(Trích tóm tắt NC thực trạng khả năng tự lập của trẻ 5-6 tuổi - Khóa luận 2006)
Qua nghiên cứu trong giới hạn khối MGL, 2 trường mẫu giáo điểm của Hà Nội (Mẫu giáo thực nghiệm Hoa Hồng - Nghĩa Tân - Cầu Giấy - Hà Nội; và Mầm non Đống Đa - Đống Đa - Hà Nội), nhìn chung, kết quả cho thấy như sau: Trẻ chia ra thành 3 nhóm: Mức độ khả năng tự lập tốt, mức độ khả năng tự lập trung bình, và nhóm mức độ khả năng tự lập kém.
Nhóm trẻ có mức độ khả năng tự lập tốt: bao gồm những trẻ hiểu và tự giác thực hiện các công việc của hoạt động vui chơi và hoạt động tự phục vụ. Những trẻ này không cần có sự giúp đỡ của một ai ngoài chính mình. Trẻ có khả năng tự tổ chức và tự thực hiện quá trình chơi, cũng như trẻ thực hiện các hành động tự phục vụ, có khả năng giải quyết các tình huống nảy sinh trong suốt quá trình hoạt động, và cố gắng thực hiện hoạt động từ đầu tới cuối. Trẻ nhóm này nhanh nhẹn, hoạt bát và rất hứng thú khi thực hiện hoạt động vui chơi, hoạt động tự phục vụ.
Nhóm trẻ có mức độ khả năng tự lập trung bình: thể hiện trẻ chưa thực sự cố gắng thực hiện hành động chơi và hành động tự phục vụ. Trong quá trình thực hiện hành động chơi và quá trình lao động tự phục vụ, trẻ còn cần sự giúp đỡ và gợi ý của giáo viên, bạn bè. Khả năng tiến hành hoạt động của trẻ còn chậm chạp, chưa biết cách xử lý tình huống nảy sinh cũng như điều chỉnh hành vi khi không phù hợp.
Nhóm trẻ có mức độ khả năng tự lập kém: bao gồm các trẻ không tự giác, không chủ động thực hiện các công việc của hoạt động vui chơi cũng như hoạt động tự phục vụ. Trẻ còn trông chờ, ỷ lại vào giáo viên và bạn bè. Giáo viên phải nhắc nhở, giúp đỡ trẻ thường xuyên.
Về thực trạng các biện pháp giáo dục trẻ 5-6 tuổi hình thành khản năng tự lập:
Trong giai đoạn đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục trẻ mầm non hiện nay, giáo viên hầu hết đã xác định được sự cần thiết về giáo dục khả năng tự lập cho trẻ 5-6 tuổi. Tuy nhiên, họ sử dụng các biện pháp nhằm mục đích hình thành và rèn luyện khả năng này mới chỉ mang tính tình huống, nhất thời, không ổn định, không có có hệ thống. Hầu hết mới chỉ đi vào giáo dục hành vi, chưa chú trọng tới giáo dục khía cạnh nhận thức và thái độ của trẻ.
Ví dụ các biện pháp điển hình giáo viên sử dụng:
• Cho trẻ thường xuyên luyện tập các hoạt động vừa sức
• Cho phép trẻ tự quyết định làm mọi việc thích.
• Để trẻ tự làm việc và hướng dẫn khi trẻ gặp khó khăn
• Khi trẻ quan tâm tới việc mà cô đang làm, giáo viên tạo điều kiện để trẻ cùng làm việc với mình.
• Giao nhiệm vụ trực nhật hàng ngày cho từng cá nhân hay từng nhóm trẻ.
Hậu quả của sự tác động này là trẻ có thể có kỹ năng tự làm lấy một việc gì đấy, nhưng chúng chưa có ý thức được tầm quan trọng của cái "tự" đó, luôn đợi được yêu cầu và chỉ khi nào giáo viên giao cho chúng công việc đến tận nơi thì chúng mới bắt đầu tự làm, thái độ không bền vững.
Về phía phụ huynh có con em trong độ tuổi 5-6 đều đã cho rằng trẻ cần phải biết dần tự lập. Đây là một nhận thức khá tiến bộ so với những công trình khảo sát của các nhà nghiên cứu về khả năng tự lập của trẻ thời gian trước.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một tỉ lệ nhỏ những gia đình chưa nhận thức được mức độ cần thiết của khả năng tự lập trong hoạt động của trẻ 5-6 tuổi. Các gia đình này cho rằng trẻ em 5-6 tuổi vẫn còn nhỏ để tự làm lấy cho mình các công việc. Nguyên nhân của các quan niệm sai lầm trên do các bậc phụ huynh không thấy hết được tầm quan trọng của việc hình thành và phát triển khả năng tự lập ở trẻ 5-6 tuổi, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị bước vào lớp Một - giai đoạn bước ngoặt mang tính quyết định trong tâm-sinh lý trẻ em. Mặt khác, tại hầu hết những gia đình này, cha mẹ thường có nhiều thời gian rảnh rỗi, thường làm thay trẻ nhiều việc đáng ra trẻ phải tự mình làm lấy.
Phần đông các bậc cha mẹ đồng ý: tự lập là cần thiết ở mỗi con người, ngay từ tuổi ấu thơ, trong công việc cũng như tron suy nghĩ. Nhưng ngay trong những gia đình này, các bậc phụ huynh cũng chưa có biện pháp đúng đắn để giáo dục hình thành cho con tính độc lập.
Để đi vào giáo dục khả năng tự lập cho trẻ, các biện pháp của phụ huynh hay áp dụng là:
• Tạo điều kiện để trẻ giúp đỡ người khác.
• Phân chia công việc gia đình và giao cho trẻ một số việc vừa sức.
• Động viên, khuyến khích trẻ hoàn thành hoặc có cố gắng trong khi thực hiện công việc.
• Hướng dẫn và chỉ bảo ngay khi giao cho trẻ công việc.
• Chỉ dẫn, giải thích, hay gợi ý khi trẻ yêu cầu hay khi trẻ gặp khó khăn.
• Luôn khen ngợi khi trẻ tự làm được việc.
Theo như kết quả thu về, tuy đã nhận thức được mức độ cần thiết của khả năng tự lập của trẻ giai đoạn này, nhưng những biện pháp mà phụ huynh áp dụng nhằm mục đích rèn luyện khả năng này cho trẻ lại không được sử dụng một cách liên tục và có hệ thống, làm cho khả năng tự lập của trẻ không thể hình thành một cách bền vững. Hầu như phụ huynh của trẻ nào cũng áp dụng những biện pháp: Động viên khuyến khích khi trẻ hoàn thành hoặc có cố gắng; luôn khen ngợi khi trẻ tự làm được việc; hướng dẫn và chỉ bảo ngay khi giao cho trẻ công việc và hướng dẫn, chỉ bảo. Một thực tế đặt ra: những biện pháp này thường bị lạm dụng, sử dụng quá liều, thậm chí sử dụng sai mục đích.
Như vậy, khó khăn đặt ra cho giáo viên là:
• Sự giáo dục chưa đồng bộ, thiếu thống nhất giữa gia đình và nhà trường
• Điều kiện vật chất để cho trẻ tham gia hoạt động hạn chế.
• Thiếu kiến thức về khả năng tự lập cho trẻ
• Tình trạng sức khỏe của trẻ không cho phép, hoặc sự không đồng đều về khả năng tự lập của trẻ.
• Số trẻ trong lớp học quá đông, giáo viên không có đủ thời gian và sức lực quan tâm từng trẻ.
Với phụ huynh, chủ yếu là:
• Phân bổ thời gian chưa hợp lý
• Thiếu kinh nghiệm
• Chưa thấy sự cần thiết hình thành khả năng tự lập của trẻ 5-6 tuổi (cho rằng phẩm chất này chỉ cần khi trẻ lớn hơn)
• Trẻ được người lớn trong gia đình quá nuông chiều.
• Trẻ yếu về thể chất, luôn cần người lớn giúp đỡ trong mọi việc
• Các thành viên trong gia đình không thống nhất với nhau về quan điểm cũng như phương pháp giáo dục hình thành khả năng tự lập cho trẻ.
Tóm lại, vấn đề giáo dục khả năng tự lập cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là một vấn đề quan trọng. Trên thực tế, tỉ lệ trẻ có khả năng tự lập và đạt khả năng tự lập ở mức độ tốt của trẻ 5-6 tuổi hiện nay là chưa cao. Bên cạnh đó, các biện pháp giáo dục khả năng tự lập của trẻ mà giáo viên và cha mẹ đang áp dụng chưa phù hợp với trẻ. Trong quá trình giáo dục hình thành và rèn luyện khả năng tự lập cho trẻ, những khó khăn mà giáo viên và phụ huynh gặp phải khá nhiều. Nếu như giáo viên và phụ huynh có những biện pháp giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ phát huy khả năng tự lập, thì chắc chắn rằng mức độ phát triển khả năng tự lập của trẻ sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ trung bình là chiếm đa số như trẻ vốn hay thể hiện.
Giáo dục khả năng tự lập cho trẻ cần phải tiến hành thường xuyên, từ sớm ở lứa tuổi mầm non, đặc biệt là khi trẻ 5-6 tuổi thuộc khối lớp mẫu giáo lớn - chuẩn bị vào lớp một. Các nhà giáo dục cũng như phụ huynh cần phải đánh giá đúng thực tế khả năng tự lập của trẻ 5-6 tuổi, phải tin tưởng vào trẻ; tạo cho trẻ điều kiện tham gia vào hoạt động hàng ngày (nhất là tự phục vụ và vui chơi). Sự kết hợp giữa giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường cần đặt lên vị trí hàng đầu. Giáo viên cần phải theo dõi thường xuyên, đánh giá được mức độ khả năng tự lập của trẻ, nhận ra những trẻ yếu kém, và có biện pháp chủ động giúp đỡ trẻ khắc phục khả năng tự lập kém.
Nguyễn Trường Thịnh