Đã qua rồi thời trẻ con cả ngày chỉ đợi đến 19h để xem Bông hoa nhỏ. Hiện nay, khán giả nhí tha hồ chọn "thực đơn" với nhiều chương trình đa dạng, hấp dẫn.
Sự đổ bộ của các kênh truyền hình cáp của nước ngoài dành riêng cho trẻ em như WaltDisney, Animax, Cartoon, Network... hay các kênh cáp trong nước như Bi Bi, HTV3... đã tạo luồng gió mới trong thói quen xem truyền hình của các em nhỏ.
Nhiều khán giả nhận xét: "Trẻ con bây giờ được phục vụ... tận răng". Các em cũng có kênh truyền hình của mình, không cần phải xem ké cha mẹ nữa. Không chuyên sâu hoạt hình, các kênh analog có cách tiếp cận trẻ em bằng các gameshow, tạp chí thiếu nhi...
Một số gameshow có sự tham gia của cả gia đình, trong đó các em là những thành viên quan trọng như Gia đình & người công dân tí hon, Ở nhà chủ nhật, Bí mật gia đình, Tình yêu của mẹ. Cũng có gameshow các em là nhân vật chính như Vườn cổ tích, Chuyện nhỏ, Ai nhanh hơn, Siêu quậy tí hon, Những người bạn nhỏ...
Qua những cuộc thi nho nhỏ, các em rèn luyện khả năng nhanh nhạy, tính dạn dĩ. Các em mang theo nét hồn nhiên, tinh nghịch, ngộ nghĩnh trẻ thơ vào khuôn hình. Đồng thời, các gameshow trên truyền hình góp phần không nhỏ thắt chặt sợi dây tình cảm giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn. Thậm chí không cần phải là người trực tiếp tham gia, chỉ cần cha mẹ và con cái cùng nhau xem ti vi cũng khá bổ ích.
Ngày nay, các gia đình hạt nhân thường chỉ có vợ chồng và con, càng ngày càng ít loại hình gia đình "tam đại đồng đường". Do đó, nhiều lúc vợ chồng trẻ loay hoay không biết chăm sóc con như thế nào là tốt nhất. Vì cuộc sống bận rộn, đôi khi người lớn quên cách tư duy, suy nghĩ của trẻ con, áp đặt trẻ con theo khuôn mẫu do mình đề ra.
Sau khi xem chương trình, các bậc phụ huynh được cung cấp thêm kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, tâm lý trẻ em. Đó là cách chữa tật mút ngón tay, lưu ý chế độ dinh dưỡng hay các trò chơi vận động đơn giản mà cha mẹ có thể học theo để áp dụng tại nhà...
Hay cách giáo dục trẻ quan tâm đến mọi người như để ý xem mẹ thích ăn món gì nhất, ai là người hay mua quà cho bé... Vì thế các chương trình truyền hình tưởng rằng dành cho trẻ em, thực chất cha mẹ trẻ cũng quan tâm không kém.
Nếu thích ca hát, bé có thể tham dự các cuộc thi dành cho thiếu nhi của các đài TH như Tiếng hát măng non, Đồ Rê Mí. Mới ra đời hè năm 2007 nhưng cuộc thi Đồ Rê Mí do VTV3 tổ chức với sự đầu tư bài bản đã tạo sân chơi bổ ích cho các em.
Các thí sinh được tuyển chọn, chăm chút, luyện thanh, vũ đạo, trang phục... không thua những anh chị thi Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn. Đồ Rê Mí 2008 hứa hẹn sẽ mang đến một mùa hè sôi động, vui tươi cho các tài năng âm nhạc nhí.
Độ tuổi xuất hiện trên truyền hình của các em ngày càng nhỏ, có lẽ kỷ lục nhất là Siêu quậy tí hon dành cho các bé từ chín tháng tuổi. Những người chơi ít tuổi này thi bò, thi bú bình rất nhiệt tình dù không rời mẹ nửa bước.
Chương trình Chúc bé ngủ ngon phát sóng 21h hàng ngày nhắm đến các em từ hai đến bảy tuổi. Mỗi ngày thay vì cha mẹ phải ru bé ngủ, các bé được chị Kính Hồng, Thỏ Láu, Heo Mập kể chuyện về thế giới tươi đẹp xung quanh với những hình vẽ đáng yêu.
Ngoài những tiết mục thiên về giải trí, sự xuất hiện của các chương trình truyền hình thực tế Một điều ước, Câu chuyện ước mơ, Nụ cười tuổi thơ lại giáo dục các em lòng nhân hậu, biết giúp đỡ những người kém may mắn.
Truyền hình đã làm cầu nối giúp các em biết trong cuộc sống có các bạn đồng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn không ngừng vươn lên. Sau một thời gian phát động phong trào viết thư, Nụ cười tuổi thơ đã nhận dược rất nhiều thư của khán giả nhí. Không viết nói về mình mà các em giới thiệu với chương trình những địa chỉ cần giúp đỡ. Các em đã biết quan sát, tìm hiểu, chia sẻ với bạn bè từ những bài học nhỏ.
Trong các chương trình truyền hình dành cho trẻ em, hoạt hình và phim truyện dành cho thiếu nhi "made in Vietnam" thiếu hụt trầm trọng. Các nhà sản xuất phim hoạt hình đã bỏ ngỏ "trận địa" ngay trên sân nhà vì nhiều lý do: Thiếu kịch bản hay, kỹ thuật kém...
Bộ phim hoạt hình vi tính đầu tiên của VFC Cuộc phiêu lưu của chú ông vàng từng nhóm lên tia hy vọng về sự phát triển của phim hoạt hình nội địa. Nhưng các khán giả nhí vẫn còn phải tiếp tục đợi một thời gian nữa...
Mảng phim truyện cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, một vài phim ngắn tập của VFC hoặc các phim dài tập như Bà mẹ nhí, Kính vạn hoa, Khu vườn bí ẩn, và sắp tới là Đồng hồ cát còn là quá ít so với nhu cầu của các em.
Các em vẫn thèm lắm những bộ phim dành riêng cho lứa tuổi của mình và đậm chất Việt, như trường hợp phim Kính vạn hoa đã kéo dài đến phần ba vẫn được yêu cầu dựng tiếp.
Theo Web Trẻ Thơ