Chị Hậu (TP HCM) rất thích đùa cô con gái 6 tuổi: "Mẹ nghe đồn bạn Minh là "bồ" của con à? Bạn ấy đẹp trai nhỉ?", vì thấy con lần nào cũng mắc cỡ, ngúng nguẩy. Nhưng cũng vì bị trêu ghẹo nhiều, mà giờ bé không còn muốn gần mẹ nữa.
Đi học về, bé Đậu Xanh (con chị Hậu) chỉ lầm lì ngồi một chỗ chơi với búp bê, ai hỏi gì cũng không nói. Nguyên do chỉ vì hay bị mẹ trêu vì chuyện yêu bạn. Trước đó ở lớp bé cũng từng bị bạn ghẹo là "bồ" của bé Minh và cô giáo đã phạt bạn ấy một trận nên thân. Chưa kể mỗi lần có khách đến nhà, chị lại lôi chuyện "Đậu Xanh có bạn trai" ra kể, sau đó cùng với khách cười ngặt nghẽo trước mặt con. Xấu hổ trên lớp, về nhà lại bị mẹ chọc quê, bé Đậu Xanh giờ không muốn tâm sự với mẹ nữa.
Hay trường hợp của bé Hoàng Anh (7 tuổi) cũng là nạn nhân của một kiểu đùa khác. Cô giáo giao bài tập vẽ với chủ đề "Em hãy vẽ con chim bồ câu". Hoàng Anh cặm cụi vẽ, xóa và vẽ lại suốt cả buổi chiều, chờ mẹ về để khoe. Ai ngờ bị mẹ phán: "Ha ha, con vẽ chim bồ câu thành vịt mất rồi. Như vậy, con phải chú thích bên cạnh rằng "đây là chim bồ câu" để bạn bè và cô giáo khỏi tưởng nhầm".
Bé tiu nghỉu. Đến giờ ăn, mẹ còn kể cho cả bà và cha chuyện bức tranh vịt của con. Ai nghe cũng phải phì cười, duy chỉ có Hoàng Anh buồn buồn. Từ đó, hễ làm bài tập môn thủ công và vẽ, thậm chí nhiều môn khác, bé không dám khoe mẹ nữa.
Trẻ bị tổn thương vì trò đùa của người lớn
Với người lớn, nhiều khi họ chỉ nghĩ, đùa với trẻ một chút cho vui, cùng lắm trẻ khóc một hồi là... xong. Thực tế, tâm lý của trẻ bị tổn thương rất lớn, thậm chí nhân cách bị phát triển lệch lạc.
Trong gia đình có người cha, người mẹ hài hước khiến tiếng cười luôn đầy ắp thì không còn gì bằng. Nhưng nếu những trò đùa gây ra tình trạng "kẻ khóc, người cười" thì thật tai hại. Nguy hiểm hơn đùa với con theo kiểu cố ý đưa thông tin, sự kiện theo hướng ngược lại (như chuyện người mẹ bảo con của mình là lượm được ngoài bãi rác) hoặc cười giễu trên thành quả của con (như chuyện con hát mà mẹ bảo là nghe như tiếng khỉ kêu). Khi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến vấn đề "nói chơi không biết, nói thật không hay", khiến trẻ thiếu tin tưởng vào người lớn.
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang (giảng viên trường cán bộ TP HCM) chia sẻ: "Về góc độ tâm lý, bản thân trẻ rất tin tưởng ở người lớn. Thế nên chuyện đùa với trẻ phải thật thận trọng. Đơn cử việc một đứa trẻ lên bốn nhưng ba mẹ lại ghép đôi như thể trẻ đó đã... 20 tuổi, trẻ sẽ ngượng và thường không thích gần gũi người đầu têu trò đùa đó. Đặc biệt, hai độ tuổi "khủng hoảng" nhất là tuổi lên ba và tuổi dậy thì".
Ở tuổi lên ba, trẻ bắt đầu tìm hiểu thế giới xung quanh, những thông tin đầu tiên mà trẻ tìm hiểu được là rất quan trọng. Nếu thông tin đó bị sai lệch do trò đùa của người lớn, đứa trẻ sẽ khó phân biệt được đúng sai, không biết đâu là nói chơi, đâu là nói thật và không biết tin ai.
Khi đến tuổi dậy thì, trẻ khát khao thể hiện mình và mong muốn người lớn công nhận năng lực của mình. Những trò đùa kiểu chế giễu sẽ làm trẻ bị tổn thương nghiêm trọng, và sự tự tin sẽ mất đi nhanh chóng.
Trẻ bị đùa quá trớn có xu hướng không dám bộc lộ bản thân. Những trò đùa cố ý làm cho "hư hư, thực thực" mọi thứ sẽ là tác nhân làm cho nhân cách trẻ bị phát triển lệch lạc.
Thạc sĩ Linh Trang cũng cho biết, cha mẹ cần làm sao để đùa với con mà cả nhà đều vui, không làm tổn thương ai, cũng không làm sai lệch thông tin để trẻ nhận thức thế giới được đúng đắn.
Theo Báo Phụ nữ