Một phần ba những bà mẹ mới sinh đều bị són tiểu khi hắt hơi, ho, cười hay tập thể dục do đáy khung chậu yếu sau quá trình ''vượt cạn''.
Tìm hiểu về đáy khung chậu
Đáy khung chậu là một nhóm cơ dây chằng nối từ xương cụt tới trước xương mu. Từ bên ngoài, bạn có thể xác định đáy chậu là khu vực nằm giữa hậu môn và bộ phận sinh dục. Đôi khi người ta ví nó như tấm vải bạt có gắn lò xo để nâng đỡ và đẩy ngược trở lại trọng lượng cơ thể chúng ta. Khi tuổi tác tăng lên, sức nâng của "tấm vải" này cũng yếu đi và mất dần độ đàn hồi.
Có một đáy khung chậu khỏe giúp bạn tránh được nguy cơ sa ruột và sa tử cung. Cơ đáy khung chậu giúp cơ thể kiểm soát tiểu tiện và việc co bóp dạ con. Cơ đáy chậu yếu và bị giãn làm cũng làm giảm khả năng "lên đỉnh" khi quan hệ vợ chồng.
Đáy khung chậu mất độ đàn hồi có thể dẫn tới những vấn đề sức khỏe cho phụ nữ về lâu dài, đặc biệt là sau tuổi mãn kinh. Người ta ước tính 4 trong 10 phụ nữ trên 50 tuổi ít nhiều bị sa dạ con.
Tác động của việc sinh nở lên đáy khung chậu
Đáy khung chậu bị kéo dãn trong suốt quá trình sinh nở để em bé có thể chui qua được. Sau khi sinh, khu vực này của bạn sẽ bị méo mó, sưng và đau. Những dây thần kinh ở các cơ đáy khung chậu bị kéo căng tới mức bạn thấy tê cứng tại vùng đó.
Đáy khung chậu mất khoảng 1 năm để hồi phục tuy nhiên thời gian sẽ dài hơn nếu bạn được can thiệp bằng phooc-xép khi sinh. Đáy khung chậu bị dãn quá mức rất khó trở lại như cũ theo cách tự nhiên.
Nếu bạn thấy đáy khung chậu nằng nặng hay cảm giác như có gì đó phình ra giữa 2 chân, có thể đó là dấu hiệu bạn đã làm việc quá sức. Hãy nghỉ ngơi và tránh đứng quá lâu. Tư thế nằm sẽ giảm bớt lực đè lên đáy chậu
Bài tập hồi phục đáy khung chậu
Bắt đầu bài tập cho đáy khung chậu ngay khi bạn có thể. Bắt đầu sớm sẽ giúp không chỉ đáy chậu mà cả âm đạo hồi phục nhanh sau sinh. Bởi khi tập thể dục, tuần hoàn máu sẽ tăng lên, làm giảm sưng và đau. Bạn hãy yên tâm vì bài tập cho đáy chậu không làm đứt các vết khâu do sinh nở.
Khi bắt đầu tập, trong vài ngày hoặc vài tuần đầu bạn không thể cảm nhận được các cơ ở đáy chậu. Điều này rất bình thường và cũng không có nghĩa là các cơ không hoạt động. Nên tập trong tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng. Có một số người thấy tập trong bồn tắm dễ dàng hơn rất nhiều.
Bài tập cho đáy chậu như sau: Cố gắng thắt chặt các cơ ở âm đạo lại như khi bạn nhịn tiểu trong một vài giây, sau đó tăng dần lên 4-5 giây và cuối cùng là 10 giây. Bạn có thể tập lại nhiều lần.
Lưu ý: Bạn nên kiểm tra lại vùng đáy khung chậu (bao gồm cả các vết khâu) 6 tuần sau khi sinh.
Eva theo Baby