Xã hội
   Niềm vui từ ánh mắt trẻ
 

Được đến trường mỗi ngày không chỉ là niềm vui của học trò mà còn là hạnh phúc của các thầy cô giáo, những người luôn mong muốn truyền thụ hết kiến thức, vốn sống cho "đàn con" của mình. Với cô giáo mầm non Khuất Thị Chu - trường Mầm non Bán công Đại Đồng, xã Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội, niềm vui đó còn được nhân lên nhiều lần, trở thành động lực để cô vượt qua hoàn cảnh riêng không may mắn vươn lên thành GV giỏi.

Cô Chu và các cháu HS

* Đi biển mồ côi
Cô Khuất Thị Chu trông gầy nhỏ, dáng người đi hơi xiêu xiêu, như các cụ nói là dáng vất vả. Ấn tượng với người gặp đầu tiên là "chỉ thấy mắt là mắt". Hoàn cảnh của cô Chu không chỉ các đồng nghiệp biết và chia sẻ thông cảm, ngay cả phụ huynh HS, vốn là những người hàng xóm cùng làng cùng xã cũng thấu hiểu và luôn động viên cô mỗi ngày.

Cách đây 10 năm, chồng cô giáo Chu không may mất vì bệnh ung thư. Cô Chu một nách 3 con lo chèo chống mọi việc. Cô hiệu trưởng trường Mầm non bán công xã Đại Đồng Kiều Thị Quế khi kể lại chuyện cô Chu không khỏi rơi nước mắt: "Khi chồng bệnh nặng, cô Chu phát hiện mình mang bầu. Cô đến báo cáo hoàn cảnh với công đoàn nhà trường, mong mỏi để chồng ra đi cũng thấy thanh thản, yên tâm. Chính bởi hoàn cảnh đặc biệt đó, nhà trường cũng đã tạo điều kiện động viên cô Chu. Ngày cô Chu vào bệnh xá sinh con thì chồng cô ra đi. Ngay hôm sau, cô Chu xin đưa con về nhà để được đưa tiễn chồng..."

Với cô Chu, những ngày tháng đó thật vô cùng vất vả: vừa lo chăm con nhỏ, lo dạy con lớn học, lo việc trường, lo việc nhà, đảm bảo "cơm áo gạo tiền" cho gia đình hàng tháng.... Nỗi đau thương nhớ chồng dường như vẫn chưa nguôi hẳn, để mỗi khi tâm sự về chuyện của mình, cô vẫn khóc. Nhà cô Chu tuềnh toàng, có chiếc máy tính mà chủ nhân khoe là mới vay mượn tiền mua được là đáng giá nhất. Ngồi lên chiếc giường ọp ẹp mà 3 con gái cô hàng ngày ngồi học bài cứ sợ nó bất thình lình sập xuống. Căn nhà không có bàn tay người đàn ông, tuy vẫn ngăn nắp sạch sẽ nhưng từ cái cánh cửa cho đến bàn ghế giường tủ dường như không chắc chắn, cho dù cô Chu ở ngay xã chuyên làm đồ gỗ nội thất cho Hà Nội.

Gia đình cô Chu thuộc diện hộ đói nghèo trong xã. Trước đây, khi Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội, lương cô Chu chỉ khoảng 700-800 nghìn đồng/tháng. Vậy nên từ 3-4 giờ sáng, cô đã thức dậy để đi cấy lúa. Sở dĩ phải dậy sớm hơn những người khác bởi cô chỉ làm đến 6 giờ là lại sấp ngửa về trường đón các cháu vào lớp, làm công việc chính của mình. Giờ thì GV mầm non Hà Nội đã được quan tâm hơn, có chính sách đãi ngộ tốt hơn, tổng thu nhập của cô Chu là 1.850.000 đồng/tháng, không phải tranh thủ đi cấy thêm nữa. Số tiền đó ba mẹ con cô cũng tùng tiệm qua ngày. Cô kể: "Có tháng thiếu tiền đóng học cho con, cô đành phải chạy sang nhà phụ huynh HS vay tiền. May mà bố mẹ các cháu đều thương và thông cảm với hoàn cảnh của cô giáo...". Vì là hộ nghèo nên ở xã, ở tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ cho các con cô đi học. Rồi ngày lễ, tết cũng được lãnh đạo chính quyền, tập thể nhà trường động viên thăm hỏi. Đó là những tia nắng ấm áp soi chiếu vào quãng thời gian khó khăn vất vả của cô Chu.

* Lây niềm vui từ ánh mắt trẻ
"Chuyện mình thì buồn, nhưng đến lớp, thấy trẻ cười, trẻ nói, lại lây niềm vui của các cháu, cảm thấy cuộc đời đáng sống hơn, có mục đích hơn..." - cô Chu tâm sự về niềm vui đến trường của mình. Ngay cả thời điểm những năm 90, khi các cô giáo mầm non như cô Chu đi làm 6 tháng được trả 2 tạ lúa, tính ra mỗi tháng được mấy chục nghìn, không đủ trang trải cho bản thân mà cô Chu vẫn quyết không bỏ nghề. Cô yêu tiếng xôn xao ở lớp học, "nghiện" giờ cho trẻ ăn, cho trẻ ngủ đến nỗi nếu không được đi làm, cô thấy chống chếnh buồn bã sao đó. Cô bảo, nhà người khác thì về nhà thấy vui, có vợ có chồng, nhà cô về nhà các con đi học hết, một mình quạnh quẽ, thôi thì lại đến lớp cho vui. Vậy nên quỹ thời gian cô dành hết ở nhà trường, dành hết cho các cháu trong lớp. Chỉ đến tối, cô với các con mới quây quần bên nhau ăn uống, học hành.

Yêu nghề, yêu trẻ, cô Chu đầu tư rất nhiều công sức cho công việc của mình. Cô nổi tiếng trong trường ngoài xã nhờ tài làm đồ dùng học tập. Đây cũng là thế mạnh của cô khi đi thi GV dạy giỏi các cấp nhiều năm giành giải. Có người còn nói vui rằng nhiều lúc thấy cô giáo Chu như đi thu mua đồng nát vậy. Nhà cửa phơi phóng nào mút, nào quạt giấy rách, nào giấy bóng xanh đỏ cứ gọi là rợp sân. Mùng 4 tết vừa rồi, mấy mẹ con lếch thếch xe đạp đi chơi, qua bãi rác, thấy nhiều hộp xốp, mảnh vỏ có thể dùng làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho các cháu, thế là mấy mẹ con lại dừng xe lại, nhặt nhạnh mang về giặt rửa. Mùng 5, mùng 6 mấy mẹ con lại ở nhà hì hụi cắt dán... Cho đến bây giờ, cô giáo Chu tự hào là người làm đồ dùng sáng tạo theo chủ đề, chủ điểm nhiều nhất trường.

Cô giáo Khuất Thị Chu và các con

Cô giáo Chu thích nhất là làm đồ chơi các con vật. Cô kể rằng mỗi khi ở nhà cắt dán tạo hình là các con cô xúm xít vào góp ý cho mẹ. Lần khó nhất là làm con voi bằng can nhựa, loay hoay làm thế nào mất đến 2 đêm cũng không ưng ý cái vòi, cứ thấy nó không đạt. Sau cùng, bạn của con gái chị đến chơi ngồi xem mới nhắc, là phải làm cách điệu thế này, thế này... Vậy mà cuối cùng cũng thành công. Khi đem sản phẩm của mình cho các họa sĩ xem, ngay chính họ cũng rất khâm phục.

Tuy nhiên, với cô Khuất Thị Chu, cái khó nhất trong nghề lại chính là việc tiếp cận trẻ, khơi gợi cho trẻ sáng tạo. Có năm học, cô tiếp nhận một cháu 3 tuổi vẫn chưa biết nói. Thế là cô dành rất nhiều thời gian cùng cháu trên lớp, rồi đến tận nhà để tìm hiểu cuộc sống của cháu như thế nào. Dần dần, cháu đã nói được những từ đầu tiên, đến bây giờ, khi cháu đã 5 tuổi, gia đình vẫn ghi nhớ tấm lòng tận tụy của cô Chu, nhờ có cô, cháu đã giao tiếp như các bạn bình thường khác.

Một trường hợp cô Chu cũng không quên là một cháu khi được nhận vào trường kiên quyết không cho ai động vào người. Vậy nhưng bằng cách thể hiện tình cảm để trẻ hiểu, cô Chu đã giúp trẻ hòa nhập với các bạn trong lớp chỉ sau 1 tuần. Bí quyết của cô chính là tình yêu và sự kiên nhẫn, không yêu trẻ, không biết nhẫn nại thì không thể trụ lâu với nghề được.

Hiện tại, cô giáo Chu đã thực hiện soạn giáo án trên máy tính. Tết vừa qua, cô được lãnh đạo các cấp tặng hơn 3 triệu, vay thêm tiền bà ngoại, cô mạnh dạn sắm cho mình một chiếc máy tính để tiện việc học tập nâng cao trình độ cũng như soạn giáo án, bài vở. "Phụ huynh HS cũng chính là người dạy cô thêm về vi tính cũng như nhận in các giáo án phụ giúp việc giảng dạy trên lớp". Nói đến đây, niềm vui ánh lên trên khuôn mặt khắc khổ của cô Chu.

* Mơ ước cho con
Hoàn cảnh không được thuận lợi như người khác, nhưng may sao các con của cô giáo Chu đều học rất giỏi: Kiều Thị Vân năm nay học lớp 8, Kiều Thị Lan Phương học lớp 6 và Kiều Thị Trà Giang học lớp 3, đều là những gương mặt HS giỏi, đi thi chữ viết đẹp của xã, của tỉnh. Kiều Thị Lan Phương bé nhất nhà, em bị thắt nút một đoạn ruột nên ăn rất ít, cũng khó chăm hơn chị và em của mình. Cô giáo Chu đã đưa con đi khám ở Hà Nội, bác sĩ nói cần đợi Phương lớn hơn một chút nữa, nếu ăn uống tích cực thì sẽ đỡ hơn, có thể khỏi bệnh.

Ước mơ lớn nhất của cô Khuất Thị Chu bây giờ là các con học giỏi, đỗ ĐH, thành đạt ngoài xã hội. Nếu cần đầu tư cho con học tập, dù có bán nhà cô cũng sẵn lòng. Hỏi cô có thích con theo nghề giống mình không? Cô Chu cười hiền: "Ôi, chúng nó nhìn mẹ vất vả, tối ngày ở trường ở lớp, chẳng còn thời gian lo cho bản thân nên đều bảo con không theo nghề mẹ đâu. Tôi chỉ mong các cháu đừng vất vả như mình...". Hình như chỉ nói đến tương lai của các con, cô giáo Chu mới cười tươi như vậy.

Theo GD&TĐ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hoạt động các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam: Nhà đầu tư rủi ro, nhà quản lý gặp khó. (9/11)
 HS tiểu học nên ăn trứng, đậu phụ, rau xanh... (9/11)
 Chạy theo thành tích (9/11)
 Trẻ khóc cũng bằng tiếng địa phương (9/11)
 Trẻ tự kỷ đang gia tăng mạnh (6/11)
 Cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện “4 công khai” (6/11)
 TP HỒ CHÍ MINH: Không chỉ đạo trường mầm non chào cờ (6/11)
 Quảng Trị: 140 giáo viên bị chậm lương hơn 3 tháng (6/11)
 Giáo dục ATGT trong nhà trường được chú trọng (5/11)
 Triển khai dự án cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam (5/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i