Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Vụ GDMN đã hướng dẫn chỉ đạo các sở GD& ĐT triển khai và thực hiện chuyên đề nâng cao chất lượng hoạt động cho trẻ làm quen với Văn Học và Chữ Viết trong các cơ sở GDMN từ năm học 2002-2005 trong phạm vi cả nước và trong những năm tới sẽ áp dụng chương trình đổi mới toàn diện.
Hội thảo được diễn ra tại Thành Phố Hồ Chí Minh - một thành phố có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng mô hình thư viện, xây dựng mô hình văn học chữ viết - với sự tham gia của Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Thị Ngọc Châm, Cô Lê Thị Hồng Liên - Phó Giám Đốc Sở GD-ĐT, TPHCM cùng các đại biểu đại diện cho các phòng MN, Sở GD-ĐT của 64 tỉnh thành trong cả nước.
Hội thảo lần này nhằm chuẩn bị tích cực Tiếng Việt cho trẻ, đảm bảo kế hoạch liên thông với Giáo Dục Tiểu Học, giúp trẻ mẫu giáo chuẩn bị học tập một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, hội nghị còn nhằm chỉ đạo thực hiện Chương trình Làm Quen Văn Học - Chữ Viết (LQ VH-CV) theo định hướng tích hợp, phù hợp với các vùng miền khác nhau, giúp trẻ vững vàng, tự tin bước vào học môn tiếng việt ở lớp 1. Đồng thời chấm dứt thực tế một số hiện tượng dạy trước chương trình lớp một cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều hoạt động đa dạng như dự giờ học của trẻ, thảo luận-đóng góp ý kiến và tham quan góc thư viện ở các trường mầm non. Chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện chuyên đề LQVH-CV, cô Liên Hoan –Phó phòng Mầm Non, Sở GD&ĐT- TPHCM cho biết:
“ TPHCM là đơn vị có rất nhiều thuận lợi trong việc thực hiện chuyên đề LQVH-CV. Khi nghiên cứu để thực hiện chuyên đề này, chúng tôi đã tham khảo một vài ý kiến của các nhà chuyên môn, tham khảo sách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó chúng tôi còn tìm hiểu trên internet để tìm những cataloge mẫu kệ sách sao cho phù hợp với lứa tuổi MN, và đòi hỏi phải có tính thẩm mỹ.
Trong tổ chức hoạt động chúng ta không nên quá cứng nhắc, muốn các giáo viên hiểu được chương trình đổi mới trước tiên những người làm quản lý như chúng ta phải đổi mới tư tưởng trước đã. Hãy để cho giáo viên được thể hiện những sáng tạo của họ và trên nền tảng đó chúng ta cúng xây dựng một hoạt động hoàn thiện hơn. Với phương pháp đổi mới chúng ta cũng cần có 1 sự quản lý thoáng hơn, nghĩa là tôn trọng ý kiến của cơ sở và phải khuyến khích họ thực hiện.
Khi tổ chức hoạt động LQVH-CV, chúng ta không nên đưa quá nhiều hoạt động vào trong hoạt động chung. Trẻ MN rất thích quan sát người lớn viết, tuy nhiên giáo viên không nên tham viết nhiều. Có thể tổ chức cho trẻ chơi với trò chơi với các con chữ, ghép chữ…Nhưng đó hoàn toàn không phải là chúng ta dạy trẻ đọc hay viết chữ như nhiều người vẫn nhầm tưởng.
Về đồ dùng dạy học cũng cần đơn giản hơn, tìm những nguyên vật liệu đơn giản dễ tìm, đồ dùng gần gũi với trẻ và không quá cầu kỳ.
Tại TPHCM, trước khi trẻ bắt đầu vào lớp 5 tuổi, giáo viên tại lớp sẽ có 1 bài test trắc nghiệm những bé nào đã biết đọc, biết viết chữ cái rồi thì chúng ta sẽ tách nhóm trẻ này ra để tổ chức cho trẻ hoạt động với các trò chơi với những chữ cái mà trẻ đã biết. Như chúng ta đã biết, ngày nay trẻ được học chữ không chỉ trong nhà trường, mà còn được học ở tại nhà, trong cộng đồng. Vì thế không thể nói chúng ta dạy trẻ biết trước chương trình lớp 1 được. Như lời nói của 1 chuyên viên nước ngoài cho biết: “Muốn cho trẻ phát triển tốt thì chúng ta phải dạy cho trẻ những điều chưa biết trên nền tảng những điều đã biết chứ không nên dạy những điều trẻ đã biết rồi, như vậy trẻ sẽ mau nhàm chán.Hãy để cho trẻ khám phá những cái mới…”
Có thể nói, sau 3 năm thực hiện chuyên đề nâng cao chất lượng hoạt động cho trẻ LQ VH-CV, các sơ sở GDMN đã đạt được những kết quả đáng kể về: công tác bồi dưỡng cán bộ giáo viên; công tác tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho chuyên đề; đổi mới phương pháp dạy trẻ làm quen văn học chữ viết; công tác tổ chức hội thi tham gia sáng tác sưu tầm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác thơ truyện cho trẻ; công tác tuyên truyền.
Hội thảo là cơ hội tốt giúp các tỉnh tham quan trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động LQVH-CV và vận dụng sáng tạo vào điều kiện của địa phương trong đổi mới phương pháp GDMN. Cũng từ hội thảo này Vụ GDMN sẽ đưa ra những định hướng chỉ đạo thực hiện mô hình về xây dựng môi trường văn học, chữ viết, thư viện và cách tổ chức cho trẻ hoạt động phù hợp với từng điều kiện cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động LQVVH-CV một cách hiệu quả.
Mamnon.com
|