Các trường sư phạm ở TP HCM mỗi năm cho ra "lò" khoảng 1.000 cử nhân. Trong khi các trường công luôn "kêu" thiếu giáo viên thì hầu hết các cử nhân sư phạm, kể cả tốt nghiệp loại khá, giỏi phải ngậm ngùi đầu quân cho các trường dân lập, tư thục.
Theo nhiều giáo viên trẻ, với cơ chế cứng nhắc, các trường công lập đang "ngoảnh mặt" với các cử nhân mới ra trường.
Đào tạo thừa, vẫn thiếu... giáo viên
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ly Kha, Phó trưởng Khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm TP HCM) cho biết, hiện nay tỉnh nào cũng có ĐH, CĐ sư phạm, đáp ứng đủ nhu cầu về đội ngũ giáo viên của các tỉnh đó. Vì thế, đội ngũ giáo viên do ĐH Sư phạm TP HCM và một số ĐH, CĐ trên địa bàn đào tạo "chủ yếu" là để đáp ứng nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực cho ngành giáo dục của thành phố.
Sinh viên sư phạm ra trường phải ngậm ngùi xin vào các trường tư thục. Ảnh: Nguyễn Nguyễn
Không có hộ khẩu thành phố: Hãy đợi đấy? Thạc sĩ Bùi Ngọc Âu, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP HCM cho biết: Việc tuyển dụng giáo viên của thành phố chia thành nhiều đợt và đợt đầu bao giờ cũng ưu tiên tuyển sinh viên sư phạm mới ra trường có hộ khẩu thành phố. Đợt 2, đợt 3 sẽ căn cứ theo nhu cầu của những nơi còn thiếu. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nằm trong đối tượng được cộng điểm ưu tiên, nhưng nếu không có hộ khẩu thành phố thì cũng phải chờ những đợt tuyển dụng sau. Bởi nhân lực của tỉnh nào vẫn phải "ưu tiên" cho tỉnh đó trước. |
Theo thống kê, mỗi năm hệ chính quy của Khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm TP HCM) cho ra "lò" khoảng 100 giáo viên; ĐH Sài Gòn: khoảng 100 giáo viên tiểu học hệ ĐH, 220 giáo viên tiểu học hệ CĐ, 100 giáo viên tiểu học hệ trung cấp. Ngoài ra, ĐH Sài Gòn còn bổ sung khoảng 400 giáo viên tiểu học ngành tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật...
Như vậy, chỉ tính riêng hai trường sư phạm này cũng có gần 1.000 giáo viên có thể bổ sung cho bậc tiểu học của thành phố hằng năm. Nếu so với con số giáo viên tiểu học của TP HCM cần tuyển năm 2009- 2010 thì chỉ riêng hai trường cũng "hứng" được số lượng đó.
Tại sao trường công vẫn thiếu giáo viên trong khi giáo viên trẻ lại không xin được việc?. Trong năm học 2009-2010, sau đợt tuyển giáo viên lần thứ nhất, TP HCM vẫn thiếu đến 600 giáo viên tiểu học.
Vào trường công không dễ
Chỉ mới đầu tháng 1.2010, còn 8 tháng nữa mới bước vào năm học mới 2010-2011, nhưng đến các khoa như Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non của ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Sài Gòn, CĐ Mẫu giáo Trung ương 3... đã thấy rất dán đầy thông báo tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học. Thế nhưng, trong hơn chục bảng thông báo tuyển dụng, tuyệt nhiên chỉ thấy thông báo của các trường dân lập, tư thục, quốc tế. Thậm chí, nhiều trường ở tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương) cũng tìm đến các "lò" đào tạo này để "đặt hàng" giáo viên trẻ.
Mặc dù, chế độ lương bổng của trường tư thục, dân lập cao và nhiều ưu đãi nhưng không phải giáo viên nào cũng thích đầu quân cho hệ thống này. Cô giáo N.T.H.Đ (Thủ Đức, TP HCM) cho biết: "Trong khóa của em, 2/3 số sinh viên tốt nghiệp ra trường đi dạy cho các trường dân lập, tư thục. Song rất nhiều người liên tục chuyển trường vì thấy không phù hợp". Theo cô Đ., lương dành cho giáo viên mới ra trường ở hệ thống này cao gấp đôi, thậm chí gấp ba ở trường công (khoảng 5- 6 triệu/tháng) nhưng "áp lực quá lớn, chỉ cần giáo viên có một sơ suất nhỏ thôi là bị nhà trường thay thế".
Giải thích nguyên nhân không "chen chân" được vào trường công, P.T.A (một cựu sinh viên ngành Giáo dục tiểu học của ĐH Sài Gòn), hiện đang công tác "trái nghề" cho biết: "Năm 2008, tốt nghiệp thì lại không có hộ khẩu TP để được dự tuyển viên chức. Năm 2009, một số trường ở huyện ngoại thành xa lắc mới có chỗ cho giáo viên không có hộ khẩu thành phố". Theo P.T.A, ngay cả những người "lo" được hộ khẩu cũng rất khó trúng tuyển vào viên chức vì: "Đi nộp hồ sơ cũng chen lấn, thông tin tuyển dụng không rõ ràng... Có một ngàn lẻ một lý do để giáo viên trẻ phải ngậm ngùi xin vào các trường tư thục".
Theo Báo Đất Việt