"Màu này xấu quá. Mẹ đừng mặc nữa" hoặc "Mẹ đi cắt tóc về à? Xấu huắc, nhìn chẳng giống ai!". Lời bình phẩm của bé có thể khó nghe nhưng bạn chớ tức giận, nên bình tĩnh dạy con cách nói tế nhị không làm tổn thương người nghe.
Thực ra, những lời nhận xét của bé rất chân thật, thể hiện sự phát triển nhận thức về thẩm mỹ của trẻ. Nói ra điều đó không có nghĩa là bé cố làm tổn thương người khác. Vì thế, bạn không nên la mắng con, cần giúp bé biết cách thể hiện suy nghĩ của mình, phê bình một cách tế nhị để người khác dễ chấp nhận và tiếp thu.
Ở độ tuổi 7-9, trẻ không chỉ tiếp thu mà còn muốn thể hiện sự quan tâm, ý kiến của mình dành cho người khác, trước hết là những người thân nhất. Bố mẹ đừng chờ đến khi con lên tiếng nhận xét và xúc phạm mà trước đó, hãy nói chuyện, giải thích mọi điều liên quan đến "bình luận, bình phẩm" cho con hiểu.
Nếu lỡ có được nghe những "lời vàng ngọc" đó rồi thì chẳng ai còn đầu óc đâu để giải thích dài dòng, chỉ muốn hét toáng cho xong chuyện. Bạn chớ làm thế, cứ coi như chẳng nghe thấy gì và bình tĩnh giải thích cho bé hiểu: Trên đời này không ai có thể luôn làm đúng, làm tốt mọi thứ và vì thế, đôi lúc người ta cũng cần những lời khuyên và sự giúp đỡ của người khác. Nhận xét về một người nào đó một cách chân thật là một việc làm tốt nhưng phải biết cách nói để không làm họ tổn thương.
"Hôm trước bé Bi chê đôi giày của con bẩn quá, con nghĩ như thế nào?". Bạn có thể nhắc cho con nhớ những lời bình phẩm mang tính tiêu cực của người khác dành cho bé, khơi gợi cảm xúc, suy nghĩ của bé trong những tình huống đó (nếu không hãy giúp bé tưởng tượng ra tình thế tương tự). Không chỉ một mình bé cảm thấy như vậy mà ai ai cũng có cảm giác khó chịu khi bị người khác bình phẩm một cách không tế nhị, có khi người bị phê bình rất tức giận dù họ không thể hiện ra bên ngoài.
Bé sẽ ngạc nhiên lắm vì thấy những lời nhận xét, suy nghĩ của mình dành cho người khác với mục đích là giúp họ tốt hơn lại có tác dụng ngược như vậy. Bé có thể nghĩ: "Chẳng phải người lớn luôn dạy trẻ con phải thành thật đó sao" hoặc "mình tưởng chỉ có mình xấu hổ và tức giận khi bị người khác chê, té ra ai cũng thế". Nhấn mạnh sự tác động của những lời bình phẩm như thế giúp bé biết thông cảm và sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi muốn nhận xét ai đó về điều gì.
Dạy con biết phê bình một cách tế nhị
Để biết phê bình một cách tế nhị, bé phải có vốn từ kha khá và biết cách chọn lọc từ ngữ. Chỉ cho con thấy nếu câu nói chỉ mang tính chỉ trích (ví dụ: Mẹ nấu ăn dở tệ) thì sẽ làm người nghe khó chịu. Bạn cũng cho bé thấy, nếu phê bình có chọn lọc và sắp xếp từ thì dễ nghe hơn, người ta sẵn sàng tiếp thu ý kiến đó (cùng ví dụ trên, "Mẹ ơi, thường ngày mẹ nấu ăn ngon lắm nhưng sao hôm nay món này có vị lạ quá!), sẽ khiến mẹ không những không phật lòng mà còn vui vẻ: "Thế hả con, đâu để mẹ nếm thử xem. Ừ, sao hơi khó ăn nhỉ? Chắc mẹ bỏ nhiều me vào quá!".
Điều này khá khó hiểu với trẻ nên chúng gặp khó khăn ngay bước đầu. Bố mẹ cứ thực hành, nêu tình huống và thử thực hiện, chẳng mấy chốc bé sẽ biết cách áp dụng và không cần sự nhắc nhở của người lớn.
Bên cạnh việc dạy cho con biết tế nhị khi phê bình, bạn cũng cần nói để con hiểu: Không phải động chuyện gì cũng góp ý bởi như thế bé sẽ trở nên tẻ nhạt và làm người ta khó chịu. Bé cần luôn thận trọng khi góp ý với ai đó và chỉ thật cần thiết mới bày tỏ quan điểm của mình, nếu không sẽ mất dần giá trị của lời nói và làm những người xung quanh xa lánh.
( Theo chametainang.net)