Tầm quan trọng của việc chuẩn bị toàn diện cho trẻ vào lớp Một
Trong thời đại ngày nay, trẻ em luôn được xác định là tương lai của đất nước, là những chủ nhân quyết định vận mệnh đất nước trong một thế kỉ tiếp theo. Quan tâm tới cả chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm hàng năm, khi chuẩn bị bước vào một mùa khai giảng mới.
Chuyển từ giai đoạn vui chơi là hoạt động chủ đạo, sang hoạt động học tập là chính yếu - tức giai đoạn chuẩn bị vào lớp một của trẻ - luôn được đánh giá là giai đoạn bước ngoặt, là một trong những dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Nhưng: Khi nào thì bé sẵn sàng vào lớp Một?
Để trả lời cho câu hỏi tưởng chừng ngắn và đơn giản quá này, thực tế - có thể bạn chưa biết - có khá nhiều trường phái tranh cãi quanh vấn đề này.
Trường phái thứ nhất - theo truyền thống, và theo giấy tờ:
Cứ khi nào trẻ học xong lớp Mẫu giáo Lớn (lớp Lá - theo cách gọi của miền Nam), khi nào bé lên 6 tuổi thì đủ điều kiện cho trẻ vào lớp Một. Có mấy trẻ nào học 2 năm lớp Mẫu giáo Lớn đâu, cùng lắm thì bố mẹ cho con ở nhà thêm 1 năm cho cứng cáp rồi vào lớp Một cũng chẳng thiệt ai.
Từ lâu, nhà trường truyền thống ít quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá đầu vào của trẻ vào lớp Một. Mà, thực ra, nhiều người có trăn trở, có quan tâm, có ý định cũng không biết phải kiểm tra, phải đánh giá cái gì. Trong một xã hội hiện đại ngày nay, ngay cả trường mầm non, tâm niệm của đa phần mọi người vẫn chỉ dừng lại ở "nơi gửi trẻ", "nơi giữ trẻ", các nhà trường điểm, trường cao cấp, ... cũng chỉ là nơi giữ trẻ tốt hơn, chăm trẻ tốt hơn, trẻ được tự do chơi và được quan tâm nâng niu nhiều hơn.
Như vậy, tất cả các trẻ em 6 tuổi, cứ đến tuổi là bình đẳng cắp sách tới trường - đồng ý, quy định trẻ bắt đầu vào trường Tiểu học, ít nhất phải 6 tuổi thì các nền tảng tinh thần, thể chất mới có thể phù hợp và sẵn sàng để bé bắt đầu học tập - nhưng có lẽ ỷ y vào tuổi và quy định mà nhiều người không cần biết tuổi khôn và sức khỏe của bé có học được không?
Theo lối suy nghĩ này, nhiều người, nhất là phổ biến ở nông thôn, người ta ít quan tâm đến việc chuẩn bị về mặt trí tuệ, tinh thần cho trẻ trước khi vào lớp một. Tuổi thơ của các em chỉ loanh quanh gia đình, xóm giềng, không được giáo dục, rèn luyện một cách hệ thống những tiền đề cần thiết cho học tập sau này.
Đầu vào của trẻ em đầu tuổi học thật đa dạng, phụ thuộc phần nhiều vào môi trường văn hóa - giáo dục của gia đình.
Trường phái thứ hai, theo hướng hiện đại thái quá: Bắt buộc trẻ học trước
Đây là trường phái hoàn toàn ngược lại trường phái một: Theo xu thời, phụ huynh muốn con có "nền tảng thật tốt" trước khi cho con vào lớp Một, họ quan tâm "quá mức", muốn con là "thần đồng", là "đã biết tuốt" trước khi vào lớp một. Hiệu quả (hay hậu quả) là trẻ liên tục bị nhồi nhét, áp đặt học sao cho hình thành trong đầu mình vô vàn những điều mà lẽ ra vào lớp Một trẻ mới phải học.
Những người theo trường phái này có một sai lầm nghiêm trọng: họ lầm tưởng rằng để cho bé học tốt ở trường phổ thông, cần dạy cho bé học viết, học đọc, học toán, thậm chí cả ngoại ngữ...
Rút cục là đứa trẻ không đủ sức tiếp thu những tri thức trên. Mặt khác, học tập một cách ép buộc và không hệ thống, dễ tăng những phản hồi tác dụng.
Phải thấy rằng, quan điểm này hiện nay vô cùng phổ biến, đặc biệt trong các gia đình có điều kiện, các gia đình tri thức, và phần đông tại khu vực thành thị. Tôi là giáo viên, đã từng được rất nhiều bậc phụ huynh gửi gắm con cái để học được, học thật nhiều. Đấy là bản thân còn là giáo viên, còn có kiến thức để giải thích, mà đôi khi còn không tranh luận và thắng nổi "tham vọng của phụ huynh".
Trường phái thứ ba - trường phái đúng đắn và ảnh hưởng bởi khoa học giáo dục mầm non:
Khi nào trẻ có thể lực, trí tuệ nói riêng, và tâm lý của trẻ phải được phát triển phù hợp, đầy đủ để trẻ học tập thì trẻ mới có thể sẵn sàng tham gia vào những năm tháng học tại trường phổ thông (bắt đầu từ lớp một).
Những người theo hướng này cho rằng: cần phải xác định chuẩn về thể lực và tâm lý của trẻ em trước khi vào lớp một. Để trẻ em học tập có hiệu quả ở trường phổ thông, trường mầm non, các bậc phụ huynh phải quan tâm đến việc chuẩn bị một cách toàn diện, thể lực và tinh thần cho trẻ em. Công tác chuẩn bị cho trẻ vào lớp một trở nên cấp thiết.
Theo các nhà tâm lý học, sự phát triển tâm lý - nhân cách là một quá trình kế thừa liên tục những thành tựu của các giai đoạn trước đó. Sự phát triển tâm lý - nhân cách ở lứa tuổi này vừa là sự kế thừa những thành tựu phát triển tâm lý - nhân cách ở lứa tuổi tiếp theo. Trẻ phát triển tốt ở giai đoạn này, sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo.
Để minh chứng cho điều này, chúng ta hãy quan sát quá trình phát triển nhận thức của trẻ em. Sự phát triển tâm vận động, sự phát triển các giác quan, khả năng định hướng và ngôn ngữ của trẻ em tuổi nhà trẻ là điều kiện quan trọng để trẻ tiếp thu lĩnh hội những biểu tượng sơ đẳng về thế giới xung quanh thông qua nhận thức cảm tính và tư duy trực quan ở lứa tuổi mẫu giáo. Và, nhờ có vốn hiểu biết phong phú về thế giới xung quanh dưới dạng những biểu tượng, nhờ có tư duy trực quan, ngôn ngữ của trẻ ở tuổi mẫu giáo phát triển, mà vào lớp một trẻ tiếp thu dễ dàng những tri thức khoa học mang tính khái quát ở trường phổ thông, và tư duy khái quát, tư duy logic phát triển...
Việc chuyển từ môi trường nhà trẻ sang môi trường của trường mẫu giáo không phức tạp bằng việc chuyển từ môi trường hoạt động của trường mẫu giáo sang môi trường hoạt động của trường phổ thông. Từ vườn trẻ sang mẫu giáo tính chất hoạt động của trẻ không thay đổi nhiều. Chơi được xem là yếu tố chính, hoạt động chủ đạo của trẻ. Quan hệ giữa trẻ với người lớn và giữa trẻ với nhau ít thay đổi. Phương thức giáo dục vẫn mang nặng màu sắc của tình "mẫu tử" (phương thức giáo dục lòng mẹ). Trường học, lớp học được xây dựng như một gia đình... Chuyển từ trường mẫu giáo sang trường phổ thông, là một bước ngoặt trong đời sống của trẻ em. Bước vào trường phổ thông là bước vào một môi trường sống mới, hoạt động mới, với những quan hệ xã hội mới. Bước vào trường phổ thông, hoạt động học tập trở thành hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Từ hoạt động vui chơi mang tính chất bắt buộc, đòi hỏi trẻ phải lao động trí óc một cách nghiêm túc, căng thẳng. Nội dung và tính chất của hoạt động học tập yêu cầu trẻ em phải có những hành vi mới: sự tập trung chú ý cao trong một thời gian tương đối dài, hoạt động thần kinh căng thẳng hơn với sự kiên trì và nỗ lực ý chí cao, sự linh hoạt mềm dẻo trong tư duy, tính khái quát, tính logic trong tư duy là yếu tố quan trọng...
Khi học tập ở trường phổ thông, một loạt quan hệ xã hội cần được thay đổi: quan hệ giữa trẻ với người lớn được thay thế bằng quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa trẻ với trẻ trong trường mẫu giáo là quan hệ bạn bè cùng chơi nay chuyển sang quan hệ bạn bè cùng học. Hơn thế nữa, ở trong trường mẫu giáo, các em đang là lớp đàn anh, thì khi vào lớp một các em thành lớp em út của trường Tiểu học...
Vậy, việc cho trẻ làm quen với hoạt động học tập, với quan hệ xã hội ở trường phổ thông, hay trong quá trình học tập ở trường Mẫu giáo là cần thiết.
Nhiều trẻ em, nhất là những trẻ không có điều kiện đến trường mẫu giáo, do không được chuẩn bị một cách chu đáo các điều kiện cần thiết cho hoạt động học tập, nên khi bước vào lớp một gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khó thích ứng với cuộc sống và hoạt động ở trường phổ thông. Những trẻ em này thường nhút nhát, sợ thầy, sợ cô và sợ cả bạn bè, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập, trong việc hoàn thành những nhiệm vụ chung của tập thể, và trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội với người lớn, bạn bè.
Thậm chí đối với những trẻ bị chuẩn bị quá mức các kiến thức, cũng vấp phải một tai hại to lớn: Khởi đầu chán nản, do giáo viên dạy gì cũng biết, khiến các em không tập trung, phương pháp dạy của cô cũng lệch so với các hệ thống bé đã được học ngoài. Những em này thành quậy phá, không nghe lời cô, coi thường bạn bè... Thường các em khó hòa mình vào cuộc sống của tập thể. Điều này không chỉ mang lại những vất vả cho giáo viên lớp một, nỗi khổ tâm cho các bậc cha mẹ, mà còn mang lại nhiều hậu quả bất lợi cho các em trong suốt quá trình học tập ở trường phổ thông.
Trong xã hội văn minh, ngày càng phát triển, nội dung và yêu cầu hoạt động học tập của học sinh ngày càng cao và căng thẳng hơn. Việc chuẩn bị một cách toàn diện về cả thể chất - tinh thần cho trẻ vào lớp một được đặt lên cao hơn bao giờ hết.
Learn what you need, share what you know - Học những gì bạn cần, và chia sẻ nhưng gì bạn biết - là khẩu hiệu của chuyên trang kiến thức: Chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một
Với mục tiêu hướng dẫn các bậc phụ huynh, và cùng với các giáo viên mầm non, tiểu học chuẩn bị cho bước khởi đầu tương lai vững chắc cho các bé, chúng tôi lập ra chuyên trang Giáo dục Chuẩn bị cho trẻ tới trường mầm non, nhằm hướng dẫn, chia sẻ, cũng như trao đổi nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục trẻ một các tốt nhất, góp phần giúp trẻ Việt Nam có bước chuẩn bị phù hợp khi tới trường.
Rất mong nhận được sự đóng góp, chia sẻ từ các bậc phụ huynh, giáo viên và những người quan tâm tới công tác giáo dục trẻ em của nước nhà.
Ban Biên Tập