linh (lớp 1) bày tỏ: "Dù chúng tôi có khổ có thiếu đến mấy cũng gắng cho con đi học. Nhưng nhiều khi muốn cũng chẳng được bởi điều kiện học tập ở đây đâu giống nơi khác".

Hy vọng một thời gian nữa, khi tuyến đường nối từ quốc lộ 12 (đoạn xã Mai Hóa) lên hoàn thành sẽ làm thay đổi, giảm bớt sự biệt lập miền sơn cước này.

Hai giáo án...
Thôn Nao Quang (H.Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) được thành lập từ tháng 7.2006, hiện có 76 hộ dân với 259 nhân khẩu sinh sống (85% là đồng bào dân tộc thiểu số). Phân hiệu Nao Quang (thuộc trường THCS Lộc Phú) ra đời đến nay cũng được hơn 2 khóa học.

Cô Phạm Thị Lan cho biết: "Việc dạy và học ở đây hết sức khó khăn bởi không chỉ việc vận động HS ra lớp đã khó mà cơ sở vật chất còn túng thiếu đủ điều. Hai năm học trước phải mượn nhà ván của K'BLẹt (thôn phó) cho HS học tạm, căn nhà chỉ hơn 20m2 nhưng được ngăn làm đôi, phía trước gia đình (K'Blẹt) ở, phía sau dạy và học. Còn GV thì phải mượn nhà dân để ở". Bởi khó khăn đủ bề như vậy nên việc tìm kiếm GV đứng lớp không phải là dễ. "Từ đầu năm học đến nay đã có 4 thầy giáo được giới thiệu vào phân hiệu Nao Quang công tác nhưng họ đều từ chối, đến tháng 11 này mới hợp đồng được với một thầy nên lớp học ở đây mới được khai giảng (muộn hơn bình thường trên 2 tháng)" - Phó hiệu trưởng Phạm Thị Lan cho hay.

Mang trong mình nhiệt huyết và tấm lòng tình nguyện của tuổi trẻ, thầy giáo Luyện Văn Quýnh (sinh viên mới ra trường) đã quyết tâm ở lại với Nao Quang. Lớp học mà thầy đang dạy là lớp phổ cập tiểu học với 24 em HS đang học ghép lớp 3 và lớp 4. Bởi vậy mà căn phòng nhỏ này được chia làm 2 dãy ngồi quay lưng nhau - lớp 3 quay về tấm bảng nhỏ, lớp 4 quay về tấm bảng lớn. Thầy giáo thì tất bật với 2 giáo án cùng một lúc, khi thì chạy lên bảng lớn giảng bài cho lớp 4, lúc thì quay lại tấm bảng nhỏ giảng bài cho lớp 3. Thầy Quýnh cho biết: "Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì độ tuổi đến lớp không đồng đều, nhiều em 13 - 14 tuổi mới học lớp 4 và trình độ tiếp thu chậm của các em là khó khăn nhất trong việc dạy và học ở đây. Ngoài ra do không có điện nên khi trời mưa thì phòng học tối đen...".

Cái chữ đang là niềm khát khao của con em bà con trong thôn nên dù khó khăn thiếu thốn như vậy nhưng không khí lớp học ở đây rất nghiêm túc, HS ngồi ngay ngắn và tập trung nghe thầy giáo giảng bài. K'Sản - HS lớp 4, kể: "Trước kia không có lớp học nên em ở nhà, bây giờ có lớp học em muốn được đi học và bố mẹ cũng động viên em đi học, đi học em thấy vui lắm và biết được cái chữ nữa". Tuy nhiên, nỗi lo lắng về chuyện dạy và học luôn là "chuyện thường trực" của bà con trong thôn bởi khó khăn vất vả như thế liệu thầy giáo có yên tâm bám lớp bám trường. Ông Triều Chăng Xồi - Trưởng thôn Nao Quang tâm sự: "Đây là thôn đặc biệt khó khăn của xã, và do thiếu trường lớp nên nhiều cháu đến tuổi vẫn chưa được đi học. Hiện nay, trong thôn có 45 cháu đủ tuổi học lớp mẫu giáo và lớp 1, lớp 2 nhưng không được đi học vì không có thầy cô". Còn ông K'Viêng (bố của HS Ka Nhi - lớp 3) bày tỏ: "Chúng tôi rất muốn cho con em đi học để biết cái chữ, nhưng ở đây quá khó khăn, đường sá lại xa xôi cách trở nên nhiều thầy giáo vào rồi lại bỏ về, không yên tâm ở đây dạy học".

Theo Thanh Niên

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phải chấm dứt thưởng, phạt bằng điểm! (19/2)
 Ăn cơm cùng gia đình giúp trẻ tránh xa căn bệnh béo phì (17/2)
 Trẻ nào dễ bị bắt nạt? (17/2)
 Trả lương cho giảng viên tương xứng mức đóng góp (17/2)
 Tết sớm với các bé ở Viện Nhi trung ương (15/2)
 Hàn Quốc:Sinh viên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nông thôn (15/2)
 Trẻ bị lây stress từ bố mẹ (15/2)
 Chính thức phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (13/2)
 TPHCM: Tặng quà Tết cho hơn 200 em học sinh nghèo học giỏi (13/2)
 64% số trường học được sử dụng internet miễn phí (13/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i