Trong hoạt động trò chơi, đứa trẻ học thay thế các đối tượng này bằng các đối tượng khác. Năng lực này là cơ sở của sự phát triển óc tưởng tượng.
Trong trò chơi của trẻ mẫu giáo lớn, trẻ biết hiểu ngầm các đối tượng và các hành động với chúng, biết xây dựng những tình huống trong trí tưởng tượng của mình. Trong trường hợp như thế trò chơi có thể diễn ra ở bên trong.
Bé Mimi xem tấm ảnh trong đó có một chú gấu bông và một gói quà, mấy bông hoa hồng. Mimi nói: “Gấu bông chuẩn bị đi sinh nhật bạn”. Qua lời giải thích của mình, Mimi đã thể hiện phương pháp chơi riêng của mình và trò chơi lúc này diễn ra ở bên trong qua sự tưởng tượng của bé.
Khi thể hiện một vai chơi, một mặt trẻ tái tạo lại những hoạt động trẻ đã được biết hoặc được chứng kiến. Mặt khác trẻ thể hiện lời nói, hành động của nhân vật bằng chính sự tưởng tượng của trẻ. Sự nhận biết về thế giới xung quanh của trẻ càng đa dạng, thì trí tưởng tượng của trẻ càng phong phú.
Trong quá trình tham gia trò chơi phân vai và thể hiện vai chơi của mình, trẻ có điều kiện bộc lộ trí tưởng tượng qua hành động, lời thoại nhân vật…Trẻ không chỉ đóng vai một nhân vật mà còn có thể thể hiện nhiều nhân vật khác nhau.
Khi tham gia một trò chơi, đòi hỏi bé phải tưởng tượng: tưởng tượng về điệu bộ, hành động của vai chơi, tưởng tượng về lời nói…
Tony 4 tuổi, cầm hai cái ly để hai bên, sau đó để chiếc ô tô ở phía trước hai cái ly và nói: “Bác đậu xe ở đây, để tôi vô mở cổng.”
Mimi luôn tay quơ quơ trong không khí, cô giáo đến hỏi: “Bác đang làm gì thế?” Mimi trả lời: “Tôi đang nhào bột để làm những cái bánh thật thơm ngon.”
Cô giáo lại hỏi: “Bác làm bánh gì?”
Mimi: “Tôi sẽ làm ra những chiếc bánh quy hình tròn, hình vuông, những chiếc bánh hình bông hoa và cả những chiếc bánh hình cái lá, hình con sâu nữa.”
Sau đó Mimi xé những mảnh giấy màu, bỏ lên một cái khay và gọi: “Các bác ơi, lại đây mua bánh nào, bánh mới làm nóng hổi đây.”
Trí tưởng tượng của trẻ càng phong phú thì trò chơi diễn ra càng sôi nổi và hấp dẫn, ngược lại trong quá trình chơi đòi hỏi trẻ phải luôn sáng tạo ra các tình huống chơi mới và tưởng tượng ra các hành động, cử chỉ, lời nói giao tiếp để xây dựng trò chơi.
Chính trong quá trình tham gia trò chơi sẽ kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo của trẻ.
Như vậy, để phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo cho trẻ lứa tuổi mẫu giáo, ngoài việc tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi phân vai thì vai trò của người lớn trong việc dẫn dắt trò chơi, gợi ý các hướng chơi nhằm kích thích sự sáng tạo của trẻ là quan trọng.
Kiến thức của trẻ về thế giới quan xung quanh trẻ còn hạn hẹp, vì vậy cần có sự giúp đỡ, gợi ý hướng dẫn để trẻ tổ chức trò chơi, hỗ trợ trẻ khi cần thiết và điều quan trọng là luôn tạo điều kiện và tôn trọng trẻ khi trẻ chơi.
Trúc Giang mamnon.com