Câu nói tưởng chừng như rất đơn giản ấy là kết quả của một quá trình học phép lịch sự lâu dài của trẻ.
Những mệnh lệnh được nhắc lại ngàn lần
Chúng ta có cảm giác đang phải nhắc đi nhắc lại một đề bài cho con cái. Ban đầu, đó là "Nói cảm ơn mẹ nào", "Dùng thìa xúc, không được dùng tay bốc" cho đến: "Bống, chào cô giáo đi con" hay "Mỗi khi ho, con nên lấy tay che miệng". Đôi khi người lớn tự hỏi không hiểu tại sao việc học phép lịch sự đối với trẻ lại khó khăn đến vậy. Tại sao các bé thông minh và rất chú tâm lại gặp khó khăn trong ghi nhớ những câu nhắc nhở đơn giản?
Một quá trình học lâu dài
Từ rất nhỏ, trẻ đã bắt đầu làm quen với những phép lịch sự cơ bản. Cha mẹ gieo "hạt giống" lịch sử nho nhỏ, "chăm tưới" hàng ngày, và chỉ được thấy kết quả nhiều năm sau đó. Nếu một số quy tắc lịch sự trở thành có phản xạ (chào, cảm ơn...), phần lớn phát triển một cách thất thường và một số khác chỉ trở thành thói quen khi trẻ đủ lớn để tự nhận thức sự cần thiết phải lịch sự trong giao tiếp xã hội.
Sự kiên nhẫn của cha mẹ là vô cùng cần thiết, vì thật vô ích khi mong chờ ở trẻ những điều mà chúng vẫn chưa thể đáp ứng, nhưng cũng không vì thế mà từ bỏ qua quá trình dạy phép lịch sự cho trẻ. Đây là công việc không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Cha mẹ cảm nhận được hạnh phúc từ kết quả dạy dỗ cho đến ngày nào đó, vị khách đến chơi khen bé: "Ôi Cún thật dễ thương, anh chị thật may mắn khi có được một đứa con ngoan đến vậy".
Làm gương vẫn mãi và luôn luôn là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc dạy trẻ biết lịch sự
Cách cư xử lịch sự mà chúng ta có thể trông đợi ở trẻ phụ thuộc nhiều vào độ tuổi và sự phát triển của chúng nhưng cũng không nên đánh giá thấp các khả năng của bé. Một trẻ gần 5 tuổi hoàn toàn có thể biết không nên nói leo khi người lớn đang nói chuyện. Và cũng không nên cứng nhắc cho rằng trẻ phải luôn duy trì thái độ thực sự hoàn hảo.
Cũng giống như người lớn, trẻ mau chóng hiểu ra rằng, tùy nơi, tùy lúc cần hay không cần kiểm soát hành vi ứng xử. Trẻ từ 3 đến 6 tuổi nên được dạy các phép lịch sự tối thiểu, những từ ngữ "thần diệu" thể hiện thái độ cảm ơn, chào hỏi, bởi đây là sự "khởi đầu" cho việc trẻ biết tôn trọng và chia sẻ.
Phương pháp hữu hiệu nhất là mỗi lần chỉ nên dạy một phép lịch sự. Nếu cha mẹ coi "cảm ơn" là ưu tiên số 1 thì nên tập trung vào yêu cầu này và để các phép lịch sự khác sang một bên cho đến khi cảm ơn trở thành thói quen. Những quy tắc được trẻ dễ nhập tâm nhất là những quy tắc đơn giản và rõ ràng nhất, được thể hiện bằng các từ ngữ tích cực, luôn đồng nhất và được nhắc lại không mệt mỏi, mỗi khi cần thiết.
Tác dụng của việc làm gương
Làm gương vẫn mãi và luôn luôn là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc dạy trẻ biết lịch sự. Trẻ xây dựng mô hình hành vi ứng xử dựa trên các hành vi ứng xử của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Nếu chính các bậc cha mẹ chưa xử sự lịch thiệp thì việc yêu cầu trẻ lịch sự hoàn toàn không tác dụng.
Cố gắng kiên nhẫn
Trẻ từ độ tuổi 4 tuổi rưỡi đến 5 tuổi thường rất thích khiêu khích. Mỗi khi nhận thấy mình có khả năng phát động một phản ứng thú vị ở cha, mẹ bằng cách nói tục, chửi thề... trẻ sẽ tiếp tục trò chơi. Dưới con mắt của trẻ, những từ ngữ này như có phép màu, khiến cha mẹ phải có hành động phản ứng. Bạn có thể lựa chọn 3 giải pháp sau:
Làm như không nghe thấy và trẻ sẽ hét toáng lên. Lúc đó, hãy giải thích: "Mẹ không nghe thấy Bi nói gì vì những từ đó đã bịt lỗ tai của mẹ rồi. Nếu Bi nói các từ khác hay hơn sẽ giúp thông tai của mẹ đấy".
Hãy làm như không hiểu gì cả. "Con nói gì thế. Mẹ không hiểu những từ này, vì chúng không có trong đầu mẹ. Cún nói cách khác hay hơn cho mẹ nghe nào".
Bình tĩnh nói cho trẻ biết bạn không thích các ngôn từ đó và hy vọng trẻ không được tiếp tục dùng chúng. Tránh có thái độ căng thẳng hay hò hét mắng trẻ. Khi nhận thấy các từ ngữ "bẩn" không có giá trị, trẻ sẽ ngưng sử dụng ngay lập tức.
Quan tâm đến môi trường sống xung quanh trẻ
Trẻ nói bậy là do chúng đã nghe thấy ở đâu đó. Đôi khi ở trường hay từ miệng của bạn bè. Phụ huynh nên giải thích: "Các bạn ấy nói vậy là sai, là không ngoan. Bố mẹ không muốn con dùng các từ đó".
Đôi khi từ những phóng sự, bộ phim hay trên truyền hình. Nếu ngồi xem cùng trẻ, hãy giải thích cho con rằng những từ đó là không hay và chỉ những người xấu mới dùng.
Hay từ chính bố mẹ. Chính nhờ bố mẹ mà trẻ tích lũy được vốn từ vựng của mình. Khi tức giận, cha mẹ không phải lúc nào cũng kiểm soát được tất cả những gì đã nói. Trẻ nghe, ghi nhớ rồi nhắc lại và cảm thấy có quyền được nói và khi đó không thể mong trẻ cư xử tốt hơn những tấm gương cha mẹ. Các bậc cha mẹ nên chý ý nhiều hơn đến lời ăn tiếng nói trước mặt con cái.
Những quy tắc gia đình
Trẻ có thể nhanh chóng nhận ra rằng có những cách nói không bao giờ được phép sử dụng trong nhà. Các thành viên trong gia đình cần có cách cư xử lịch thiệp và tôn trọng lẫn nhau. Nếu các thái độ hành vi trên được duy trì và bản thân cha mẹ cùng sống lịch sự, lâu dần chúng sẽ biến thành thói quen.
Theo năm tháng, trẻ chịu nhiều ảnh hưởng từ bạn bè và nhanh chóng thích nghi với quy tắc của nhóm chơi. Tuy nhiên, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm duy trì việc tôn trọng các quy tắc quan trọng trong gia đình một cách không nản lòng. Cha mẹ giải thích cho con thấy chúng cần giữ phép lịch sự đó và khích lệ con mỗi khi chúng thể hiện hành vi đẹp đáng quý đó.
Theo Tin Tức