Nghiên cứu về trẻ nhỏ và những nghiên cứu khác đã chỉ ra trẻ em hay bị quát mắng, đánh đòn, trừng phạt đều không tốt vì khiến trẻ nảy sinh các hành vi chống đối lại. Trẻ khoảng 1 tuổi nếu bị mắng cũng hư hơn và kém kỹ năng nhận thức.
Trong một nghiên cứu riêng về trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 16 đã chỉ ra những trẻ em bị quát mắng 2 - 3 lần/ tuần có khả năng chống đối quyết liệt hơn những đứa trẻ được nhắc nhở nhẹ nhàng.
Những nghiên cứu cũng nhận định, các lần quát mắng của người lớn đều có lý do nào đó, nhưng trừng phạt, đánh đập hoặc quát mắng trẻ không phải là biện pháp tốt nhất để giáo dục chúng. Và đây cũng không phải là hình thức khiến chúng sợ mà ngoan ngoãn nghe lời. Trái lại, chính cách cư xử này càng khiến chúng lì lợm, khó bảo hơn.
Đặc biệt, những hình phạt gây thương tích cho trẻ như đánh chúng thâm tím, trầy xước cũng không chỉ là những hành vi vi phạm quyền trẻ em mà còn khiến trẻ hình thành sự sợ hãi, hận thù. Nhiều nơi, giới chức cũng đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng đánh đập trẻ
Trong một nghiên cứu mới nhất được tiến hành tại Mỹ đã chỉ ra quát mắng trẻ nhỏ có ảnh hưởng đến hành vi của và phát triển tâm sinh lý của chúng. Một nghiên cứu với 2.500 gia đình có trẻ em ở độ tuổi 1, 2và 3 đã ghi lại mức độ tần suất trẻ bị quát mắng và công nhận dùng bạo lực hay to tiếng với trẻ chính là cách người lớn phá huỷ sự phát triển và hành vi tốt của chúng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 1/3 trẻ 1 tuổi bị hành hạ về thể chất, trung bình đánh hoặc chửi mắng 2 lần/ tuần. Khoảng ½ trẻ từ 2 đến 3 tuổi bị đánh 3 lần/ tuần. Thông thường bố mẹ đánh vào tay, mông, nhưng cũng có nhiều bậc phụ huynh "tra tấn" con mình vào những chỗ khác.
Trẻ em thường xuyên bị đánh nhận thức chậm hơn, điểm số thấp hơn và kỹ năng tư duy cũng không phát triển. Tiến sĩ Lisa Berlin, một nhà nghiên cứu khoa học tại Trung tâm chính sách Trẻ em và Gia đình tại ĐH Duke ở Bắc Carolina, cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rõ ràng quát mắng đánh đập ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ em".
Nghiên cứu này là sự hợp tác nghiên cứu của các trường ĐH Duke, ĐH Missouri-Columbia, ĐH Nam Carolina, ĐH Columbia, ĐH Harvard và ĐH Bắc Carolina tại Chapel Hill và đã được xuất bản trong tạp chí Sự phát triển của trẻ nhỏ.
Một nghiên cứu khác trong cùng một tạp chí đã xem xét tác dụng lâu dài của sự trừng phạt đối với thể chất trẻ em khi họ lớn lên thành thanh thiếu niên. Qua các nghiên cứu, các chuyên gia đều khẳng định cha mẹ nên giảm hoặc bỏ luôn các hình phạt thể chất cho đứa trẻ.
Theo aFamily