Thiếu kinh phí, thiếu đầu tư, thiếu đội ngũ và thiếu cả ý tưởng.
Tại TP.HCM hiện nay tất cả 24 quận, huyện đều có nhà thiếu nhi với chức năng tổ chức phục vụ các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho thiếu nhi thành phố.
Phụ huynh xem bảng đăng ký tìm lớp học cho con tại Nhà thiếu nhi TP. (ảnh chụp sáng 3-6)Ảnh: QV
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động hè của hệ thống các nhà thiếu nhi chưa thực sự thu hút đối tượng này. Hơn 30 năm qua, mô hình hoạt động tại các nhà thiếu nhi vẫn vậy: mở các lớp năng khiếu, chương trình đội nhóm chủ yếu “luyện gà” để dự thi các cấp... Và không ít bộ phận trẻ em, thiếu niên gần như không tiếp cận hoặc không cảm được những thú vui hoạt động giải trí, học tập rèn luyện tinh thần và thể chất đúng nghĩa. Phải chăng những hoạt động này còn nặng tính hình thức và ngày càng trở nên nhạt nhẽo, thiếu chiều sâu?
Nghỉ hè cũng chỉ có... học!
Chị Ông Thị Thanh Tuyền, ngụ phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú cho biết: Con trai đầu của chị vừa học xong lớp 7. sợ con trai đi chơi lêu lỏng nên chị phải tìm cách cho con trở lại học hè để yên tâm sau hai tuần cho con “xả hơi” Suối Tiên, Đầm Sen. Đứa con gái mới học lớp 2 chị cũng phải đăng ký học hè, học đàn piano.
“Học sinh thành phố nghỉ hè không biết đi đâu ngoài đi học” - anh Nguyễn Hữu Bằng, nhà ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1 đăng ký lớp võ cho đứa con trai học lớp 7 tại Nhà thiếu nhi quận 1, cho biết. Thật sự cháu chỉ nghỉ hè đúng nghĩa khoảng nửa tháng bằng cách đi chơi chỗ này chỗ kia. Cuối cùng, anh Bằng phải tính chuyện cho con đi học. Anh đăng ký cho con học hè ở Trường THCS Nguyễn Du, học sáng và chiều, đến 6 giờ thì đón cháu về qua Nhà thiếu nhi quận 1 học võ. Anh Bằng cho biết cũng muốn cho con tham gia các khóa hè tập thể nhưng tìm đến mấy nhà văn hóa phường, nhà thiếu nhi quận, không có đơn vị nào tổ chức. Tìm đến các cơ sở tư nhân nước ngoài thì chi phí quá cao, anh không kham nổi.
Hoạt động hè: phong trào là chính!
Nhà thiếu nhi Thủ Đức được xem là một trong những nhà thiếu nhi có quy mô hoành tráng nhất tại TP.HCM với tổng diện tích 3,7 hecta, có thiết kế cả hệ thống công viên cây xanh, hội trường, khu vực trò chơi... Trong tháng 6, trên 1.000 học sinh các cấp đăng ký tham gia hoạt động học tập với 15 môn như cờ vua, nhạc, họa, thể dục nhịp điệu, bơi lội...
Những ngày này, chuẩn bị cho hoạt động hè, Nhà thiếu nhi Thủ Đức lên kế hoạch hàng loạt chương trình hoạt động cho thiếu nhi: lo cho các đội nhóm thiếu nhi chuẩn bị các chương trình đi dự thi năng khiếu nhạc, họa, biểu diễn văn hóa ca nhạc tại các phường trong quận, rồi lo cho đội bóng đá thiếu nhi, các chương trình hoạt động vui chơi phục vụ con em nghèo trong quận... Nhưng sức thu hút của các chương trình này đến đâu cũng là chuyện sẽ xem xét.
Một lớp học rèn chữ dành cho các cháu lớp 1, lớp 2 do Nhà thiếu nhi TP tổ chức. (ảnh chụp chiều 3-6) Ảnh: QV
Tại Nhà thiếu nhi quận 1, ông Phan Kim Long - Phó Giám đốc cho biết: Vào hè, đơn vị của ông chỉ tổ chức cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn vui chơi một tháng một lần, mỗi lần như vậy thu hút khoảng 800 em. Nhà thiếu nhi vận động thêm cán bộ đoàn phường tổ chức cho các em vui chơi, vận động, ca hát, chơi trò chơi dân gian. Phần nhiều phụ huynh tìm đến nhà thiếu nhi để đăng ký cho con học các lớp năng khiếu như ca, múa, kịch, đàn, vẽ, rèn chữ đẹp... hoặc học ngoại ngữ, vi tính. Các lớp này học phí tương đối mềm từ 120 đến 180 ngàn đồng/khóa hè.
Cũng theo ông Long, rất nhiều phụ huynh đề xuất với nhà thiếu nhi tổ chức các chuyến du lịch hè dã ngoại cho các cháu. tuy nhiên, phía đơn vị chưa dám kết hợp với các công ty làm mô hình này vì hầu như các đơn vị nhà thiếu nhi rất khó khăn về nhân sự và cơ sở vật chất, kinh phí để đáp ứng nhu cầu có thật của phụ huynh.
Tại Nhà thiếu nhi thành phố, mỗi đợt hè tổ chức hàng trăm lớp học theo dạng vừa chơi vừa học. Học phí khoảng 150-200 ngàn đồng/cháu/khóa. Từ nguồn thu này, lãnh đạo tạo sân chơi cho các cháu. Hè 2008, đơn vị tổ chức hai chuyến dã ngoại dành cho thiếu nhi với chủ đề: “Về với thiên nhiên-khu sinh quyển Cần Giờ, rừng Phước Bửu-Bình Châu”. Ngoài ra còn có ba chuyến dã ngoại tại khu du lịch Đại thế giới (Củ Chi), khu du lịch Văn Thánh, khu du lịch sinh thái Green resort (Đồng Nai), chi phí mỗi chuyến khoảng 200 ngàn đồng.
Các hoạt động thu hút trẻ trong dịp hè như thế này còn khá hiếm hoi.
Trong ảnh là một lớp sinh hoạt học vẽ ngoài trời khá lý thú của các em học sinh cấp hai. Ảnh minh họa: HTD
Thiếu tiền và thiếu cả ý tưởng?
Bà Trần Thị Định, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi thành phố, nhìn nhận: các nhà thiếu nhi cấp quận cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn nhân lực để phục vụ vui chơi cho trẻ ít, chủ yếu là sinh hoạt hè ở phường. Ngay cả Nhà thiếu nhi thành phố, cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng cho thiếu nhi thành phố vui chơi. Hè đến, các em chủ yếu tham gia các lớp năng khiếu, mỗi lớp học khoảng một tiếng đồng hồ. Có phụ huynh đăng ký cho con nhiều lớp học khác nhau trong buổi như học vẽ, rèn chữ, học đàn cùng một buổi. Sau giờ học các cháu có thể vui chơi với các hoạt động dành cho thiếu nhi dịp hè ngay tại Nhà thiếu nhi. Các hoạt động vui chơi chủ yếu tập trung vào ngày cuối tuần, đặc biệt là ngày chủ nhật.
Theo ông Phan Kim Long, mỗi năm Nhà thiếu nhi quận 1 được chi khoảng nửa tỷ đồng tiền kinh phí, không đủ chi phí và đời sống cho tất cả các hoạt động của đơn vị. Nhà thiếu nhi phải cho sân khấu kịch Idecaf thuê làm nơi diễn, thu thêm một tháng khoảng 15-20 triệu đồng để chăm lo đời sống cho anh em và bù vào các hoạt động khác cho các cháu.
Ông Nguyễn Trúc Minh - Giám đốc Nhà thiếu nhi Thủ Đức cho biết: “Thiếu kinh phí hoạt động, cơ chế bó buộc, muốn linh động mở rộng hoạt động gì khác cũng khó khăn. Năm nào cũng đi xin kinh phí mà xin thì không đơn giản tí nào. Năm 2008, quận Thủ Đức cấp 450 triệu đồng, đồng thời khoán thu cho các hoạt động của Nhà thiếu nhi là 350 triệu đồng. Trên thực tế, để có hoạt động đảm bảo chất lượng thì phải mất 1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, ngày càng nhiều con em của các tầng lớp lao động nhập cư từ quanh các khu công nghiệp quận 9, quận 2, Bình Dương cũng tìm đến đây. Cùng một lúc làm nhiều nhiệm vụ, chúng tôi cố gắng nhưng do quá tải, lo không xuể!”.
Ông Phan Kim Long, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi quận 1:
Một chuyện khó và tế nhị là các nhà thiếu nhi quận nhân sự không ổn định, giám đốc thường là các bí thư, phó bí thư quận đoàn kiêm nhiệm. Giám đốc chỉ đạo vài tháng, đến khi nào đó được “lên chức” chủ tịch phường, phó chủ tịch phường thì thay giám đốc khác. Mỗi người một ý tưởng khác nhau, tư duy chỉ đạo công việc khác nhau nên rất khó. Cho nên các hoạt động thiếu nhi năm nào cũng giống như năm nào, không có gì mới. |
( Theo Báo Pháp Luật )