Tại kỳ họp lần thứ 18 (từ ngày 14 đến 17-7-2009), HĐND thành phố đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó, dư luận, nhất là các bậc phụ huynh bày tỏ sự quan tâm và hoan nghênh trước việc thành phố Hà Nội đã có định hướng, quyết sách đối với giáo dục mầm non (MN) như xóa phòng học tạm, học nhờ, nâng cao chất lượng nuôi và dạy trẻ, củng cố và mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục MN ngoại thành;
phấn đấu đến hết năm 2010 hầu hết trẻ em đều được chăm sóc giáo dục bằng những hình thức thích hợp, xây dựng mạng lưới trường lớp hợp lý, bảo đảm để mỗi xã, phường ít nhất có 1 đến 2 trường MN công lập; khuyến khích phát triển trường MN dân lập, tư thục. Đặc biệt, đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục MN thành phố đến năm 2015" với tổng kinh phí lên đến 3.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên...
Việc quan tâm đầu tư trên là rất cần thiết, bởi thực tế cho thấy mạng lưới trường, lớp giáo dục MN trên địa bàn ở nhiều xã, phường hiện đang bị quá tải, cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn, nhất là trong điều kiện địa giới hành chính Hà Nội mới được mở rộng, còn nhiều khó khăn. Những bất cập này làm cho các bậc phụ huynh chưa yên tâm khi gửi gắm con em tới trường. Dịp tuyển sinh đầu năm, đầu cấp học, chẳng cứ bậc tiểu học, THCS mà cả bậc MN, nhiều phụ huynh còn phải đôn đáo lo "chạy" trường cho con em đến chóng mặt.
Ai cũng biết khẩu hiệu: "Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình có". Thiết nghĩ với quyết tâm cao của thành phố, chính quyền các địa phương, các ngành liên quan nên sớm có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện chủ trương, quyết sách trên về giáo dục MN. Cần bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách đầu tư từ các tổ chức, cá nhân theo chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm động viên, khuyến khích phát triển giáo dục MN - bậc học đầu đời của mỗi con người trong hệ thống giáo dục quốc dân một cách thiết thực và hiệu quả hơn nữa.
Theo Hà Nội Mới