Bé thường quá hiếu động và luôn gây ra những trò quậy phá. Những lúc như vậy, bạn gần như tức điên lên và rất có thể, bé sẽ bị mắng hay bị ăn đòn. Tuy nhiên, vẫn có những cách khác để bạn dạy bé mà không cần phải sử dụng đến ‘vũ lực’:
Bạn muốn bé vào giường và nằm yên ở đó
Răn đe: “Nếu con mà ra khỏi giường thêm một lần nữa, con sẽ bị ăn đòn”.
Mềm mỏng: “Khi mẹ đưa con vào giường, mẹ hy vọng là con sẽ không chạy ra nữa nhé!”.
Khi bạn chọn cách nói mềm mỏng, nó sẽ làm bé cảm nhận được rằng bạn rất kỳ vọng vào bé. Và hành động của bạn cũng rất rõ ràng, dứt khoát khiến bé hiểu rằng tốt nhất là bé nên nghe lời bạn.
Bạn muốn bé ăn hết rau trong bát
Răn đe: “Con sẽ phải ngồi ở bàn cho đến khi nào con ăn hết rau thì thôi.”
Mềm mỏng: “Con có nhớ không, chúng ta đã thỏa thuận rằng sẽ không ăn bim bim (bánh, kẹo…) trước khi đi ngủ.”
Cách này giúp nhắc nhở bé rằng, bé có thể chọn cách tiếp tục ăn hay không ăn. Tuy nhiên, nếu bé không ăn, bé sẽ bị đói.
Bạn muốn bé đánh răng
Răn đe: “Mẹ sẽ không đọc truyện cho con trước khi đi ngủ nếu con không chịu để mẹ đánh răng cho con.”
Mềm mỏng: “Con yêu, đã đến lúc đi ngủ rồi. Nhưng trước khi đi ngủ, chúng ta phải làm gì đầu tiên nhỉ?”
Mục đích là để bé biết rằng đã đến giờ đi ngủ và đánh răng theo như trong thời gian biểu của bé. Bạn hãy tạo cho bé tính chủ động chứ không nên để bé cảm nhận rằng, bé làm vì sợ bị phạt.
Bạn muốn bé thật ngoan khi đi siêu thị
Răn đe: “Con không được chạy lung tung nữa, nếu không mẹ sẽ không cho con xem tivi khi về nhà.”
Mềm mỏng: “Con có thể giúp mẹ tìm loại sữa tươi và táo mà con rất thích không?”
Câu nói mềm mỏng của bạn sẽ làm bé quên khuấy đi hành động quậy phá, nghịch ngợm của mình và tập trung vào làm một việc có ích, đó là giúp bạn mua đồ.
Bạn muốn bé không mè nheo mỗi lần bé muốn xin điều gì
Răn đe: “Nếu con mà còn lèo nhèo một lần nữa, mẹ sẽ cất hết đồ chơi của con đi.”
Mềm mỏng: “Mẹ rất muốn nghe xem con nói gì, tuy nhiên mẹ chỉ nghe thấy tiếng con lèo nhèo và thực sự là mẹ không hiểu con muốn gì nữa.”
Điều này giúp bé hiểu rằng, bạn rất muốn lắng nghe những yêu cầu của bé, tuy nhiên bạn sẽ không chấp nhận cách nói lèo nhèo của bé.
Bạn muốn bé dọn dẹp phòng
Răn đe: “Con sẽ không được ăn tối nếu phòng con vẫn chưa sạch sẽ.”
Mềm mỏng: “Con hãy nhặt hết đồ chơi của mình và cất vào trong tủ đồ chơi của con đi. Con muốn làm việc này trước hay sau khi ăn cơm tối?”
Nó làm bé hiểu rõ rằng, bạn rất muốn bé dọn dẹp phòng mình. Tuy nhiên, bé có thể lựa chọn hoàn thành công việc được giao trước hay sau khi ăn tối.
Bạn muốn bé ngừng ba hoa
Răn đe: “Mẹ sẽ không đưa một đứa trẻ thích ba hoa đến công viên.”
Mềm mỏng: “Có vẻ như là con đang rất buồn và giận chị gái nhỉ. Mẹ nghĩ là con cần gặp và kể cho chị ý nghe tại sao.”
Điều này làm bé hiểu ra rằng, các bé phải làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề chung.
Bạn muốn bé ngồi yên trên xe
Răn đe: “Nếu con còn nghịch ngợm và ngó ngoáy nữa, mẹ sẽ quay xe lại và chúng ta về nhà, không đi đâu nữa.”
Mềm mỏng: “Đường thì rất đông và mẹ cần phải tập trung lái xe. Chúng ta có thể bị đâm xe hay ngã xe nếu con không chịu ngồi yên.”
Bằng cách nói như vậy, bạn đã thông báo cho bé biết tình huống, giới hạn cũng như hậu quả mà hành động của bé có thể gây ra.
( Theo Mẹ và Bé.Net )