Cảm xúc mầm non
   Những ông bố mắc chứng "nghiện"... con
 

Mấy cô bạn trêu mẹ là cuối cùng thì mẹ cũng có thể yên tâm vì thấy chồng mình biết nghiện một thứ trên đời. Ngày mới cưới, các cô ấy cứ nửa đùa nửa thật rằng phàm đã là đàn ông dứt khoát phải nghiện thứ gì đó chứ không thì... nhạt lắm. Nhưng nghiện cờ bạc, ma tuý thì phải tránh cho xa, nghiện thuốc lá thuốc lào, bia rượu thì tạm xét rồi "uốn nắn" dần. Nghiện đá bóng không dở nhưng nguy cơ quên vợ cũng cao. Mẹ chột dạ bởi trong những thứ trên chẳng có thứ gì ba say lắm. Lúc ấy ba chỉ nghiện mỗi... mẹ thôi.

Có rất nhiều ông bố đang "mắc chứng nghiện con"

Rồi chứng nghiện ấy phát triển thành "hai trong một" khi mẹ có bầu. Lúc ấy mẹ cứ chủ quan nghĩ ba yêu mẹ nên yêu luôn cả cái bụng bầu mẹ mang, ai dè cán cân yêu mỗi ngày một nghiêng trĩu về con. Ba chăm sóc mẹ chu đáo đến mức được mọi người phong cho danh hiệu "ông bố chuẩn nhất thời đại". Sau này mẹ vẫn đùa: tưởng thương vợ bầu bí do mình "gây ra", hóa ra thương vì "đẻ thuê" cho mình không công.

Ba nghiện tới mức đi đâu cũng cứ phải nhấc theo không con gái lớn thì con trai nhỏ. Đi công tác xa thì điện thoại về ngày dăm lượt chào con buổi sáng, chúc con ngủ ngon buổi khuya, rủ rỉ xem con có chuyện gì mới ở trường không đã đành. Đằng này lắm hôm công việc rõ bận mà đột xuất lên cơn nghiện thì dù buổi trưa nắng nôi hay mưa gió cũng cứ phi về nhìn xem con ăn, con chơi, con ngủ thế nào, rồi ôm một tí, trêu một tẹo mới thoả cơn để đi làm tiếp.

Nghiện đến mức đêm ngủ vắng con còn khó ngủ hơn vắng vợ. Con gái năm tuổi lên nhà bà ngoại chơi, đòi ngủ lại. Ba tần ngần nhưng rồi cũng đồng ý. Thế mà về nhà chỉ chừng hơn tiếng hồ sau, đến giờ đi ngủ, nghe chừng thiếu vắng quá lại lồng lên bà đón con về. May mà bà không tự ái.

Hôm sau mẹ giả vờ than phiền với bà là ba chả lãng mạn tẹo nào, người ta gửi con đi mong tìm lại không gian riêng hâm nóng tình cảm mà ba thì cứ phải có con bên cạnh mới cảm thấy bình yên. Bà bảo mẹ còn đòi gì nữa, chồng yêu con thế, chăm con hết cả phần vợ thế là của hiếm đấy. Dĩ nhiên là mẹ hiểu chỉ vì ba yêu gia đình mình quá, xem cả nhà như một khối tình mà vắng ai cũng vơi mất hơi ấm.

Người ta hay nhắc các bà mẹ đừng có đắm đuối vì con quá khiến các ông bố có cảm giác "ra rìa". Sao họ chẳng nhắc các ông bố chớ có nghiện con quá mà có lúc quên béng rằng: có vợ rồi mới có con nhỉ. Đùa thế thôi, chứ nhìn đi nhìn lại mẹ cũng phải công nhận là mình bị quên một tí mà được ngắm cảnh ba cha con quấn quýt thì cũng chả đi đâu mà thiệt.

Cứ tưởng trời ban cho các mẹ bản năng chăm sóc con cái chu đáo nhất mực nhưng cứ nhìn ba khác biết đàn ông lắm khi còn đắm đuối vì con dữ dội hơn.

Nghiện con kiểu ba khéo mà tốn tiền cũng ngang... đánh bạc. Cứ thấy đâu quần áo đẹp là mua về chất đống. Mà có khi vô lý đùng đùng - áo đầm lung linh nhưng chất liệu bằng nilon nên con gái mặc vào thì rôm sảy tưng bừng, hay veston sành điệu nhưng mỗi năm con trai chỉ diện được đôi lần rồi phải bỏ vì ngắn cũn. Ba thú thực là hễ thấy đồ ưng mắt lại hình dung cảnh con đang chạy nhảy tung tăng, gọi ông gọi bà khoe áo đẹp thì không thể kìm được, bất kể đắt rẻ gì cũng rút ví trả như bị thôi miên. Mẹ đành cười xòa thôi.

Đến khi con lớn ba còn mở rộng phạm vi nghiện sang mua đồ chơi với xe ba bánh, xe ô tô điện. Tính ra còn tốn gấp mấy lần các ông hàng xóm nghiện bia rượu. Nhưng chỉ cần so sánh với bác Hải cùng cơ quan mẹ vì nghiện con mà liên tục nâng đời máy ảnh, tốn cơ man nào là tiền, chỉ hòng chụp cho con mình thật nét mọi nơi mọi lúc thì xem ra những lỗ thủng ngân sách nhà ta còn khiêm tốn ra phết.

Vì nghiện con mà ba mình đã sưu tầm la liệt sách vở về bất kỳ kinh nghiệm gì liên quan tới nuôi dạy con để ngâm cứu, thực hành. Đủ cả - từ cách trị rôm sảy, hạ sốt, bảo vệ răng cỏ cho tới cách ứng xử sao cho con lớn không tủi thân khi con nhỏ chào đời.

Từ khi có con, tay nghề nấu ăn của ba cũng được nâng cao. Ba xui mẹ thực hiện những công thức mới nghe đâu sẽ giúp con đỡ rôm sảy, bớt táo bón, nhanh biết đi, chóng mọc răng... Mẹ mà chậm áp dụng vì đi công tác thì ba tranh thủ hợp tác với bác giúp việc để cho con thay đổi khẩu vị tưng bừng. Riết rồi sau này mẹ đi vắng hoặc về muộn, bác giúp việc nghỉ, ba cũng một mình đạo diễn nhuần nhuyễn các thể loại cơm cháo cho các con. Đến một ngày mẹ nấu còn bị con chê là... thua ba. Mẹ chả dại gì mà tủi thân. Riêng vụ này thì ba nổi tiếng càng tốt. Mẹ càng có thời gian lo việc khác.

Ba còn tính chuyện cho con lớn chơi cầu lông để khoẻ tay, tập cho con nhỏ đi xe ba bánh để cứng chân. Đứa nào vừa biết nói bập bẹ là ba cũng tìm cách dạy nói tên ba mẹ và địa chỉ, điện thoại để phòng khi đi lạc. Lớn lên một chút thì ba lại để ý dạy con cách nói năng lễ phép với người lớn, cách hoà đồng, vui vẻ với bè bạn. Chỉ trừ những việc gì liên quan tế nhị quá tới phát triển giới tính con gái thì ba mới... nhường cho mẹ.

Mẹ bận bịu thế, nếu không có ba ghé vai chăm chút con như vậy, chắc là rối tung lên mất. Chưa kể, nhờ sự gần gũi của ba, con trai con gái mẹ chắc chắn sẽ lớn lên mạnh mẽ, tự tin lên vì được ba truyền cho ít nhiều "nam tính". Con gái, con trai mẹ giờ đây cứ xem ba là thần tượng, là "siêu nhân" có thực giữa đời thì cũng là điều rất dễ hiểu.

Dù mẹ rất tự hào vì có ông chồng mắc "bệnh nghiện con" và mẹ chả buồn lòng gì khi vì thế thỉnh thoảng bị ba "quên", nhưng mẹ nghĩ có lẽ ba cũng cần tự cảnh giác cơn nghiện để khỏi bị quá đi mà sinh bất lợi. Chẳng hạn, yêu con quá rồi coi toàn bộ cuộc sống, sĩ diện của mình chỉ gắn liền với thành công của các con rồi vô hình chung gây một sức ép với các con, rồi khó kiềm chế khi con có lỗi hay dại khờ mà xúc phạm đến con hoặc can thiệp quá sâu vào đời sống của con.

Cũng có khi vì dành toàn bộ tình yêu cho con và hy vọng con đáp lại trọn vẹn như thế mà đâm ra đau lòng khi con không được như mong ước. Rồi khi con có gì lệch lạc, biết đâu do xót con, thay vì chỉ cho con thấy giới hạn có thể chấp nhận và uốn nắn, thì chỉ cuống lên làm nguôi ngoai cơn hờn dỗi của con.

Nói vậy chứ dù sao tật "nghiện con" cũng khiến các ông bố, các chàng trai trở thành mẫu hình đàn ông "mặn mà" và "hấp dẫn" bất kỳ cô gái, bà mẹ và bà ngoại, bà nội nào. Nhớ ngày đầu gặp ba, mẹ cũng đã xiêu lòng ít nhiều chỉ vì thấy ba bế một cậu bé con người bạn với dáng vẻ thật dịu dàng và... đam mê.

Theo Gia đình trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


Graphic

Cám ơn tác giả An Thảo
Ngày gửi: 7/16/2009 11:55:34 AM

Bài này của tác giả An Thảo, đăng bên tạp chí Gia Đình Trẻ. Bạn đó viết nhiều về trẻ em và gia đình lắm. Hi vọng được đọc thêm các bài của An Thảo bên mamnon.com.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cho con học lớp 1... kiểu Đức (14/7)
 Bé ngoan (10/7)
 Ngày đầu bé đi học (8/7)
 Tấm bảng của con (6/7)
 Tô tượng – Tranh cát (3/7)
 Chuyến du lịch của các thiên thần (1/7)
 Bé con nhạy cảm (29/6)
 Chúng tôi "học" bịa chuyện từ bé (25/6)
 Cún đã lớn (24/6)
 Nhất Quỷ Nhì Ma (22/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i