Theo phân tích của ngành giáo dục Hà Nội, hiện nay nhu cầu giáo dục của người dân Thủ đô ngày càng tăng cao theo sự phát triển của kinh tế xã hội. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục phải cung cấp nhiều mô hình dịch vụ giáo dục có trình độ chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Hà Nội lại đang gặp khó khăn trước nhu cầu học tập của người dân ngày càng lớn trong khi quỹ đất đầu tư xây dựng trường học thì khan hiếm.
Khan hiếm chỗ học
Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện nay 4 quận nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình vẫn còn tới 11 phường chưa có trường tiểu học, 29 phường chưa có trường THCS.
Bình quân số học sinh trong mỗi lớp cũng như số lớp trong mỗi trường ở Hà Nội rất cao, dẫn tới mật độ học sinh trên diện tích lớp học cao hơn nhiều so với quy định. Nhận định về tình hình sắp tới, các nhà quản lý giáo dục đều lo ngại về Luật Cư trú mới sẽ khiến dân số cơ học ngày càng tăng nhanh, nguy cơ thiếu trường học tại Hà Nội hiển hiện trước mắt.
Không chỉ các quận nội thành cũ mà Hoàng Mai, khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh của Thủ đô thì sau gần 4 năm thành lập quận, dân số tại đây đã tăng từ 18 vạn người lên gần 27 vạn người, trong khi đất cho trường học có hạn.
Ông Đặng Văn Trường - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai cho biết, áp lực các năm tới với cấp tiểu học và THCS ở địa bàn này sẽ rất nặng nề bởi hiện nay, bậc mầm non đang phải chịu sự quá tải.
Ở các lớp mẫu giáo 4-5 tuổi, tình trạng sĩ số 50-60 cháu/lớp được coi là chuyện bình thường. Số trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn quận vào khoảng 25.000 cháu, nhưng trường lớp chỉ có khả năng đáp ứng được 50% nhu cầu gửi trẻ, dẫn đến các nhóm, lớp mầm non tư thục nở rộ, rất khó kiểm soát.
Bà Hồ Thị Tú - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội hiện đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu người dân trên địa bàn quận, đặc biệt là bậc mầm non chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu gửi trẻ, dẫn tới quá tải tại các trường công lập.
Trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia lại càng chịu áp lực mạnh vì quá tải
(ảnh mang tính minh họa)
Chuyển sang mô hình chất lượng cao: Không dễ
Trong khi Hà Nội đang chịu áp lực về việc các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân Thủ đô thì yêu cầu phải có những cơ sở đạt trình độ dạy và học chất lượng cao cũng khá gấp gáp.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, việc xây dựng mô hình trường chất lượng cao vừa đáp ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, đồng thời thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của người dân có điều kiện đóng góp tự nguyện cho con em mình theo học ở những trường có điều kiện đầu tư tốt hơn về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy.
“Ở Hà Nội, khá nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài đã đón trước nhu cầu và thu hút được người dân cho con em đến học. Các cơ sở giáo dục công lập sẽ khó cạnh tranh được nếu không chuyển đổi sang mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao” - ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định.
Mặc dù ủng hộ chủ trương này nhưng theo ông Đặng Văn Trường, việc triển khai không dễ khi yêu cầu các quận, huyện phải chọn một cơ sở công lập để chuyển đổi ngay trong năm học tới. Theo ông Đặng Văn Trường, muốn xây trường dịch vụ chất lượng cao cần tìm địa điểm xây mới.
Còn nếu chuyển đổi một trường trên địa bàn dân cư thì sẽ nảy sinh nhiều thắc mắc khi vẫn là cơ sở vật chất, giáo viên cũ nhưng người dân lại phải đóng góp thêm tiền học phí.
Tương tự với quận Hai Bà Trưng, theo bà Ngô Thị Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND quận đã có nhiều trường học được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia, nhằm tạo điều kiện tốt cho học sinh học tập, nhưng khi xây xong trường chuẩn thì lại không có điều kiện để đón học sinh do sĩ số học sinh/lớp phải giảm xuống theo quy định chuẩn.
Cụ thể như việc xây dựng 2 trường Mầm non Quỳnh Mai và Mầm non 8-3 đạt chuẩn nhưng lại không đủ cho nhu cầu học tập của người dân khu tập thể Nhà máy Dệt 8-3. Bởi vậy, việc lựa chọn tìm trường để chuyển đổi sang mô hình chất lượng cao sẽ khó khăn bởi phải đáp ứng cả điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số học sinh, điều kiện đóng góp của dân cư trên địa bàn…
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước mắt Sở GD-ĐT sẽ thí điểm chuyển đổi 1, 2 cơ sở giáo dục trực thuộc thành phố sang trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Dựa trên kinh nghiệm này, các quận, huyện sẽ tiến hành với các trường trên địa bàn.
Cách thức chuyển đổi cũng có thể linh hoạt, không nhất thiết là phải chuyển cả trường mà có thể chỉ chuyển một số lớp tuyển sinh đầu cấp. Sở GD-ĐT cũng sẽ xin ý kiến Bộ GD-ĐT để sớm xây dựng chuẩn về đào tạo chất lượng cao để định hướng cho các trường.
( Theo ANĐT )