Hổ Thọt (Minh Nhí) thắc mắc: “Sao mi cứ đi vòng vòng hoài vậy?”. Sói Ghẻ (Thành Lộc) hồn nhiên: “Thì sân khấu hình tròn phải đi vòng vòng chớ sao!”.
Không phải giỡn chơi, cái rạp xiếc hình tròn ở công viên 23-9 (TP.HCM) lần đầu tiên trở thành sân khấu kịch nói trong vở Cậu bé rừng xanh của Idecaf (*).
Vì diễn kịch ở rạp xiếc mà!
Đó là một ý tưởng lạ và khá mạo hiểm của tác giả Thanh Phương và đạo diễn Vũ Minh. Lạ ở chỗ lần đầu tiên đưa xiếc vào kịch. Nhưng cũng mạo hiểm vì lần đầu tiên trong kịch... có xiếc.
Sân khấu bên dưới, khán giả ngồi cao hơn diễn viên. Không gian vở dường như rộng ra, sâu hơn cùng với hiệu quả của ánh sáng khiến thêm lung linh, kỳ ảo. Diễn viên đi ra từ nhiều phía không gian của rừng lên tận hàng ghế khán giả. Diễn viên của đoàn xiếc thành phố trong trang phục voi, khỉ, thỏ đang thực hiện những màn nhào lộn, đu dây, tung hứng đẹp mắt.
Rồi... voi thật ra đá banh, chó thật ra nhảy vòng, khỉ thật ra đạp xe, ngựa thật ra phi vòng vòng... Lúc này mới thấy hiệu quả của rạp xiếc khi ứng dụng vào kịch để chuyển tải câu chuyện về muông thú. Nhưng bất ngờ và thú vị nhất vẫn là màn diễn xiếc của... các diễn viên kịch Idecaf.
Cậu bé rừng xanh (Đình Toàn) cũng trèo cây thoăn thoắt, phi ngựa ào ào và có cả... một con trăn thật to quấn ngang cổ. Hổ Thọt và Sói Ghẻ cũng đu dây vèo vèo, bay qua bay lại đến chóng mặt khán giả. Dù gì thì những Minh Nhí, Thành Lộc, Đình Toàn cũng chỉ là những diễn viên kịch, nhìn họ toòng teng trên cao mà hồi hộp, nhỡ té một cái là gãy chân như chơi!
Còn các diễn viên thú ở rạp xiếc có lẽ lần đầu tiên đóng kịch nên hơi... khớp. Những chú khỉ nhất quyết không chịu đạp xe mà cứ đẩy chạy vòng vòng.
Bài học của rừng
Chuyện một cậu bé bị bỏ lại trong rừng, lớn lên trong tình yêu thương của muông thú, trở thành hoàng tử của rừng xanh... Đối với nhiều trẻ em thì câu chuyện này đã nằm lòng bởi đã có sách, có hoạt hình, có phim.
Nhưng Idecaf vẫn hoành tráng kể lại (ngốn hết của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn hơn 100 triệu đồng), vì tin rằng với ngôn ngữ sân khấu thì câu chuyện sẽ gần gũi và trực quan hơn.
Và thấp thoáng trong lời thoại của các nhân vật là những thông điệp giáo dục được chuyển tải nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Hổ Thọt nói rằng con người không tốt, luôn tìm cách để hãm hại muông thú, chim, thỏ sẽ bị săn bắn, gấu sẽ bị rút mật, sư tử bị nhồi bông, hổ bị bắt về sở thú...!
Câu chuyện còn mở ra một hướng kết mới, không theo môtip những truyện cổ tích xưa nay vốn dành cho nhân vật ác những điều tồi tệ nhất. Hổ Thọt ở ác, bị cậu bé rừng xanh đánh một trận, sau đó nó tự thấy xấu hổ mà bỏ đi khỏi rừng, chuyển nghề làm... hướng dẫn viên du lịch!
Sói Ghẻ vốn xấu tính xấu nết nên bị thú rừng tẩy chay, phải đứng chơi một mình, lảm nhảm nói chuyện một mình. Ở đây không có cái chết, không có sự trả thù, không có kiểu trừng phạt cái ác một cách hả hê làm vẩn đục tâm hồn trẻ nhỏ.
Và tất nhiên là cũng không có... yêu đương gì - cậu bé rừng xanh khi trở về với rừng đã không dắt theo một cô người yêu nào, mà là rất nhiều bạn bè trên một chiếc xích lô! Vì rằng, diễn cho trẻ con xem mà!
(*) Vở kịch thiếu nhi Cậu bé rừng xanh, tác giả: Thanh Phương, đạo diễn: Vũ Minh. Ra mắt ngày 23-12-2005 trong chương trình Ngày xửa ngày xưa 11, tại rạp xiếc công viên 23-9, sau đó sẽ diễn 18 suất nhân dịp Giáng sinh và năm mới.
Tuổi Trẻ
|