Mặc dù giá nguyên liệu sữa thế giới đang giảm mạnh, nhưng từ đầu tháng 7-2008 đến nay nhiều hãng sữa tên tuổi, chiếm thị phần lớn tại thị trường VN đã lần lượt tăng giá từ 7-15%.
Nhiều ông bố bà mẹ thật sự bị "sốc" trong đợt tăng giá lần này, bởi đây là đợt tăng giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Giá sữa tiếp tục “leo thang” khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng - Ảnh: Thanh Đạm
Tăng hai lần cùng lúc
Theo biểu giá mới, các loại sữa Priso tăng giá 5-15%. Trong đó chỉ riêng sữa Friso Gold 1, 2, 3 tăng 10.500-17.000 đồng/hộp... Tương tự, Mead Johnson tăng bình quân 10%, giá mới các loại sữa hộp thiếc EnfaMama A+ loại 900g từ 225.000 đồng lên 259.000 đồng/hộp.
Similac Mom 700g của Abbott từ 191.500 đồng/hộp lên 207.500 đồng/hộp; Grow Advance IQ 1,8kg từ 380.000 đồng/hộp lên 410.500 đồng/hộp, Dulac Gold step 1 800g của nhãn Dumex cũng tăng tương đương 10.000-25.000 đồng/hộp...
Giá sữa tại VN đang cao hơn các nước?
Chị Mai Chi (Q.3, TP.HCM) cho biết do tính chất công việc chị hay đi nước ngoài, trong đó ở Thái Lan, nhiều dòng sữa giá rất rẻ. Hộp NAN của Nestlé 1kg không có DHA chỉ 116.000 đồng/hộp, còn có DHA gần 150.000 đồng/hộp loại 900g, trong khi ở VN hộp NAN 450g hàng cũ (không có DHA) đã 123.800 đồng/hộp. |
Đây là mức giá các hãng thông báo cho đại lý, trên thực tế giá bán lẻ còn tăng cao hơn mức các công ty công bố trên 10%.
Một số nhãn hiệu ngoài việc tăng giá còn giảm trọng lượng hộp sữa. Cụ thể: sữa Similac Mom hộp sắt 400g của Hãng Abbott nay còn 300g, Dumex hộp 900g còn 800g... Tính ra tăng giá hai lần cùng lúc.
Đi liền với đợt tăng giá bán, các hãng sữa ngoại rút dần khỏi thị trường những sản phẩm sữa giá mềm và cho trình làng những sản phẩm sữa mới có giá cao hơn, hình thành dòng sản phẩm sữa cao cấp. Nhiều đại lý cho biết những tháng gần đây các nhà phân phối sữa, trong đó có sữa Abbott, liên tục thông báo hết hàng, đặc biệt ở dòng cho trẻ dưới 3 tuổi.
Theo chị Hoa - một đại lý sữa trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhà cung cấp thông báo đang thay đổi mẫu mã nên tạm dừng đưa ra thị trường những dòng sữa trên.
Mức tăng có hợp lý?
Không tăng giá vì sức mua đang yếu
Trong đợt tăng giá sữa lần này, chỉ có hai hãng Vinamilk và Nutifood không tăng giá. Theo ông Trần Bảo Minh - phó tổng giám đốc Vinamilk, việc tăng giá không phải là phương án hay của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình sức mua đang yếu. “Hiện công ty đã nhận được nhiều đơn hàng từ các nhà cung cấp bao bì đòi tăng giá. Tuy nhiên, trong khả năng của mình Vinamilk sẽ cầm cự đến lúc nào không chịu đựng được mới điều chỉnh giá” - ông Minh khẳng định. |
Lý giải việc tăng giá sữa, trong thông báo gửi các đại lý, hầu hết hãng sữa, nhà phân phối đều đưa ra nguyên nhân chi phí đầu vào tăng, trượt giá của VND với đồng ngoại tệ, chi phí sản xuất, nhân công...
Đại diện của Mead Johnson cho biết có nhiều nguyên nhân, nhưng một lý do khách quan là giá "nguyên liệu thô” tiếp tục tăng đến 80% so với năm 2006! Thêm vào đó là khủng hoảng giá xăng dầu dẫn đến khó khăn về vận chuyển và lạm phát trên toàn cầu.
Ông Lê Hữu Bình, giám đốc Công ty 3A - đơn vị phân phối độc quyền sữa Abbott, đưa ra nhiều lý do giải thích cho đợt tăng giá này: "Áp lực đầu vào, lương công nhân tăng 42%, chi phí bao bì, vận chuyển, chi phí thuê văn phòng... đều đội lên quá cao buộc chúng tôi phải điều chỉnh giá”.
Thực tế giá sữa nguyên liệu thế giới đang có xu hướng giảm. Theo thông tin chính từ trang web http://www.dairyvietnam.org.vn/ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tháng 12-2007 giá sữa nguyên liệu thế giới tại thị trường châu Úc dao động khoảng 5.000 USD/tấn, nhưng tháng 6-2008 giá sữa toàn phần giảm còn 4.400-4.600 USD/tấn. Vì vậy, nếu đổ lỗi giá sữa tăng do nguyên liệu đầu vào liệu có hợp lý?
Một chuyên gia trong ngành sữa nhận định: "Áp lực tăng giá với giới kinh doanh sữa có thật nhưng mức tăng như thế là quá cao!". Ông phân tích: giá trị một hộp sữa được cấu thành từ 30% bột sữa, 30% phí cho dây chuyền sản xuất, nhân công, 20% bao bì, vận chuyển và khoảng 20% dành cho chi phí quảng cáo, tiếp thị. Nhiều sản phẩm sữa giá cao vút như vừa qua vì chi phí quảng cáo và khuyến mãi đội lên quá nhiều. Bằng chứng là hiện các nhãn hiệu sữa đua nhau quảng cáo trên truyền hình vào "giờ vàng", trên báo chí rồi liên tiếp tung ra sản phẩm có hoạt chất mới, bao bì vỏ hộp mới... để tăng giá bán và đẩy nhiều loại sữa lên dòng sữa cao cấp. "Khi mặt bằng giá các chi phí tăng cao, thay vì tìm biện pháp tiết kiệm, giảm lợi nhuận, những người kinh doanh sữa lại "đẩy" hết cho người tiêu dùng" - chuyên gia này nhận định.
Theo Tuổi Trẻ