Sức khoẻ
   Giấc ngủ của mẹ và bé
 
Trong những tháng đầu tiên sau khi sinh, giấc ngủ của cả bạn và bé đều rất quan trọng và có thể tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau.


Giấc ngủ của mẹ
Tầm quan trọng của giấc ngủ:
Phần lớn các bà mẹ sau khi sinh đều bị rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Nguyên nhân có thể do bạn vẫn chưa thực sự quen với nếp sinh hoạt mới khi có bé, hoặc cùng có thể do chính bản thân bạn.

Tuy nhiên việc thiếu ngủ làm cho bạn mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến việc chăm sóc bé. Ngoài ra, bạn thiếu ngủ thường xuyên cũng dễ rơi vào tình trạng stress, trầm cảm và cáu gắt với những người xung quanh, gây căng thẳng cho mọi người trong gia đình bạn.

Sắp xếp thời gian ngủ hợp lý:
Bạn không thể cứ thức suốt cả ngày và ỉ lại vào giấc ngủ buổi tối. Bé yêu của bạn trung bình cứ khoảng 2 – 4 tiếng, bé lại thức và đòi ăn, kể cả vào ban đêm. Vì vậy nắm vững nhịp sinh lý của bé sẽ giúp bạn điều chỉnh được thời gian ngủ và nghỉ ngơi hợp lý cho bản thân.

Bạn có thể tranh thủ chợp mắt những lúc bé ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng thời gian ngủ hợp lý một ngày đối với các bà mẹ nuôi con nhỏ chỉ nên từ 8 – 10 tiếng. Nếu ban ngày bạn ngủ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm – giấc ngủ chính của bạn.

Tạo điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ:
Nếu có thể nhờ ai đó trông giúp bé một lúc, bạn nên chuyển sang ngủ ở một phòng khác yên tĩnh hơn với một chiếc giường thoải mái và chỉnh nhiệt độ trong phòng vừa phải để dễ ngủ hơn.

Bạn cũng không nên ăn uống những thực phẩm có chứa nicotine hay caffeine để tránh hiện tượng thần kinh bị ức chế, gây khó ngủ.

Bạn cần bàn bạc với chồng và những người thân trong gia đình để cùng nhau chia sẻ công việc chăm sóc bé hay việc nhà. Làm như vậy, bạn không chỉ đỡ mệt hơn và có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn mà còn giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Bạn nên cố gắng thoải mái và thư giãn hoàn toàn khi ngủ. Không nên nằm trên giường mà đầu óc vẫn còn bận suy nghĩ hôm nay còn những việc gì phải làm hay mai phải đưa bé đi đâu…
Quan trọng nhất là bạn phải luôn ghi nhớ, bạn có khỏe thì mới có thể chăm sóc bé tốt.

Những thói quen không tốt:
Khi bé đã ngủ, bạn cũng nên nghỉ ngơi chứ không nên tranh thủ làm nốt các công việc nhà, đặc biệt là thời gian cuối ngày. Lúc đó, cơ thể bạn cũng đã rất mệt mỏi và cần được nghỉ. Nếu bạn cứ cố làm sẽ dẫn đến tình trạng bị “quá giấc”: bạn không còn cảm giác buồn ngủ khi vào giường và hậu quả là bạn sẽ vô cùng mệt mỏi.

Bạn cũng không nên ôm ấp bé khi ngủ. Điều này sẽ khiến bé bị phụ thuộc vào mẹ và sẽ khó ngủ lại khi “thiếu hơi” mẹ. Tốt nhất là bạn hãy nằm cách bé một khoảng vừa phải hoặc nếu có thể bạn có thể cho bé ngủ riêng (trong cũi, trong nôi hoặc trong một phòng khác).

Bạn cũng không nên “ngủ nướng” quá nhiều vào cuối tuần khi chồng bạn đảm nhận công việc chăm bé. Ngủ quá nhiều sẽ phá hỏng đồng hồ sinh hoạt của bạn, làm cho bạn càng thêm mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Bạn không nên chỉ quan tâm chăm sóc bé mà quên đi bản thân mình. Rất có thể nguyên nhân mất ngủ thường xuyên của bạn là do bạn bị mắc một căn bệnh nào đó (hội chứng stress, hội chứng chân bồn chồn và các vấn đề về ruột…). Nếu bạn liên tục bị mất ngủ trong vòng 2 tuần thì nên đi khám bác sĩ ngay để có hướng giải quyết triệt để.

Lười tập thể dục hay tập thể dục gần lúc ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Chúng ta đều biết rằng tập thể dục giúp bạn dễ ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu bạn tập gần lúc sắp ngủ thì bạn sẽ cảm thấy nóng bức, khó chịu và dẫn đến mất ngủ.

Giấc ngủ của bé
Bé sơ sinh của bạn thường ngủ từ 15 – 16 tiếng một ngày. Mỗi giấc ngủ của bé kéo dài trong khoảng từ 2 – 4 tiếng, sau đó bé sẽ thức dậy đòi ăn hoặc chơi trong khoảng 1 giờ rồi lại ngủ tiếp.

Nguyên nhân làm bé ngủ ngon:
Không phải lúc nào bé cũng ngủ ngon. Có những lúc bé sẽ rất quấy, ngủ chập chờn và “khóc hờn” khi ngủ. Vậy lúc nào bé sẽ ngủ ngon?

Khi bé no: Khi bé đã bú no sữa, bé sẽ ngủ rất ngon. Vì vậy, bạn nên chăm sóc bản thân để duy trì nguồn sữa đầy đủ cho bé.
Khi bé thoải mái: Bé không bị khó chịu vì tã ướt, bé không quá nóng hay quá lạnh… Bé thấy thoải mái và sẽ ngủ rất ngon. Tốt nhất là bạn nên thường xuyên thay tã cho bé và duy trì nhiệt độ phòng ổn định để tạo cho bé giấc ngủ sâu.

Khi cơ thể bé khỏe mạnh: Khi bé ốm, bé sẽ khóc nhiều, khó chịu và không ngủ. Bé có thể có những biểu hiện như sốt, nổi ban, nôn trớ, chướng bụng… Khi đó, bạn nên đưa bé đi khám ngay để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Chọn tư thế ngủ đúng cho bé:
Bé còn quá nhỏ và không thể tự lật trở người. Do vậy bạn sẽ là người quyết định tư thế nằm chủ yếu cho bé. Tư thế ngủ của bé cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

Cho bé nằm ngửa: Đây là tư thế phổ biến mà các bậc cha mẹ thường chọn cho bé. Nằm ngửa giúp bé dễ hô hấp, khuôn mặt bé cũng thoải mái và giảm thiểu được nguy cơ bé bị ngạt vì chăn gối.

Tuy nhiên, nên hạn chế cho bé nằm ngửa đặc biệt vào sau khi bé vừa ăn no xong. Khi đó, bé dễ bị nôn trớ, sữa có thể ọc vào đường khí quản làm bé bị ngạt thở.

Cho bé nằm sấp: Đây là tư thế mà ít bậc phụ huynh nào muốn cho con nằm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tư thế nằm sấp làm tăng nguy cơ tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh, đặc biệt bé bị ngạt thở do úp mặt vào chăn gối.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn cũng nên cho bé nằm sấp để giúp bé gia tăng hoạt động ở các vùng đầu, cổ và tay chân cũng như ở các cơ quan nội tạng (tim, phổi). Bé sẽ phát triển nhanh hơn so với những bé khác. Nên lưu ý là bạn chỉ đặt bé nằm sấp trong một thời gian ngắn và phải luôn để mắt trông chừng bé.

Cho bé nằm nghiêng: Đây là một tư thế thuận lợi cho bé, không gây sức ép lên các cơ quan nội tạng đồng thời cũng tránh được nguy cơ ngạt sữa khi bé vừa ăn no.
Tuy nhiên, khi đặt bé nằm nghiêng, bạn cần chú ý không để vành tai bé bị cong gập ra phía trước, tránh làm biến dạng vành tai bé.

Thay đổi tư thế thường xuyên cho bé: Xương đầu bé vẫn còn mềm, các khớp xương chưa kín lại hoàn toàn nên nếu để bé nằm mãi một tư thế sẽ dẫn đến nguy cơ biến dạng đầu bé (đầu bé có thể bị bẹp đằng sau do nằm ngửa hay bẹp một bên do nằm nghiêng…).

Tốt nhất bạn nên thay đổi tư thế cho bé khoảng 4 tiếng một lần.
Bạn cũng nên bế bé trên tay để giúp bé hoạt động toàn thân, xúc tiến cơ thể phát triển tốt. Mặt khác, bế bé cũng làm gia tăng tình cảm mẹ con giữa bạn và bé.

Đến tháng thứ 6, bé đã có thể nhỏm đầu dậy và tự xoay mình. Lúc đó, bé cũng có thể tự lựa chọn tư thế ngủ thích hợp nhất cho mình do vậy bạn không cần phải quá lo lắng và can thiệp vào tư thế ngủ của bé.

Chọn giường đệm cho bé:
Giường: nếu bé ngủ riêng, bé cần một chiếc giường có thanh chắn có độ cao thích hợp (6 cm) đề phòng nguy cơ bé bị ngã.
Bạn nên chọn loại đệm cứng có kích thước phù hợp với giường bé. Nếu đệm nhỏ hơn giường, trong lúc trở mình, rất có thể bé sẽ bị mắc kẹt.

Chất liệu làm giường bé nên là loại gỗ tốt, chống mối mọt. Các loại bọ nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường có thể làm bé bị dị ứng.
Chăn gối: Không nên để gối hoặc chăn trên giường bé, đề phòng bé bị ngạt thở vì áp mặt vào chăn gối mà không thoát ra được.
Bạn có thể giữ ấm cho bé bằng lớp đệm mềm xung quanh giường bé và mặc quần áo đủ ấm cho bé khi ngủ.

Chăn gối của bé cũng phải được thường xuyên giặt giũ và phơi ở chỗ có nắng để tránh sự phát triển sinh sôi của các loại bọ chăn, đệm.

Tập thói quen ngủ tốt cho bé:
Trong giai đoạn 3 tháng đầu, bé bắt đầu nhận thức được môi trường xung quanh và dần phân biệt được ngày và đêm. Bé cũng có ý thức dễ ngủ hơn và ngủ dài hơn về đêm. Lúc này là lúc bạn nên tạo cho bé chu kỳ ngủ/thức phù hợp.

Bạn có thể giữ cho bé thức tới 22 - 23 giờ để bé có thể ngủ sâu hơn và dài hơn vào ban đêm. (Bé sơ sinh 3 tháng tuổi có thể ngủ giấc đêm đến 7 - 8 tiếng nếu bé được ăn no và đi ngủ lúc 22 - 23 giờ).

Nếu bé thức giấc về đêm, bạn nên hạn chế quá quan tâm đến bé. Thay tã và cho bé ăn trong bóng tối. Không nên nói chuyện hay ôm ấp bé. Bé sẽ dần tự hiểu thái độ của bạn và tự điều chỉnh.

Bạn hãy tạo ra cho bé những thói quen trước khi đi ngủ: tắm, đọc truyện, hát ru... Đây sẽ là những dấu hiệu để bé tự nhận biết là đã đến giờ đi ngủ.

Bé có thể bị lẫn lộn giữa ngày và đêm. Đôi khi bé tập trung ngủ nhiều vào ban ngày. Lúc đó, bạn nên đánh thức bé dậy và chơi đùa cùng bé. Việc khuyến khích bé thức và chơi nhiều vào ban ngày sẽ giúp bé phát huy tối đa giấc ngủ về đêm.

Theo mevabe.net
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giúp con giảm cân (28/6)
 Thở khò khè dấu hiệu của bệnh hen suyễn? (27/6)
 Bệnh thường gặp đối với trẻ sơ sinh trong mùa hè (27/6)
 Lịch trình luyện tập động tác cho bé dưới 12 tháng tuổi (27/6)
 Dấu hiệu mắt bé ‘kém’ (26/6)
 Viêm da mùa nắng nóng và thuốc chữa (26/6)
 Khi trong nhà có con... tự kỷ (26/6)
 Một vài điều nên biết khi tắm nắng cho trẻ (25/6)
 Giúp bé an toàn vượt qua "thử thách" (25/6)
 Tránh cho trẻ bị dị ứng (25/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i