Không ít người cho rằng các bậc cha mẹ bây giờ quá nuông chiều con cái nên mới khó khăn một chút đã kêu ca. Tuy nhiên, chuyện học sinh lớp 1 gặp khó khăn về tâm lý trước sự thay đổi môi trường sinh hoạt, học tập từ mẫu giáo lên tiểu học là có nhưng ở nhiều mức độ khác nhau.
Có học sinh buồn chán, lo lắng vài buổi học đầu rồi quen dần, có học sinh thì sợ hãi, chán học kéo dài và có có cả trường hợp dẫn tới rối loạn thần kinh. Bất cứ phụ huynh nào khi thấy con mình gặp rắc rối về tâm lý đều lo lắng. Tuy nhiên, sự can thiệp của phụ huynh chỉ có giới hạn bởi phần lớn thời gian hàng ngày các con sinh hoạt ở trường, trực tiếp chịu sự tác động tốt hay xấu về mặt tâm lý. Chỉ có vài tiếng buổi tối, những lời phân tích, động viên của cha mẹ sẽ không phát huy tác dụng nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà trường và giáo viên.
Trong hàng trăm nghìn giáo viên, đa phần đều là những người có đạo đức nghề nghiệp nhưng cũng không tránh khỏi những cá nhân vẫn có thái độ, cách thức đối xử không tốt với học sinh. Nhiều học sinh lớp 1 không hiểu mình mắc lỗi gì khi chưa biết đọc, biết viết trước khi chính thức bước vào lớp 1 mà lại bị cô phạt, cô chê học chậm, học dốt... Có người không đánh học sinh nhưng lạnh nhạt, mắng mỏ... gây tổn thương tinh thần ghê gớm hơn nhiều. Những hành vi như vậy đặc biệt gây tác động xấu và có khi ảnh hưởng tâm lý kéo dài trong suốt quá trình học tập sau này của các em học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Đối phó với vấn đề này, các bậc phụ huynh đều băn khoăn, có nên phản ánh với cô giáo chủ nhiệm hay nhà trường rằng con mình khó ngủ, kém ăn khi học bán trú ở trường, rằng con sợ cô mắng, cô đánh hay cô chấm điểm chưa thỏa đáng hay không.
Phần lớn phụ huynh chọn cách không nói vì e ngại là những hệ lụy kéo theo đằng sau lời phản ánh thật khó lường. Cũng vì thế mà không ít phụ huynh chọn cách biếu quà, cho con đi học thêm để con cái mình được cô quan tâm, ưu ái hơn... Mục đích của những phụ huynh này vô hình trung lại mang đến sự thiếu công bằng trong lớp.
Được biết, TP Hồ Chí Minh đang đưa ra đề xuất cần có "Sổ tay cha mẹ học sinh", trong đó nêu rõ nhiệm vụ và quyền lợi của phụ huynh khi có những điều bức xúc cần liên lạc với ai, cơ quan nào sẽ bảo vệ họ... Sự tương tác, hỗ trợ giữa ngành giáo dục - xã hội, giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh đang rất cần cây cầu để đem đến sự liên thông thực sự trong sự nghiệp trồng người.
Theo ANTĐ