Lúc con học lớp 1, 2, kiểm tra vở bài tập của cháu mang về nhà, chúng tôi thỉnh thoảng thấy điểm 6 hay 7, thậm chí 5. Mỗi lần như vậy, nếu là môn toán chúng tôi giảng giải cho cháu hiểu bài, nếu là tiếng Việt thì yêu cầu cháu viết lại cho thật đúng, thật đẹp. Những số điểm thấp là "cơ hội" để cha mẹ ngồi lại ở bàn học của con lâu hơn sau mỗi ngày vất vả, mỗi người đi mỗi hướng.
Thế nhưng, khi con lên lớp 3, cơ hội này mất đi. Chúng tôi vẫn kiểm tra vở của con hằng ngày nhưng chỉ thấy toàn điểm đẹp, điểm 10, thỉnh thoảng mới thấy 9. Không yêu cầu quá cao, nhìn số điểm như vậy chúng tôi đã cảm thấy bằng lòng, vội vàng rời bàn học của con sau vài lời khen ngợi.
Thế rồi một hôm cháu đòi mua thêm vở. Chúng tôi ngạc nhiên: "Mới vô năm học mấy tháng sao hết vở nhanh vậy?". Tôi hỏi bừa: "Con có xé vở làm diều chơi không?". Vừa hỏi tôi vừa thử đếm. Vở bài tập toán 96 trang chỉ còn 88 trang, bài tập tiếng Việt cũng 96 trang còn 82 trang. Tôi hơi bực, nhưng chưa kịp cầm cây chổi lông cháu đã rối rít: "Con không xé mà là cô xé!". Lần này thì tôi giận thật. Đã xé vở còn đổ thừa cô giáo, tôi cầm cây chổi lên. "Con không đổ thừa. Cô con xé không chỉ vở con mà nhiều bạn khác. Ai làm bài tập sai là bị cô xé, bắt chép lại cho thật đúng, thật đẹp để cô cho điểm".
Hôm sau gặp một số phụ huynh có con học cùng lớp với con tôi, họ nói đã biết điều này từ lâu rồi. Tôi thật sự bàng hoàng.
Thì ra lâu nay chúng tôi bị cuốn vở toàn điểm đẹp "qua mặt" khiến ảo tưởng về sức học của con mình. Chúng tôi luôn muốn biết sự thật về học hành của con cái, cả những trưởng thành cùng khiếm khuyết để bồi bổ hay động viên cháu. Muốn biết thực lực của cháu thì còn cách nào dễ hơn là nhìn vào điểm? Nếu cứ lừa dối nhau như thế mãi thì rốt cuộc ai là người gánh chịu hậu quả ngoài những đứa trẻ ngây thơ vô tội là con chúng tôi?
Theo Tuổi Trẻ