Tính hiếu thắng của bé còn được bộc lộ trong những tình huống khác. Chẳng hạn, bạn cũng thấy lúc nào bé cũng muốn giành phần hơn với anh (chị) bé. Khi bạn chia bánh cho các bé, bé sẽ nhanh chân nhận phần và nói: “Đưa cho con trước”. |
Bé tỏ ra rất thích thú khi thắng bạn trong trò chơi nào đó. Tuy nhiên, nếu bé bị thua, bé sẽ nhanh chóng trở nên chán nản thậm chí tự mình chấm dứt cuộc chơi bằng câu nói: 'Con không thích chơi nữa' rồi bỏ ra chỗ khác.
Khoảng 4-5 tuổi, bé có xu hướng muốn mình là “người hùng” khi tham gia vào bất kỳ cuộc chơi nào. Sự chiến thắng khiến bé có cảm giác mình là người quan trọng và được người khác yêu quý.
Khi ấy, bé sẽ tỏ ra tự tin và thỏa mãn với những lời trầm trồ thán phục xung quanh. Do vậy, bé hầu như không thích thú khi phải nếm trải cảm giác thất bại. Vì khi thua cuộc, bé lo ngại phải đối mặt với những lời chê cười, chế nhạo hay phê bình từ cha mẹ và bạn bè. Thậm chí bé còn dễ dàng khóc lóc, mè nheo hoặc giận dỗi sau đó.
Ảnh: GettyImages
Hướng dẫn dành cho bạn
Giúp bé đối mặt với thất bại
Nhiều bậc cha mẹ nuông chiều con bằng cách luôn nhường phần thắng cho bé khi tham gia vào bất kỳ cuộc chơi nào. Thói quen này khiến bé dễ tự mãn, không có ý chí phấn đấu hoặc tỏ ra đố kỵ, ganh ghét khi bạn khác giành phần thắng. Vì vậy, bạn hãy hướng dẫn để bé biết cách chấp nhận thất bại khi chơi bằng cách động viên bé cố gắng cho những lần sau.
Yêu cầu bé tôn trọng trò chơi
Trước khi bắt đầu trò chơi, bạn có thể trao đổi rõ ràng với bé về quy tắc của trò chơi đó. Bạn cũng nên gợi ý để bé biết rằng bé
cần tỏ thái độ vui vẻ, thoải mái khi chơi. Nếu không, tốt nhất là bé không nên tham gia. Nếu bé bất hợp tác hoặc chỉ muốn điều khiển trò chơi theo ý mình, gợi ý từ Yourdailylife là bạn nên nhanh chóng hoãn lại cuộc chơi và hỏi han bé. Bạn cũng có thể hẹn bé rời trò chơi vào thời gian tới khi bé đã chuẩn bị sẵn sàng.
Dạy bé biết chia sẻ cảm xúc
Nếu bé giận dữ hoặc muốn gây sự với người chiến thắng, bạn hãy cho bé biết bạn cảm thấy buồn như thế nào. Bạn cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm thất bại của bản thân mình và an ủi để bé biết rằng ai cũng có thể thua hoặc thắng trong một trò chơi. Bạn nên khuyến khích, động viên để bé tiếp tục cố gắng cho những lần chơi sau.
Khích lệ bé
Khi bé sắp thua cuộc và nói: “Mẹ lại thắng con rồi”, bạn có thể cổ vũ tinh thần cho bé bằng câu nói: “Mẹ hy vọng lần sau con sẽ cố gắng để thắng lại mẹ”. Bên cạnh đó, bạn không nên cười chê khi bé thất bại. Thay vào đó, bạn có thể hướng dẫn bé các kỹ năng để bé biết cách tự mình giành phần thắng trong lần chơi tiếp theo.
Theo mevabe.net