Các nhà tâm lý và bác sỹ đã chỉ ra rằng, những bé được chăm sóc thái quá thường sống khép kín, đời sống tinh thần nghèo nàn, phát triển kĩ năng chậm chạp và sức khoẻ thường không được tốt do có sức đề kháng yếu.
Mô hình gia đình hiện đại chỉ có từ một đến hai con nên bậc cha mẹ nào cũng hết lòng vì con, dành hết cho con để con cái được chăm sóc và có một cuộc sống tốt nhất. Tuy nhiên, vì có điều kiện chăm sóc con tốt, nhiều bậc cha mẹ lại bao bọc trẻ trong môi trường gia đình một cách thái quá khiến trẻ thiếu đi những kĩ năng sống quan trọng, rối nhiễu về tâm lý.
Hiện nay, trong cách thức dạy con của các bậc cha mẹ có hai quan điểm đối lập nhau, đó là dạy con là phải cho roi cho vọt và quan điểm phải bao bọc con từng ly từng tí. Tuy nhiên, cả hai quan điểm này đều chứa đựng những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đi cùng với quan điểm không dạy con bằng roi vọt, một số bậc cha mẹ đã bao bọc con trong vòng tay gia đình quá kĩ càng. Những công việc sinh hoạt tưởng như nhỏ nhặt hàng ngày của trẻ cũng đều thấy có sự phụ giúp của cha mẹ. Các bậc cha mẹ cứ nghĩ như vậy là tốt nhưng thực tế nếu tình trạng đó kéo dài sẽ khiến trẻ mất dần đi sức đề kháng cần thiết với môi trường sống, thậm chí có thái độ ỷ lại, sống dựa dẫm vào người khác Một thực tế dễ nhận thấy là trẻ thành phố mặc dù có điều kiện được chăm sóc tốt hơn trẻ em ở nông thôn nhưng trông luôn yếu ớt. Một trong những lí do của điều tưởng như nghịch lí này là vì trẻ ít tiếp xúc với môi trường sống. Trẻ nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết, của môi trường dẫn đến ốm đau, hoặc dễ mắc các bệnh đặc trưng của mùa. Động đến ốm đau là cha mẹ đã cuống cuồng cho con uống thuốc rồi đi bác sỹ khiến cơ thể trẻ bị phụ thuộc và không chịu thích nghi. Các cụ ta khi xưa vốn cho trẻ nhỏ được thoải mái lăn lê một phần cũng vì đông con không có điều kiện chăm chút, nhưng cơ bản đó là cách giúp trẻ rèn luyện sự tự lập và tạo được sức đề kháng với môi trường sống.
Đừng bao bọc con thái quá
Khi chăm bẵm con quá mức dẫn đến các bậc cha mẹ lại nuông chiều trẻ. Thông thường, trẻ được chiều chuộng, muốn gì được nấy, chúng sẽ không học được một số kỹ năng quan trọng như kỹ năng sống, kỹ năng thích nghi, kỹ năng lắng nghe, đối thọai và những giá trị thiết yếu như nhường nhịn, vị tha, lòng trắc ẩn với cuộc sống ...
Các nhà tâm lý và bác sỹ đã chỉ ra rằng, những bé được chăm sóc thái quá thường sống khép kín, đời sống tinh thần nghèo nàn, phát triển kĩ năng chậm chạp và sức khoẻ thường không được tốt do có sức đề kháng yếu. Trẻ được bao bọc quá sẽ phát triển lệch lạc theo hai hướng, một là e dè thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh với cuộc sống vì thiếu nhiều kĩ năng sống. Ngược lại, nhiều trẻ lại trở nên ích kỉ, tự kiêu vì cuộc sống quá đầy đủ.
Bởi vậy, về mặt tâm lý, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, khi nuôi dạy con, cần phải để trẻ tiếp xúc với nhiều tình huống, môi trường để giáo dục, giáo dưỡng trẻ phát triển nhân cách toàn diện.
Về mặt thể chất, các bác sỹ cũng khuyên rằng, để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần cần tạo cho trẻ có một môi trường sống với nhiều hoạt động để chúng thích nghi. Cha mẹ không thể đi cùng con đến hết cuộc đời nên cần dạy con những kĩ năng sống cần thiết. Phải để trẻ có sự va chạm để trải nghiệm phù hợp với sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Cách dạy con nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế nhất định. Bởi vậy đòi hỏi bậc làm cha mẹ phải không ngừng có những kiến thức nuôi dạy con cái khoa học, hiệu quá theo sự phát triển tự nhiên của trẻ, sao cho giúp con trẻ có được sự phát triển tốt nhất.
Theo aFamily