Việc chọn trường, chọn lớp cho con những ngày này đang rộn lên ở những gia đình có con vào lớp 1, thậm chí mới đến tuổi đi học hệ mầm non. Nó trở thành một vấn đề làm đau đầu không ít ông bố bà mẹ. Những người đon giản thì tặc lưỡi “học đâu chả được, chỉ là lớp 1 thôi mà”, nhưng có người lại phải suy đi tính lại đủ điều thiệt hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Mấy hôm nay nhà bà Kiên cứ đến tối lại rộn lên vì chuyện cho cu Thọ vào học lớp 1 trường nào. Bà nội bảo: “Sao các con cứ rắc rối thế nhỉ, mình ở phường Dịch Vọng, cứ để cho nó học trường Tiểu học Dịch Vọng cũng được. Vừa gần nhà, ông bà có thể đưa đón cháu được. Mà trường ấy cũng to đấy chứ”. Anh Phương không đồng ý: “Không đơn giản thế đâu mẹ ạ, bậc học đầu đời, mình phải chọn trường nào thật tốt để cháu nó có điều kiện phát huy chứ”. Chị An thì bàn: “Hay mình xin cho con vào Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, cũng ở gần đây, lại có xe đưa đón. Mà em nghe nói trường đó dạy tốt lắm, lại còn học song ngữ nữa, con sẽ có điều kiện để học ngoại ngữ, rất tốt”. Anh Phương lại bảo: “Biết là tốt đấy, nhưng học phí cũng đắt lắm, nhà mình có kham nổi không. Hơn nữa, bây giờ không biết còn kịp xin vào trường không. Vì trường này hình như năm nào cũng cho học sinh học từ đầu tháng 7 để làm quen với lớp, với trường đấy”… Câu chuyện chọn trường cho thằng cháu đích tôn nghe ra vẫn chưa có hồi kết. Còn cu Thọ chỉ biết ngồi thần mặt ra nghe. Một lúc nó lại nhắc: “Bố ơi, mấy hôm nữa bố cho con đi Tam Đảo cùng cơ quan bố mẹ nhé”, làm anh Phương bực mình quát lên: Đi đâu mà đi, còn phải ở nhà đi học chứ, có học giỏi bố mẹ mới xin cho con vào trường tốt được.
Không chỉ gia đình bà Kiên, anh Phương, thời điểm này đi đến đâu cũng nghe đến chuyện cho con học ở đâu. Việc lựa chọn trường, lớp tốt cho con theo học là điều tất yếu. Nhưng tâm lý của nhiều phụ huynh là “phải vào trường tốt thì con mình mới học tốt” không thể thay đổi. Bà Tâm, hàng xóm nhà anh Phương bảo: Sao lại phải bàn nhỉ, năm nay 5 hay 10 vé tôi cũng lo cho cu Tiến vào trường điểm. Vì chỉ những trường này mới dạy chương trìnhtốt được…. Bà đang lo lắng tìm cách “đâm đơn” xin cho con vào học ở trường tiểu học Bình Minh. Theo bà, “đây là trường dạy bán trú rất có chất lượng, nhưng lại không đúng tuyến. Theo những người đi trước mách bảo, phải chạy đủ các mối từ phòng đến trường, mới mong được kết quả”.
Các trường được gọi là “điểm”, thu hút tầm ngắm của nhiều bậc phụ huynh là có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên được tiếng là giỏi, số lượng học sinh hư ít, dạy tốt chương trình mới... Ở Hà Nội có khoảng 10 trường tiểu học được coi là “điểm” và dễ bị “sốt” vì số học sinh dự tuyển. Đó cũng là những trường các bậc phụ huynh nghĩ đến đầu tiên khi tính chuyện học cho con mình.
Không chỉ tiểu học, thời điểm này các gia đình có con vào hệ mầm non chuyện trường, chuyện lớp cũng sôi động không kém. Chị Tính ở quận Thanh Xuân, đang xin cho con vào các trường mầm non ở quận Hoàn Kiếm cho gần cơ quan, gần ông bà, tiện việc đưa đón. Nhưng chị đã đến nhiều trường mầm non, đều nhận được thông tin chưa biết thế nào, vì năm nào hồ sơ trái tuyến nhiều cũng quá nhiều. Chị Hạnh (quận Cầu Giấy) thì đang muốn xin cho con vào trường mầm non Anh Sao, là trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng lại thuộc địa bàn phường khác, không đúng tuyến. Chị phải nhờ đến người quen, bởi năm nào nhà trường phát hành hồ sơ tuyển sinh cũng vòng trong vòng ngoài phụ huynh chen chúc nhau. Anh Mạnh (Đống Đa) lại muốn cho con vào Trường mẫu giáo bán công mầm non B (phường Phan Chu Trinh)... Đi đến đâu, các bậc phụ huynh cũng hỏi han nhau cách xin, đi con đường nào cho ngắn nhất, hiệu quả nhất. Còn các thế hệ tương lai đang được các ông bố, bà mẹ hoạch định kế hoạch học hành thì chỉ mong được đi chơi hè.
Nhiều người vẫn biết rằng, không nhất thiết phải chọn trường mầm non hay tiểu học cho con, nhưng biết là một chuyện, làm lại là chuyện khác. Trên thực tế, trình độ giáo viên cũng như chất lượng nuôi dạy ở tất cả các trường của Hà Nội cũng không thua kém nhau là mấy. Không có sự phân biệt hơn, kém giữa trường điểm, trường chuẩn quốc gia hay các trường bình thường. Các loại hình trường, chỉ khác nhau ít nhiều về cơ sở hạ tầng, trường điểm chỉ khác trường bình thường về thực hiện các chuyên đề sâu hơn. Ở lứa tuổi đầu đời, đặc biệt hệ mầm non, trẻ rất cần sự quan tâm từ phía gia đình, vì chỉ có gia cha mẹ, người thân mới có thể hiểu đầy đủ về nhu cầu ăn, ngủ, vui chơi, cũng như tính nết, sở thích, tâm, sinh lý, đặc điểm bệnh tật của trẻ. Từ đó có cách chăm sóc dạy dỗ phù hợp và đúng đắn nhất. Sức khoẻ đối với trẻ ở lứa tuổi này là vô cùng quan trọng, thiết nghĩ, cha mẹ nên cho con học gần, tiện việc đưa, đón, đó chính là điều kiện tối ưu để cho con một tương lai tốt đẹp.
( Theo KTĐT )