|
Chú ý giữ vệ sinh cho đồ chơi của trẻ - Ảnh: Trí Quang
|
"Nếu thành phố không cho tăng vệ sinh phí thì khó mà tăng cường được khả năng phòng bệnh, phòng dịch, nhất là trong thời gian phát sinh dịch bệnh tay chân miệng hiện nay" - bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM nói.
Nhiều trường thiếu kinh phí
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: "Hiện nay, vệ sinh phí được quy định là 5.000 đồng/học sinh/tháng. Đó là mức phí áp dụng trong suốt 10 năm nay nên đến thời điểm hiện nay, mức thu trên đã không còn phù hợp. Hiệu trưởng các trường phàn nàn phương tiện và kinh phí cho công tác phòng bệnh, phòng dịch rất khó khăn". Bà Thanh đưa ra một số ví dụ: thông thường các trường dùng máy hấp tiệt trùng khăn cho trẻ. Mỗi ngày một bé xài hai khăn nhưng nhiều trường không đủ kinh phí nên không hấp tiệt trùng nữa thì ngay mùa dịch này rất dễ lây bệnh. Hoặc có trường phải giảm số nhân viên vệ sinh vì không đủ tiền để trả lương cho họ. Một hình thức khác nữa là các trường thường có thang máy để chuyển thức ăn hoặc chén, bát, nhưng do không có đủ tiền trả tiền điện nên ngưng hoạt động để tiết kiệm, thay vào đó giáo viên trực tiếp bưng bê lên xuống. Như thế sẽ gây mất sức cho giáo viên khiến việc chăm sóc trẻ cũng bị ảnh hưởng. Bà Thanh kết luận: "Như vậy nguy cơ dịch bệnh rất cao, cái này không thể động viên bằng tinh thần được, con vi-rút đâu có sợ… tinh thần của mình đâu!".
|
Đường vào trường Mầm non Tương Lai ngập nặng mỗi khi mưa, nước đọng gần một tuần mới rút hoàn toàn - Ảnh: Hữu Trí |
Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT nói: "Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo bất kỳ một trường hợp nào mắc bệnh tay chân miệng trong ngành mầm non. Ngoại trừ một em học tại trường mầm non ở Q.6 vào dịp 30.4 có nghỉ ở nhà và phát bệnh rồi tử vong rất nhanh". Theo bà Liên, các cơ sở mầm non cần phải giữ phòng ốc thật sạch sẽ và tay, chân các cháu cũng phải luôn được giữ vệ sinh tốt nhất. Tuyệt đối chú ý không để các cháu nhểu nước dãi hay đưa tay vào miệng. Bên cạnh đó, phòng vệ sinh phải luôn giữ khô ráo.
Cảnh giác với đồ chơi "ghiền" của trẻ
Ngoài việc luôn chú ý lau rửa đồ chơi chung của trẻ hằng ngày, Ban giám hiệu trường mầm non P.9, Q.10 còn rất để tâm đến đồ chơi "ghiền" của trẻ. "Đó là những thứ đồ mà các bé ăn cũng cầm, ngủ cũng không rời ra và nếu mất sẽ khóc suốt mấy ngày. Thường những món đồ đó theo các bé từ vài tháng tuổi đến suốt 3, 4 tuổi. Vì những món đồ chơi đó có nguy cơ lây bệnh rất cao nên chúng tôi thường xuyên vệ sinh rất kỹ và luôn nhắc nhở cho phụ huynh cùng giữ vệ sinh cho các món đồ chơi đó khi chăm sóc bé ở nhà" - bà Huỳnh Kim Dung, Hiệu trưởng trường Mầm non P.9 chia sẻ. Ban giám hiệu trường cũng rất thường xuyên lên mạng tải các hình ảnh, tài liệu liên quan đến bệnh tay chân miệng gửi cho phụ huynh để phối hợp cùng nhà trường chăm sóc tốt cho trẻ.
Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ ở một số trường mầm non tại khu vực ngoại thành đang gặp những khó khăn khách quan khác. Để đề phòng bệnh tay chân miệng cho các em học sinh, những ngày qua các cô giáo ở trường Mầm non tư thục Tương Lai (khu phố 5, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) đã tăng cường làm vệ sinh các lớp học, đặc biệt là việc quét dọn nhà vệ sinh. Nguồn gốc của các loại thực phẩm nấu cho các cháu cũng được nhà trường chú trọng chọn mua kỹ càng. Cô Hoàng Thị Phụng Tiên -Phó hiệu trưởng trường cho biết: "Hiện chưa có cháu nào mắc bệnh tay chân miệng. Chỉ có vài em bị nóng sốt đã được chúng tôi báo với gia đình để cùng phối hợp chăm sóc kỹ hơn. Biết được sự nguy hiểm của loại bệnh này nên những dụng cụ cá nhân của các cháu như ly, chén, khăn lau được chúng tôi vệ sinh thật kỹ, tránh dùng chung để không lây bệnh". Tuy nhiên, điều mà các cô giáo lo ngại là tình hình vệ sinh môi trường quanh khu vực trường học rất đáng báo động, nhiều người dân sống lân cận thường đem rác để ngay bên hông và trước cổng trường bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm.
( Theo Thanh Niên )