Một số trẻ dù đã lớn và đi học nhưng vẫn có thói quen ngủ chung giường với bố mẹ. Hãy giúp bé con tập ra ngủ riêng.
|
Ảnh: sưu tầm |
Rất nhiều gia đình thường có thói quen để con cái ngủ chung với bố mẹ. Việc này có thể khiến trẻ mất tính tự lập và không tự tin vào bản thân. Mặt khác khi trẻ lớn sẽ gây bất tiện cho bố mẹ nếu ngủ chung giường.
Môi trường an toàn cho giấc ngủ
Những giải pháp sau sẽ giúp bạn lựa chọn thời điểm thích hợp và trấn an trẻ trong ngày đầu làm quen với thế giới riêng.
Ngay từ lúc sơ sinh, bố mẹ tập cho trẻ ngủ riêng ở nôi hoặc giường dành cho bé. Tuy nhiên, nên đặt giường, nôi của trẻ gần giường bố mẹ để thuận tiện cho việc chăm sóc và cho trẻ bú vào ban đêm.
Những trẻ nhỏ thường thức giấc vài lần vào ban đêm và khóc. Khi ấy, bạn không nên bế con lên mà hãy ngồi cạnh giường, nôi để nói chuyện, chơi hoặc hát cho đến khi bé thiếp đi. Nếu bé đói, bạn hãy cho con ăn hoặc bú sữa.
Nếu trẻ không nín, cứ khóc dai, hãy bế bé lên, đong đưa và hát ru nhẹ nhàng trên tay. Sau khi trẻ ngủ, bạn có thể đặt con nằm lại giường, nôi.
Đối với trẻ, tư thế ngủ an toàn nhất là nằm ngửa. Tư thế này giúp bảo vệ trẻ tránh nguy cơ mắc chứng đột tử trong khi ngủ, còn gọi là SIDS (trẻ bị ngừng thở khi ngủ dẫn đến tử vong).
Chỗ ngủ của bé phải gọn gàng, không để nhiều gối, khăn bông hoặc các vật dụng mềm xung quanh. Nếu trẻ trở người hoặc nằm sấp, các vật này có thể che mũi khiến bé không thở được.
Cần tạo không khí trong phòng thoáng mát và mặc quần áo rộng rãi, thoải mái cho bé khi ngủ.
Tạo thói quen từ khi con còn nhỏ
Trẻ dưới ba tuổi thường thức đêm và cần được bố mẹ vỗ về. Do đó, bạn có thể cho con ngủ chung phòng với bố mẹ nhưng riêng giường.
Từ ba tuổi trở lên, trẻ có thể ngủ phòng riêng. Bố mẹ cần chỉ cho bé thấy rằng ngủ là khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc vì sẽ được mẹ vỗ về, kể chuyện cổ tích...
Không nên đe dọa, phạt trẻ kiểu như: "Nếu con không ngủ, mẹ sẽ đánh đòn" hoặc "đứa nào không ngủ, ông ba bị sẽ bắt đi"...
Sắp xếp giờ ăn, chơi, ngủ cho bé thật hợp lý và tạo thành chu kỳ theo thói quen, cứ đến giờ ngủ, trẻ sẽ lim dim, tự động lên giường đi ngủ.
Việc ngủ một mình khiến nhiều trẻ sợ hãi. Hãy lắp thêm một chiếc đèn ngủ mờ để bé cảm thấy yên tâm hơn. Thời gian đầu nên trông chừng con thường xuyên để giúp đỡ bé khi cần thiết.
Ngoài ra, bạn có thể đặt thêm trên giường chú gấu bông hoặc búp bê ưa thích. Điều này sẽ giúp trẻ không bị lẻ loi và dễ đi vào giấc ngủ.
Bố mẹ nên kê thêm một chiếc ghế bên cạnh giường bé để trò chuyện, giúp con dễ đi vào giấc ngủ. Bạn cũng có thể nằm chung giường cho đến khi bé đã ngủ say.
Theo Bibi.Vn
3 cách tập cho bé ngủ riêng
Dạy cho bé yêu của bạn ngủ riêng là một thách thức đối với hầu hết các ông bố bà mẹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mọi bé đều có thể được dạy cách tự ru mình ngủ. Có nhiều cách khác nhau để bé có thể tự ngủ một mình. Bạn và bé yêu có thể cùng lựa chọn một cách thích hợp nhất.
Phương pháp từng giai đoạn
Bạn đưa bé vào giường và nói với bé rằng: “5 phút sau mẹ sẽ vào kiểm tra nhé”. Bạn cần thực hiện đúng như mình đã nói. Sau đó, bạn có thể liên tục kiểm tra phòng bé, chia ra theo từng quãng thời gian đều đặn.
Dần dần, bé sẽ cảm thấy chán phải đợi bạn quay trở lại và ngủ lúc nào không biết. Đây là phương pháp mà hầu hết các bậc cha mẹ đều lựa chọn để tập cho con ngủ riêng.
Phương pháp ôn hòa
Bạn ở trong phòng của bé nhưng không nằm cùng với bé. Bạn cũng không nên quá gần gũi bé. Chẳng hạn như, tối đầu tiên, bạn ngồi ở một chiếc ghế cạnh giường bé và kê ghế nhích dần ra xa ở mỗi tối sau.
Tốt nhất là khi bạn đã dịch dần ra đến cửa phòng thì cũng là lúc bé quen với việc ngủ một mình.
Phương pháp này đòi hỏi bạn phải thực sự kiên nhẫn.
Chiến lược không khoan nhượng
Bạn đưa bé vào giường và đi ra. Hãy cố gắng hết sức để lờ đi bất cứ sự phản kháng nào từ phía bé. Nếu bé ra khỏi giường thì bạn hãy đưa bé trở lại và nói với bé rằng: “Con cần phải ở trên giường”.
Một vài chuyên gia cũng đưa ra gợi ý cho bạn là không nên để mở cửa phòng ngủ của bé. Như vậy, bé sẽ không bỏ ra ngoài được.
Phương pháp này cần có sự cứng rắn, kiên quyết từ cả bạn và chồng bạn. Rồi bé sẽ nhanh chóng hợp tác và dần yêu thích không gian riêng của mình.
( Theo Mẹ và Bé. Net ) |