Mang thai và sinh đẻ
   Những biến đổi cơ thể ở phụ nữ mang thai
 
Khi mang thai, một loạt những thay đổi sẽ diễn ra trên cơ thể người phụ nữ. Tế bào trứng đã thụ tinh sẽ phân chia liên tục để trở thành phôi thai, rồi thành thai nhi trưởng thành. Sau khoảng 9 tháng, thai đã có khoảng 2 tỷ tỷ tế bào các loại. Thời gian này, cơ thể người mẹ phải cung cấp đủ thức ăn và hormone để giúp thai phát triển. Một cơ chế gen học sẽ chi phối mọi diễn biến sinh lý xảy ra trong suốt kỳ thai nghén; Nhiều phụ nữ trải qua thời gian mang thai khá nhẹ nhàng, khỏe mạnh, nhưng một số khác lại gặp những sự cố khó chịu, đáng lo. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG 3 THÁNG ĐẦU Thời gian này, những cơ quan chính của thai như tim, phổi, não được hình thành. Khoảng 2 tuần sau khi trứng đã làm tổ trong lớp nội mạc của tử cung, cơ thể bắt đầu thay đổi. Một số thay đổi sớm do hormone của thai và của chính cơ thể người mẹ gây ra. Ra kinh: Trái với suy nghĩ của nhiều người, thai phụ vẫn có thể ra máu kinh vào thời gian đầu thai nghén. Ra máu rải rác hay ít có thể là dấu hiệu đầu tiên về tình trạng có thai. Hiện tượng này có cơ chế không giống như cơ chế kinh nguyệt bình thường, mà do trứng làm tổ ở nội mạc tử cung gây ra. Vú to ra và quầng vú sẫm màu: Thường là gợi ý đầu tiên về sự có thai; Vú nhạy cảm hơn, dễ đau khi đụng chạm. Hai tuần sau khi thụ tinh, vú và núm vú bắt đầu to ra, quầng vú cũng sẫm màu hơn. Mỏi mệt: Hầu hết phụ nữ mới có thai đều mỏi mệt. Trong mấy tuần đầu, cơ thể tạo nhiều máu hơn để đem chất dinh dưỡng đến thai. Vì thế tim phải làm việc nhiều hơn để thích ứng với sự tăng cung lượng máu. Cơ thể cũng thay đổi cách sử dụng nước, tinh bột - đường (carbohydrate) và mỡ. Toàn bộ những biến đổi trên có thể góp phần gây cảm giác mệt mỏi. Nôn về sáng: Buồn nôn hay nôn xảy ra với nhiều phụ nư trong 12-14 tuần đầu tiên. Triệu chứng có xu hướng nặng lên về buổi sáng, nhưng một số phụ nữ cảm thấy buồn nôn suốt ngày, nhất là khi chưa ăn gì, dạ dày còn rỗng. Ít có trường hợp thai phụ sút cân nhiều hay mất nước. Nguyên nhân nôn về sáng còn chưa rõ, có thể do những biến đổi về hormone hay dạ dày - ruột; Cũng có thể nặng lên do stress cảm xúc và mỏi mệt đi kèm với thai nghén. Tiểu nhiều: Thể tích tử cung tăng lên cùng với tăng chức năng thận gây tiểu nhiều. Cũng có khi thai phụ bị xón tiểu khi hắt hơi, ho hay cười to. Nguyên nhân do tử cung to lên đè ép vào bàng quang. Tăng cân: Mặc dù có thể tăng cân từ 10-12kg trong suốt thai kỳ nhưng trong quý 1, cân nặng chỉ tăng khoảng 1kg. Tử cung: Trong vòng 2 tuần kể từ khi thụ thai, tử cung bắt đầu thay đổi, nội mạc tử cung dày lên, các mạch máu trong lớp nội mạc to ra để nuôi dưỡng thai đang phát triển. Nếu có thai lần đầu thì thể tích tử cung to bằng khoảng quả lê nhỏ. Cổ tử cung: Bắt đầu mềm. Đây là một dấu hiệu để chẩn đoán có thai. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG 3 THÁNG GIỮA Trong 3 tháng giữa, thai tăng chiều dài từ 10cm đến gần 30cm. Tử cung to ra, bắt đầu làm thay đổi vị trí các cơ quan khác trong ổ bụng. Thai chứng tỏ sự hiện diện bằng dấu hiệu cử động (còn gọi là thai máy), vào khoảng 6 tháng thì có cảm giác thai đạp rõ rệt. Nhiều phụ nữ cho biết cảm thấy dễ chịu nhất ở mấy tháng này, hết bị nôn về sáng, nhu cầu ăn uống tăng lên nên thai lớn lên nhiều trong 3 tháng cuối. Một số thay đổi về cơ thể có thể nhận thấy ở 3 tháng giữa là: Vú: Do ảnh hưởng của hormone estrogen và progesterone, vú to lên khi các tuyến tiết sữa bên trong tăng kích thước. Riêng vú tăng trọng khoảng 1/2kg trên tổng số cân nặng trong suốt thai kỳ. Một nguyên nhân góp phần làm vú to là sự tăng mô mỡ. Các hạt nhỏ quanh quầng vú là những tuyến dưới da (gọi là Montgomery) cũng bắt đầu to lên, tiết ra chất nhờn làm mềm da và quầng vú. Tử cung: Khi tử cung giãn to để thích ứng với thai đang phát triển thì bụng cũng to lên từng tuần. Tới tuần thứ 12, tử cung mới chỉ vừa vặn trong tiểu khung, nhưng đến gần tuần lễ 20 thì đã ở ngang rốn. Tử cung có thể giãn to tới phần đáy của khung xương sườn. Da: Da đỏ lên vì tuần hoàn máu tăng ở các mạch máu nhỏ ngay dưới da. Lòng bàn tay và gan bàn chân: Dễ bị đỏ và ngứa, có lẽ do tăng estrogen, sau sinh sẽ hết giống như những thay đổi ở da. Móng tay, móng chân: Mọc nhanh hơn bình thường, có thể giòn hay mềm và quăn, một phần do ảnh hưởng của hormone thai kỳ và đôi khi do thiếu máu. Mắt: Vì cơ thể giữ nước nên giác mạc dày hơn, sự biến đổi này rõ rệt từ tuần thứ 10 và tồn tại đến khoảng 6 tuần sau sinh, áp lực nước trong nhãn cầu giảm khi có thai. Hai hiện tượng nói trên làm cho mắt nhìn hơi mờ đi. Nếu phụ nữ mang kính áp tròng, nhất là loại cứng có thể sẽ gây cảm giác khó chịu. Không cần thay đổi kính áp tròng khi có thai vì thị lực sẽ trở lại bình thường sau khi sinh. Miệng: Thai nghén không gây sâu răng, tuy nhiên vì tuần hoàn máu tăng nên làm cho lợi mềm; Đa số phụ nữ gặp sự cố này nên có thể bị chảy một ít máu khi đánh răng. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài, cần đến gặp bác sĩ. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG 3 THÁNG CUỐI Giai đoạn này thai phát triển nhanh hơn, tăng khoảng nửa cân mỗi tuần và có chiều dài khoảng 45cm. Người mẹ thường thấy cảm giác thai đạp và có thể hình dung ra tư thế thai nằm trong tử cung. Thai ngày càng to, có thể làm tăng tần suất đi tiểu và biên độ hô hấp ngắn đi khi tử cung phát triển tới dưới cơ hoành. Do cơ thể chuẩn bị cho việc sinh con nên xuất hiện những cơn co sớm, thai di chuyển xuống thấp hơn, cổ tử cung mềm. Một số biến đổi liên quan đến thời kỳ này bao gồm: Bụng: Do tử cung to, đè vào nhiều cơ quan (như bàng quang, thận, dạ dày, ruột, cơ hoành, các mạch máu lớn trong ổ bụng) nên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan này. Tới cuối thai kỳ, bụng mang thai càng xệ xuống. Có thể cảm thấy thai đã vào vùng tiểu khung. Vết giãn da: Một số phụ nữ dễ có vết giãn da (màu đỏ tía hay hơi đỏ tía) trên bụng, ngực, cánh tay, mông và đùi. Vết giãn da không phải là dấu hiệu của sự tăng cân quá nhiều khi mang thai, mà có lẽ do da bị căng giãn kèm với sự tăng bình thường cortisone (hormone do tuyến thượng thận bài tiết) làm yếu các sợi chun giãn của da. Các vết rạn nứt thường nhạt đi, chuyển thành những dải dọc trên da, có màu xám nhạt nhưng thường không biến mất hoàn toàn. Trứng cá: Nếu thai phụ từng có mụn trứng cá trong các thời kỳ hành kinh thì cũng có thể nổi trứng cá vào giai đoạn sớm của thai nghén. Trứng cá thực sự có thể tăng lên khi có thai vì nồng độ progesterone tăng đã kích thích sự bài tiết chất dầu của các tuyến dưới da. Thay đổi các sắc tố ở da: Màu sắc da thay đổi ở một số vùng như cằm, má, mũi và trán. Da sẫm màu hơn do lượng estrogen và progesterone tăng. Da ở những khu vực vốn đã sẫm màu nay càng sẫm hơn, nhất là quầng vú, núm vú, môi lớn và ít thay đổi kể cả sau khi sinh. Nám da: Da mặt có màu sẫm rất đặc trưng của người có thai, hay gặp và càng rõ ở những phụ nữ da trắng và tóc đen, thường xuất hiện ở trán, vùng thái dương và giữa mắt. Vùng nám càng nặng hơn khi phơi nhiễm với nắng. Nám da thường hết hoàn toàn sau sinh. Ngứa: Nhiều phụ nữ bị ngứa ở bụng hay toàn thân rồi tự nhiên hết. Giữ cho da ẩm và cơ thể không bị nóng sẽ hạn chế được ngứa. Nếu những biện pháp nói trên không hiệu quả thì cần gặp thầy thuốc để có chỉ định dùng thuốc hay chiếu tia cực tím. Giảm bài tiết mật: Chứng tỏ chức năng gan có biến đổi liên quan đến thai nghén và có thể gây ngứa, thậm chí còn gây buồn nôn, nôn, mất khẩu vị, mỏi mệt và vàng da. Nếu bị ngứa nghiêm trọng vào cuối kỳ thai nghén thì cần kiểm tra chức năng gan. Có thể dùng thuốc nhưng tình trạng ứ trệ mật thường qua đi sau sinh. Những mạch máu nhỏ nổi rõ, trông giống như những chân nhện có thể xuất hiện ở nhiều phụ nữ có thai. Nguyên nhân do tăng tuần hoàn máu và có lẽ do tăng estrogen, thường thấy ở mặt, cổ, ngực hoặc cánh tay. Sau sinh vài tuần thì biến mất. Cẳng chân hơi xanh và trông như bẩn: Nhất là khi thời tiết lạnh, da tạm thời biến màu do tăng bài tiết estrogen ở một số người. Không đáng ngại vì sẽ hết sau sinh. Giãn tĩnh mạch: Những tĩnh mạch ở khắp cơ thể sẽ giãn to hơn khi có thai để thích ứng với tăng thể tích máu. Với một số phụ nữ, sự thay đổi này có thể thấy rõ ở các tĩnh mạch nông cẳng chân. Thường không nghiêm trọng nhưng gây kho chịu vì có thể lở loét, đau ơ cẳng chân. Ra mồ hôi và nổi ban đỏ: Phụ nữ có thai thường ra mồ hôi nhiều vì tác dụng của hormone đến các tuyến mồ hôi trên khắp cơ thể. Ra mồ hôi làm các ban đỏ dễ xuất hiện hơn. Có điều lạ là các vùng như nách, vú và cơ quan sinh dục lại ít ra mồ hôi khi có thai. Mặt trông húp híp: Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, nhiều phụ nữ thấy mí mắt và mặt sưng húp, nhất là vào buổi sáng. Nguyên nhân chỉ đơn giản là do tăng lượng máu lưu thông. Tuy nhiên, nếu mắt sưng húp nhiều và tăng cân từ 2kg mỗi tuần thì cần gặp thầy thuốc. Tăng cân đột ngột và sưng húp mặt là dấu hiệu giữ nước quá nhiều (phù) thường kèm theo huyết áp cao. Tóc và lông: Về cuối thai kỳ, tóc có vẻ dày hơn và sau thời kỳ thai nghén có thể tạm thời bị rụng tóc. Khi chưa có thai, mỗi sợi tóc (trong khoảng 100.000 sợi trên đầu) mọc dài thêm hơn 1cm mỗi tháng trong khoảng 5-8 năm rồi chuyển sang giai đoạn nghỉ, không mọc nữa. Sau đó tóc rụng dần (khoảng 100 sợi mỗi ngày), nhất là khi chải hay gội đầu cho tới khi chu kỳ mọc bắt đầu trở lại. Khi có thai giai đoạn nghỉ của quá trình mọc tóc có xu hướng kéo dài, lượng tóc rụng mỗi ngày ít hơn nên tóc dày ra. Sau khi sinh, giai đoạn nghỉ của tóc ngắn lại, tóc rụng nhiều hơn và bắt đầu mọc tóc mới. Khoảng 6-12 tuần sau sinh, rụng tóc nhiều hơn rõ rệt; Chỉ trong vài tháng, mái tóc trở nên mỏng hơn nhưng sau 6-12 tháng thì trở lại như cũ. Một số phụ nữ, nhất là những người vốn có nhiều lông trên cơ thể thì lông sẽ mọc nhiều hơn khi có thai, rõ rệt nhất là ở mặt và các chi. Các hormone do nhau thai bài tiết và sự tăng nồng độ cortisone đã kích thích tuần hoàn máu tới các nang lông. Hiện tượng mọc lông nhiều thường giảm đi trong khoảng 6 tháng nhưng có thể lập lại ở những lần thai nghén sau. Về sức khỏe tình dục: Hầu hết phụ nữ có thai không có thay đổi về nhu cầu và cảm xúc tình dục. Giao hợp không ảnh hưởng đến thai trừ một số trường hợp nên tránh, ví du như đang bị ra máu, ra nước (nghi do tổn thương màng ối), nhiễm khuẩn âm đạo, đau bụng do có cơn co. Cũng cần chú ý có tư thế tình dục thích hợp trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ để không ảnh hưởng đến thai. Trong vài tuần sau sinh, do người phụ nữ còn mỏi mệt, còn đau do tổn thương ở tầng sinh môn, thay đổi về nội tiết nên không ham muốn. Nhưng thông thường, 6 tuần lễ sau sinh đã có thể quan hệ tình dục vì lúc này các cơ quan trong tiểu khung (tử cung, âm đạo) đã trở lại hình thể và vị trí như trước lúc có thai và sức khỏe người phụ nữ đã bình thường. BS. ĐÀO XUÂN DŨNG
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tuổi của bố mẹ ảnh hưởng đến sức khoẻ con cái? (22/7)
 Phụ nữ có thai không cần ăn quá nhiều (22/7)
 Nhiễm khuẩn sau sinh dễ làm chết sản phụ (22/7)
 Dư âm của viên tránh thai (22/7)
 10 đặc thù sức khỏe phụ nữ (22/7)
 Hậu quả của bệnh rubella đối với thai phụ (22/7)
 Dinh dưỡng khi mang thai (22/7)
 Những điều thú vị về thời kỳ mang thai (22/7)
 8 điều cần cẩn trọng đối với phụ nữ mang thai (22/7)
 Phụ nữ sinh con tốt nhất ở tuổi 34 (22/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i