Cha mẹ nào lại chẳng thương yêu và mong muốn mang đến cho con tất cả những gì ngày xưa mình chưa có được. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta phải trả giá vì điều này nếu phạm phải sai lầm một cách vô thức.
1. Làm hư trẻ
Không ít bậc phụ huynh dù rất quan tâm đến con cái, cuối cùng lại làm trẻ hư khi có được mọi thứ, chúng cũng chẳng cảm thấy hạnh phúc. Trẻ không bao giờ thấy thỏa mãn và đòi hỏi mỗi lúc một nhiều hơn.
Thật ra con cái cần gì ở cha mẹ nhất? Đó chính là thời gian mà các bậc sinh thành dành cho chúng. Được nuông chiều như thế làm sao trẻ học được cách đối mặt với những thất bại trong cuộc sống hay biết ơn khi nhận được điều gì từ người khác?
Cung cách dạy dỗ của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong sự trưởng thành của con cái
2. Kỷ luật không nghiêm
Khi thả lỏng kỷ luật trẻ, vô tình bạn đã để các thói xấu nảy sinh ảnh hưởng đến cả người thân, thầy cô và cả cha mẹ bạn bè của trẻ. Không nên để trẻ tự do tung hoành ở nhà, vì chúng sẽ quen thói làm y như thế ở nhà người khác. Bước ra khỏi nhà trẻ càng phải cư xử đúng mực hơn.
Nếu mình không tự tay kỷ luật con cái, rồi cũng có người khác làm điều đó và bạn sẽ chẳng thích thú với điều này chút nào.
3. Thiếu liên lạc với trường lớp của trẻ
Trường học là nơi trẻ ở lâu nhất ngoài thời gian ở nhà. Đó cũng là nơi có trách nhiệm xây dựng nhân cách và lối sống của trẻ sau này, không những qua thầy cô mà còn từ bạn bè của trẻ.
Cha hay mẹ liên lạc với nhà trường? Là người nào không quan trọng, nhưng phải có một đại diện ở nơi trẻ theo học. Đừng đổ lỗi bạn bận bịu công việc rồi không làm. Nếu cần hãy xin nghỉ phép một ngày, bạn sẽ thấy thời gian bỏ ra là xứng đáng. Tối thiểu bạn nên có một địa chỉ email liên lạc với thầy hay cô dạy trẻ.
Bạn cần thể hiện mình quan tâm đến việc học hành của con cái ra sao và thầy cô có thể báo động cho bạn biết trong trường hợp trẻ gặp phải khó khăn nào đó.
4. Khen thưởng quá mức
Làm cha mẹ, ai cũng muốn khuyến khích con mình làm tốt mọi việc và tạo cho chúng lòng tự tin. Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng đi quá xa. Tạo dựng sự tự tin cho trẻ là việc nên làm, thế nhưng kiểu mở tiệc ăn mừng những thành quả "khiêm tốn" của chúng chỉ khiến trẻ có cái nhìn sai lệch về thành tích thật sự.
5. Không giao trách nhiệm cho trẻ
Không nên để con cái đòi hỏi phải được trả công khi làm công việc nhà. Đó là nhà của chúng, không phải là khách sạn. Trẻ phải tham gia chia sẻ công việc nhà vì chúng là một thành viên của gia đình.
Nếu trẻ lớn lên với lối sống thiếu trách nhiệm, làm sao chúng ta hi vọng chúng sẽ gánh vác nổi trọng trách nào khác? Do vậy, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ phụ giúp, có thể đơn giản như dọn bàn ăn, xếp chén bát đã rửa vào khay hay quét phòng.
6. Không làm gương cho con
Cách đối xử giữa hai vợ chồng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển các mối quan hệ của trẻ. Nếu cha mẹ cư xử tệ bạc, thường xuyên la hét hay cãi vã với nhau, vô tình đã dạy cho trẻ những hành vi tương tự. Trẻ học từ những gì chúng thấy nhiều hơn những gì chúng nghe từ các đấng sinh thành.
Khi đối xử với nhau bằng tình yêu và sự tôn trọng, cha mẹ đã cho trẻ thấy được giá trị của gia đình, một nơi trẻ cảm thấy an toàn và ấm áp.
7. Kỳ vọng quá nhiều
Mong mỏi cha mẹ đặt vào trẻ phải ở mức độ hợp lý. Nếu bạn muốn đứa con 2 tuổi của mình ngồi ăn nghiêm chỉnh ở buổi tiệc như một hoàng tử nhỏ, cuối cùng bạn chỉ thất vọng. Tương tự, nếu bạn mơ ước con mình sẽ thành một ngôi sao bóng đá trong khi cậu chỉ thích thổi kèn, bạn cần phải xem lại ước mơ đó.
Đừng áp đặt những kỳ vọng quá xa thực tế lên con cái. Mơ ước bạn nên có là mong con sẽ hạnh phúc, điều đó mới thật sự quan trọng.
8. Không dạy trẻ biết lo liệu cho bản thân
Nhiều phụ huynh xem con mình lúc nào cũng còn bé và ra sức thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng. Điều này đã xóa nhòa trong trẻ giá trị của công việc làm cật lực cũng như tính độc lập khi trẻ trưởng thành.
Trẻ sẽ nghĩ rằng người ta phải phục vụ mọi thứ cho chúng, từ lau dọn phòng riêng đến mang đến miếng băng dán khi chúng cảm giác đau. Dạy trẻ làm quen với gian khó và biết tự lập không có nghĩa là cha mẹ không yêu thương trẻ nữa; trái lại chúng ta đang yêu thương chúng nhiều hơn đấy!
9. Áp đặt xu hướng phát triển lên trẻ
Hãy để trẻ phát triển đúng lứa tuổi của chúng. Cha mẹ không nên áp đặt xu hướng của mình hay cái nhìn của người lớn lên trẻ. Dạy trẻ sống phải biết đam mê là điều tốt, nhưng hãy để chúng lớn lên một cách tự nhiên. Nhận định xem mình là ai giữa thế giới bao la này, điều đó đối với trẻ cũng đủ mệt rồi, huống chi cha mẹ lại can thiệp vào cố biến chúng thành thế này thế kia.
10. Không trước sau như một
Nếu chúng ta bảo trẻ rằng chúng sẽ phải ở nhà không được đi đâu cả nếu chọc phá chú chó hàng xóm một lần nữa, tốt hơn hết nên làm như thế đến cùng.
Trách phạt đến nơi đến chốn cũng như giữ lời hứa trước sau như một quả chẳng dễ dàng gì, tuy nhiên tạo dựng lòng tin nơi trẻ thật ra mới là điều quan trọng nhất. Nếu chúng ta không làm đúng những gì đã nói, sau này trẻ sẽ cho rằng bất kỳ điều gì cha mẹ nói chỉ là nói cho có và dần sẽ không còn tin tưởng gì vào cha mẹ nữa.
Theo Tuổi Trẻ