Khi con bạn lớn lên, chúng mong muốn sẽ được ăn những thức ăn từ đĩa của bạn - và bạn cũng muốn bé làm quen với những loại thức ăn khác nhau.
Nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm đều an toàn cho bé. Một số loại thức ăn dễ làm bé bị mắc cổ khi ăn, và một số khác lại không tốt cho hệ tiêu hóa của bé đang trong giai đoạn phát triển
Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo các bậc cha mẹ chỉ nên cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa bột trong suốt khoảng thời gian từ 4- 6 tháng đầu.
Những thức ăn cần tránh cho bé từ 4- 12 tháng tuổi
Mật ong: Mật ong có thể là mầm mống gây ra chứng ngộ độc cho trẻ. Ruột của người lớn có thể ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc từ mật ong, nhưng ruột của một đứa trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên dễ bị các độc tố trong mật ong đe dọa và gây ra ngộ độc.
Bơ đậu phộng: Chất dẻo dính của bơ đậu phộng và những bơ hạt khác có thể làm cho bé rất khó nuốt và dễ gây nguy hiểm cho cổ họng của trẻ.
Sữa bò: Chỉ cho bé uống sữa mẹ hoặc sữa bột cho đến khi bé được một năm tuổi. Tại sao phải làm như vậy? Bởi vì trong năm đầu tiên, bé yêu của bạn không thể tiêu hóa được các protein có trong sữa bò. Do đó, uống sữa bò sẽ không cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu của bé; Trong khi đó, sữa bò còn chứa các khoáng chất có thể làm tổn hại đến dạ dày của bé.
Những thức ăn khiến bé dễ bị mắc cổ
Những thức ăn có kích thước nhỏ sẽ an toàn hơn cho bé vì chúng không gây khó khăn cho cổ họng khi nuốt. Các loại rau như cà rốt, đậu xanh cần phải được xay nhuyễn và nấu chín. Các loại hoa quả như nho, dâu tây, cà chua, dưa gang cần được cắt ra làm nhiều phần nhỏ trước khi cho bé ăn. Cắt thịt và phomat thành những phần rất nhỏ hoặc chia vụn chúng ra.
Những loại thức ăn nhỏ và cứng như: ngô rang, kẹo cứng và một số loại trái cây sấy khô đều là những thứ nguy hiểm vì chúng dễ làm trẻ bị mắc cổ.
Những thức ăn mềm như kẹo mềm và mứt dẻo có thể sẽ bị dính lại cổ họng của trẻ khi ăn, nên bố mẹ cũng nên hạn chế những thứ này.
Để trẻ không bị mắc cổ (ngạt) khi ăn:
Tránh để cho bé ăn trong ô tô. Vì bạn khó có thể quan sát bé trong khi đang điều khiển xe.
Trong lúc cho bé ăn, bạn không nên bóp họng trẻ để bắt trẻ há miệng ra, vì như thế bạn sẽ làm cho họng bé bị tê cứng và khó khăn khi nuốt, khiến bé dễ bị ngạt.
Sự dị ứng thức ăn ở trẻ
Các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn các thức ăn cứng sau khi bé đã được 1 tuổi. Điều này sẽ giúp giảm các nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ, đặc biệt là với những trẻ hay bị dị ứng.
Nhưng viện Nhi khoa Mỹ (AAP) lại không đồng ý quan điểm này. Bởi vì những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, sự trì hoãn như vậy không hề làm giảm các nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ.
Mặt khác, họ còn cho rằng, cha mẹ nên tập cho trẻ làm quen dần với những thức ăn mới, và đợi cho đến khi bé hoàn toàn không phản ứng lại với chúng thì mới bắt đầu cho bé ăn.
Và nếu bạn nghĩ rằng con bị dị ứng thức ăn, chẳng hạn trong gia đình bạn có người hay bị dị ứng thức ăn, bạn nên đến gặp bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất trong việc tập cho bé làm quen với các loại thức ăn gây dị ứng như trứng, sữa, đậu phộng, lúa mì, nước tương, các loại hạt, cá, sò, hến...
Theo Webtretho