Không chỉ hàng chục cháu bé trường mầm non cần người lớn đưa đi học, còn gần 300 em học sinh từ cấp tiểu học đến THPT ngày hai buổi vượt sông Âm đến trường. Phương tiện vượt sông duy nhất của các em học sinh là những chiếc bè, mảng, được ghép tạm.
Hiểm họa trên sông nước
Hàng ngày, bà Phạm Thị Việt (64 tuổi, dân tộc Mường, trú tại bản Đắm, xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) dậy sớm, cõng đứa cháu nội ra bến đò để vượt qua sông Âm đến học trường mầm non bên trung tâm xã. Chiều muộn, bà Việt lại từ trên đồi lật đật xuống trường đón cháu về bản. Không chỉ hàng chục cháu bé trường mầm non cần người lớn đưa đi học, còn gần 300 em học sinh từ cấp tiểu học đến THPT ngày hai buổi vượt sông Âm đến trường. Phương tiện vượt sông duy nhất của các em học sinh là những chiếc bè, mảng, được ghép đóng tạm bằng luồng, thứ cây rất sẵn hai bên bờ sông Âm.
Anh Phạm Văn Chúc (dân tộc Mường, trú ở bản Đắm) có thâm niên trong việc chèo chống bè mảng đưa học sinh qua sông, bộc bạch: "Sông Âm có độ dốc lớn, nước chảy xiết, mùa mưa lại càng hung dữ nên để vượt sông được thì rất nguy hiểm. Vì vậy chúng tôi phải dùng bè, mảng chèo chống bằng tay, và chỉ dám cho trẻ qua sông khi trời khô ráo".
Vượt sông Âm đến trường bằng bè mảng.
Bà Phạm Thị Việt cho biết thêm: "Nhiều buổi chiều, tôi bế cháu từ trường mầm non về đến bến đò Đắm thì trời đổ mưa sầm sập, nước sông dâng nhanh nên không ai dám chống bè mảng sang sông. Hai bà cháu đành phải ở lại nhà người quen bên cạnh trường để mai cháu đi học tiếp. Tôi nhớ nhất ngày khai giảng năm học mới vừa rồi, lũ trẻ ở bản Đắm, Giỏi Thượng, Giỏi Hạ... xúng xính quần áo, cặp sách mới đến trường. Nhưng nước sông to, bè mảng mỏng manh, nguy hiểm quá nên chúng không thể sang trường để dự khai giảng cùng thầy cô giáo và bạn bè được, cứ đứng bên bờ sông khóc thút thít".
Cậu học trò trú tại bản Đống là Lường Văn Di (dân tộc Mường) tâm sự: "Cháu và nhiều bạn học sinh khác đã không ít lần phải bỏ buổi kiểm tra học kỳ, hoặc đi học muộn vì nước sông quá lớn, không qua sông được".
Ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Am cho biết: "Con sông Âm chảy qua địa bàn xã dài khoảng hơn 16km, chia đôi địa giới hành chính của xã. Trong 17 bản của xã thì bên hữu có 7 bản và có 4 bản vừa nằm bên tả, vừa nằm bên hữu sông Âm. Bên tả sông Âm là trung tâm xã gồm các khu hành chính như trường học, trạm xá, chợ, trụ sở xã... Toàn xã có 4 trường học gồm 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS đều được xây dựng phía bên tả sông Âm, nên các cháu học sinh bên phía hữu sông Âm đến trường học chữ phải vượt sông bằng bè, mảng rất nguy hiểm".
Ông Lâm cho biết thêm: "Hiện tại, UBND xã Vân Am đã tổ chức và trả lương cho đội bè, mảng gồm hai người đưa đón học sinh qua sông miễn phí tại bến đò Đắm. Những ngày mưa lũ, nước sông Âm dâng cao, chảy xiết, nguy hiểm, UBND xã yêu cầu các trường cho các cháu học sinh nghỉ học. Sau mưa lũ, nhà trường phải tăng cường thầy, cô giáo dạy thêm, phụ đạo để học sinh theo kịp chương trình. Điều này phần nào cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của xã; đặc biệt, nhiều em học sinh đã bỏ học giữa chừng vì đường đến trường quá gian nan".
Ước mơ có được một cây cầu
Tiếng trống tan giờ học buổi chiều vừa điểm, hàng trăm học sinh các cấp ở xã Vân Am ùa ra bến đò Đắm, vội vã sang sông để tránh trận mưa lớn đang kéo đến. Nhiều em học sinh nhảy vội lên chiếc mảng lớn rồi tự chèo chống qua sông. Nhìn hàng trăm học sinh lần lượt qua sông trên một chiếc mảng luồng mỏng manh, trong khi trên mảng không có một chiếc phao, các em cũng không có tấm áo phao cứu sinh nào, chúng tôi không dám nghĩ đến điều xấu nhất. Phía thượng nguồn sông Âm cách bến đò Đắm không xa, cơn mưa rừng kèm cuồng phong đang sầm sập đổ xuống. Ước mơ có được một cây cầu, hoặc chí ít có được những tấm áo phao, hay cặp cứu sinh của đồng bào và các em học sinh ở Vân Am không biết đến khi nào mới trở thành hiện thực?
Ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Có một thực tế là rất nhiều em học sinh thường tự bơi hoặc chống bè mảng qua sông để về nhà cho gần. Bởi gia đình các cháu nằm rải rác ven bờ sông, cách xa bến đò. Vì vậy, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra như đầu tháng 11/2008, một học sinh nữ học lớp 5 (ở bản Giỏi Thượng) bị nước lũ cuốn trôi khi tự bơi qua sông Âm sau giờ học buổi chiều. Rồi có nhiều đợt mưa lũ kéo dài cả tuần, học sinh bên kia sông nhớ trường, nhớ lớp mà không sao sang được. Xã Vân Am đã nhiều lần đề nghị với huyện, với tỉnh cấp kinh phí đầu tư xây dựng một cây cầu bê tông, hoặc cầu treo bắc qua sông Âm để đồng bào nơi đây bớt nhọc nhằn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm"
Theo CAND