Từng là món quà không thể thiếu của trẻ em Việt Nam mỗi độ Trung thu, những trống ếch, đèn cù, đèn ông sao, ông đánh gậy... đang dần biến mất trước sự "xâm thực" mạnh mẽ của đồ chơi ngoại.
Thời gian này, nếu về thăm những làng nghề sản xuất đồ chơi Trung thu nổi danh từ lâu, sẽ dễ dàng cảm nhận không khí ảm đạm, quạnh quẽ khi rằm tháng Tám đang đến rất gần. Nếu như chỉ vài năm trước, hàng làm ra không đủ bán thì giờ đây, nhiều hộ đã phải bỏ nghề vì không có lãi, vắng người mua. Những hộ còn "sống chết" với nghề, không muốn nghề cha ông bao đời tàn lụi thì cũng chỉ sản xuất rất cầm chừng.
Xóa sổ nghề tổ truyền
Làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) từ bao đời nay vẫn được biết tới với truyền thống hiếu học, qua câu truyền miệng "Mỗ, La, Canh, Cót - tứ quý danh hương". Mỗi khi nhắc tới Hậu Ái, người ta cũng không quên nhắc tới một làng nghề nổi tiếng với những món đồ chơi Trung thu không nơi nào sánh được như ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn ông sư...
Cụ Trần Văn Nhung, một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất làng, kể: "Mỗi năm, cứ vào dịp tháng năm âm lịch, người dân Hậu Ái lại rậm rịch rủ nhau đi cắt cây dút ngoài bãi về tước vỏ phơi khô, lấy đất sét về nhào nặn mặt nạ... Mỗi năm chỉ có ba tháng làm nghề nhưng khắp làng trên xóm dưới đâu đâu cũng dậy lên tiếng vót nan, đục mộng. Khách mua hàng nườm nượp suốt ngày đêm, như đi trảy hội. Có năm đắt hàng, riêng nhà tôi cũng bán hết vài nghìn ông tiến sĩ, ông đánh gậy".
Làm đèn ông sao ở làng Báo Đáp, Nam Định. (Ảnh: Đức Long)
Ánh mắt người nghệ nhân già thoáng buồn khi nói về sự lụi tàn của một làng nghề vốn vang danh tứ chiếng: "Trước là thế, nhưng giờ thì hết rồi. Cả làng chẳng còn ai làm nghề nữa cả. Tất cả chỉ còn trong ký ức mà thôi".
Không giấu nổi vẻ tiếc nuối, ông Trần Danh Yên, trưởng thôn Hậu Ái, cho hay: "Cách đây khoảng mươi năm, hầu như cả làng vẫn còn theo nghề. Nhưng dần dà, chỉ còn vài hộ và đến giờ, may ra chỉ còn một, hai hộ đeo đuổi cái nghề đã mang lại danh thơm cho làng Hậu Ái".
Ông Yên cho biết, ngay cả người có tay nghề cao nhất làng như cụ Trần Văn Nhung giờ cũng đã chuyển sang làm đồ hàng mã, bởi lẽ cái nghề đau lưng mỏi cổ, tỉ mẩn mà thu nhập chẳng đáng là bao, trong khi người mua bây giờ rất ít. "Đồ chơi nhựa Trung Quốc ngập tràn, trẻ con có đứa nào thích những đồ chơi giấy này nữa đâu", ông Yên ngậm ngùi và kể thêm, lớp người từ 40 tuổi trở lên ở Hậu Ái hầu như ai cũng biết làm đồ chơi trung thu truyền thống. Vì là làng nghề nổi tiếng nên năm nào cũng có cơ quan, trường học, thậm chí bảo tàng về đặt hàng, nhưng cũng rất ít người nhận.
Trung thu năm nay, cả thôn Hậu Ái chỉ có gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến là nhận làm hơn 200 chiếc đèn ông sao và hơn trăm ông đánh gậy cho một trường học. Chị cho biết: "Vì đây là khách quen nên tôi mới nhận, chứ cũng chẳng muốn bỏ công sức làm gì" .
"Truyền thống" gặp khó vì "hiện đại"
Không nổi danh bằng Hậu Ái, cũng chưa lâm vào cảnh lụi tàn song nghề sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống ở làng Báo Đáp (Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định) cũng đang dần mai một. Đây vốn là nghề phụ của dân làng Báo Đáp từ hơn nửa thế kỷ nay và hiện có khoảng một phần ba trong số hơn 1.000 hộ gia đình vẫn bám nghề. Tuy nhiên, cũng giống như những làng nghề đồ chơi trung thu khác, nhiều hộ đang dần thu hẹp sản xuất, không ít hộ thì chuyển sang nghề khác.
Ông Nguyễn Văn Đĩnh, một trong những nghệ nhân lành nghề của thôn Báo Đáp, cho biết: "Mỗi chiếc đèn ông sao sau khi trừ hết tiền công, nguyên vật liệu thì chỉ còn được lãi 300- 500 đồng. Công sức bỏ ra rất nhiều, nhưng lãi chỉ có vậy thôi nên chẳng ai dám thuê người làm, phần lớn là tận dụng con cháu trong nhà". Ông Đĩnh bảo, dù thế, gia đình ông vẫn cố gắng theo nghề, vì "không làm nữa thì lũ trẻ bây giờ biết lấy gì mà chơi".
Ông Vũ Văn Kháng, một trong những người làm nghề nổi tiếng nhất làng, cũng không giấu được vẻ lo lắng: "Mấy năm gần đây, hàng bán ít đi rất nhiều. Phần vì bây giờ khi mua đồ chơi cho con trẻ, rất ít các ông bố bà mẹ mua đèn ông sao của chúng tôi sản xuất mà thường mua những loại đèn, đồ chơi của Trung Quốc, vừa có đèn vừa có nhạc". Ông Kháng đã nhiều lần cố gắng cải thiện các công đoạn làm đèn cho đẹp hơn, đỡ tốn công hơn nhằm hạ giá thành nhưng đều không thành công. Bởi lẽ, máy móc không giúp được gì trong các công đoạn như chẻ nứa (ngâm hai mươi ngày), đạp nứa cho hết lông, buộc và cắt giấy bóng, phết hồ...
Chính vì mất nhiều công nhưng lãi chẳng bao nhiêu mà không ít hộ trong làng giờ đã chuyển qua làm hoa nhựa. Một số người cho biết, hoa quả nhựa dễ bán hơn vì nhu cầu cúng lễ của người dân diễn ra quanh năm, còn đèn ông sao thì chỉ có thời vụ mà thôi. Số hộ làm đèn ngày càng thu hẹp dần mà số đèn không bán được, bị mối buôn trả lại ngày càng nhiều, khiến ai cũng nản lòng...
Theo Tin Tức