Công ty Dutch Lady vừa âm thầm tăng giá đồng loạt các loại sản phẩm sữa bột hồi đầu tháng chín với mức tăng 8-10% so với trước. Giá sữa vẫn tăng bất kể giá sữa nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục giảm.
Sữa cho trẻ nhỏ tuổi luôn có giá cao nhất -Ảnh: T.T.D.
Mặt hàng sữa dù là sản phẩm liên quan đến dinh dưỡng và sức khỏe nhưng lại đang được một số nhà kinh doanh lợi dụng tâm lý của các bà mẹ “sữa đắt là sữa tốt” để đưa vào cuộc đua tăng giá nhằm tạo thói quen tiêu dùng, qua đó tăng doanh số bán sữa.
Tăng thêm vì... mới tăng một nửa!
Ông Trương Văn Toàn, trưởng phòng pháp lý và đối ngoại của Dutch Lady VN (DLV), cho biết đợt tăng giá bán dòng sữa Friso Gold 1, 2, 3, 4 dành cho trẻ và cả Friso Mum dành cho bà mẹ ngày 1-9 vừa qua thực chất chỉ là “giai đoạn 2” của kế hoạch điều chỉnh giá bán đã được DLV thực hiện một nửa cách đây vài tháng. “Thay vì tăng giá một lần vào thời điểm 1-7 thì DLV chỉ tăng một nửa và bây giờ tăng tiếp phần còn lại” - ông Toàn nói. So với giá bán thời điểm 1-7, hiện Friso Gold 1 giữ mức 173.000 đồng/lon/400g, tăng 15.500 đồng/lon, và tăng 31.500 đồng đối với loại 900g, giữ mức 346.500 đồng/lon. Tương tự, các sản phẩm Friso Gold 2, 3, 4 và Friso Mum cũng có mức tăng tương ứng 8-10% so với giá bán trước đó.
Sữa nhiễm độc chỉ bán ở Trung Quốc?
Chính quyền Trung Quốc mới đây tuyên bố mở rộng điều tra vụ sữa bột trẻ em nhiễm hóa chất đến tận các vùng sản xuất sữa lớn trên toàn quốc.
Đến nay có tổng cộng 432 trẻ em bị sạn thận do sữa Tam Lộc, ít nhất một bé đã thiệt mạng. Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Cao Cường tuyên bố Tập đoàn Tam Lộc phải chịu trách nhiệm về vụ xìcăngđan này. Ông Cao Cường khẳng định những người liên quan “sẽ bị trừng trị thích đáng”.
Nguồn tin THX cho biết chính quyền đã bắt giữ 19 người và thẩm vấn 78 người khác. Bộ Y tế Trung Quốc khẳng định loại sữa bột bị nhiễm độc chất melamine chỉ có mặt trên thị trường trong nước, và có 25 tấn được xuất sang Đài Loan. Đài Loan đã tịch thu toàn bộ sản phẩm sữa Tam Lộc.
HIẾU TRUNG |
Trong khi DLV tăng giá bán sữa thì giá nguyên liệu sữa nhập khẩu lại giảm mạnh, hiện chỉ còn 3.100-3.500 USD/tấn đối với nguồn nhập khẩu từ Úc hoặc 3.100-3.250 USD/tấn đối với nguồn nhập từ châu Âu, giảm hơn 250 USD/tấn so với tháng trước và giảm hơn 1.100 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Một người có kinh nghiệm lâu năm về ngành sữa cho biết dù Friso được tăng giá làm hai lần để “chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng”, nhưng nếu xét về mặt bằng giá chung trên thị trường thì dòng sữa Friso của DLV lại đang dẫn đầu top sản phẩm sữa có giá đắt nhất hiện nay.
Trả giá cho sản phẩm mới
Do giá nguyên liệu liên tục giảm nên các hãng sữa khi điều chỉnh giá bán đều phải nghĩ ra một lý do nào đấy cho hợp lý. Nếu Dumex thay đổi mẫu hộp, thiết kế thêm chỗ để muỗng múc sữa và... tăng 4-5% giá bán thì Abbot lại chọn hình thức tung ra sản phẩm mới với việc công bố bổ sung dưỡng chất và cũng tăng giá thêm 10-15% so với trước.
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh trong ngành, ngay cả khi có sự thay đổi về kiểu dáng bên ngoài thì chi phí thực hiện vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức điều chỉnh tăng giá bán ít nhất 5-7%. Riêng các hãng sữa cũng dựa vào sự chi phối thị phần của từng dòng sản phẩm để “làm giá” với người tiêu dùng, bởi họ biết chắc người tiêu dùng bị lệ thuộc vào sản phẩm đã mua.
Theo các cửa hàng bán lẻ lẫn giới kinh doanh trong ngành, sự kèn cựa giữa các “đại gia” trong ngành sữa hiện đang rất khốc liệt xoay quanh hai định nghĩa sữa “miễn dịch” hay sữa “thông minh”. Đó cũng là lý do vì sao khoảng sáu tháng đến một năm thì các hãng sữa cứ thông báo thay đổi công thức hoặc ra sản phẩm mới để tăng hệ miễn dịch cho trẻ, hay thêm chất gì đó làm tăng trí thông minh. Nhưng bản thân người tiêu dùng không thể biết rõ chất đó có thật sự “phát huy tác dụng” như quảng bá và quảng cáo của doanh nghiệp dẫn đến sự tăng giá hay không!
Sữa cho trẻ sơ sinh đắt nhất
Hiện thị trường sữa bột, dòng sữa dành cho các bé dưới 1 tuổi luôn có giá bán đắt nhất. Theo một nhân viên nghiên cứu thị trường lâu năm, các hãng sữa chỉ tập trung quảng cáo cho loại sữa đắt tiền dựa vào tâm lý “sữa đắt nhất là sữa tốt nhất”. Đây cũng chính là dòng sản phẩm bị tăng giá mạnh nhất. “Mặc dù số lượng loại sữa này bán ra không bằng các sản phẩm khác nhưng lợi nhuận thu được lớn hơn gấp nhiều lần. Đồng thời việc tăng giá sản phẩm loại này cũng mở đường cho việc tăng giá các sản phẩm khác” - một nhân viên trong ngành sữa tiết lộ. Vì vậy, không ít doanh nghiệp đã đua nhau để chiếm vị trí sữa đắt nhất.
Điều này dẫn đến nghịch lý là trẻ càng nhỏ càng phải uống sữa... đắt tiền, sữa cho người lớn có giá rẻ hơn. Như sản phẩm Friso Gold 1 lúc chưa tăng giá chỉ ở mức 157.000 đồng/lon 400g, sau khi tăng là 173.000 đồng/lon. Trong khi Friso Gold 2 cùng trọng lượng chỉ 171.000 đồng/lon và đến Frisol Gold 3 thì còn 157.000 đồng/lon. Tương tự, Dulac Gold (bước 1) có giá 167.000 đồng/lon (loại 400g), trong khi Dupro Gold (bước 2) là 164.000 đồng/lon và Dugrow Gold (bước 3) chỉ còn 150.000 đồng/lon.
Nhân viên kinh doanh của một công ty sữa thuộc loại lớn hiện nay cũng thừa nhận doanh số từ các dòng sữa loại “thường thường bậc trung”, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM, đang giảm dần vì sức mua rất thấp. Thậm chí có hãng sữa phải bỏ nhãn hàng có giá thấp vì không bán được.
Kiểm tra nghiêm chất lượng sữa nhập khẩu
* Có thể kiểm tra sữa bị pha nước
Liên quan tới việc phát hiện sữa nhiễm hóa chất, gây bệnh sạn thận trẻ em ở Trung Quốc, trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 14-9, tân cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn cho biết: cơ quan này đã yêu cầu các tỉnh biên giới ráo riết kiểm tra chất lượng đầu vào của các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sữa nhập khẩu. Đồng thời đề nghị Cục Y tế dự phòng và môi trường tăng cường khâu kiểm dịch y tế biên giới.
Theo ông Khẩn, báo cáo của Sở Y tế Lạng Sơn và một số tỉnh giáp biên giới phía Bắc cho hay lượng sữa nhập khẩu tiểu ngạch về VN rất thấp, do mặt hàng này khó tiêu thụ tại thị trường VN. Tuy nhiên, ông Khẩn lo ngại nếu chênh lệch giá sữa còn cao như hiện nay, rất có thể sữa bột không được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt sẽ tràn vào thị trường. Ông Khẩn cũng cho biết Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn về kiểm nghiệm thực phẩm cho cơ quan kiểm dịch y tế các tỉnh biên giới. Cùng ngày, giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn Hoàng Đình Hoàn cho biết Sở Y tế đang đợi văn bản chính thức của Bộ Y tế, nhằm thành lập đoàn liên ngành thanh tra thực phẩm nhập khẩu.
* Tại TP.HCM, một số điểm bán sữa vẫn bán sữa bột không nhãn mác, không thương hiệu với giá khoảng 60.000 đồng/kg. Người bán khẳng định không phải hàng Trung Quốc mà nhập từ Hà Lan hoặc do các công ty sữa tại VN bán ra do sản xuất... dư. Tuy nhiên chưa ai kiểm chứng được lời của những người bán.
Trong khi đó, ông Vương Ngọc Long - trưởng ban phát triển nguồn vùng nguyên liệu Công ty Sữa VN (Vinamilk) - cho biết người nuôi bò sữa VN “chưa đủ trình độ” để pha thêm nước và melamine vào sữa như ở Trung Quốc. Ông Long khẳng định với hệ thống máy kiểm tra của Vinamilk có thể phát hiện sữa pha thêm nước với tỉ lệ 1/1.000, tức 1.000 lít sữa, nếu pha thêm 1 lít nước cũng bị phát hiện. |
Theo Tuổi Trẻ