Chiếc máy tính cá nhân được thiết kế đặc biệt dành cho trẻ từ 3 đến 7 tuổi có cài đặt phần mềm giáo dục nổi tiếng Edmark ( Ngôi nhà sách của Bailey, Ngôi nhà toán học của Millie, Ngôi nhà khoa học của Sammy, những truyện tranh của Stanley, Ngôi nhà không gian và thời gian của Trudy, Những đồ vật biết nghĩ), được cài đặt trong một khung nhựa nhiều màu sắc. Đó chính là mô hình của một “Nhà thám hiểm trẻ” ( tên gọi một máy tính trong chương trình Kidsmart) do Công ty IMB tài trợ đang được triển khai tại 84 trường mầm non trong cả nước.
IBM Kidsmart với những “ Nhà thám hiểm trẻ”
Nằm trong chương trinh “Tái sáng tạo giáo dục” của Tập đoàn IBM, IBM Kidsmart là chương trình hỗ trợ sớm dành cho lứa tuổi nhi đồng trên toàn cầu, giúp trẻ có được sự khởi đầu tốt đẹp và bước đầu làm quen với công nghệ thông tin (CNTT) thông qua các phần mềm trò chơi trên máy tính. Thực hiên quan điểm mới về mục tiên giáo dục mầm non tại Việt Nam, chuyển từ việc lấy thầy và kiến thức của thầy là trung tâm sang lấy trò và năng lực của trò làm trung tâm, IBM Việt Nam đã kết hợp cùng Vụ Giáo Dục Mầm Non (bộ giáo dục và đào tạo) tiến hành khảo sát và hỗ trợ 158 bộ "Nhà thám hiểm trẻ" cho 84 trường tại 30 tỉnh, thành phố (tính đến cuối 2004).
Phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ, Kidsmart được xây dựng dựa trên yếu tố vui học là chính. Phần mầm Edmark cài đặt trong mỗi "Nhà thám hiểm trẻ" đã được IBM nghiên cứu, chọn lọc và biên soạn kỹ lưỡng nhằm mang lại cho trẻ điều kiện phát triển toàn diện. Các phần mềm này cũng hỗ trợ cho các giáo viên trong việc sáng tạo và phát triển phương pháp giảng dạy mới. Vào thời điểm chương trình mới được áp dụng, đã có nhiều ý kiến lo ngại “Liệu có nên cho trẻ - nhất là trẻ lứa tuổi mầm non – sớm tiếp xúc máy tính?”. Nhưng qua bốn năm thử nghiệm, hầu hết mọi người đều công nhận rằng đây là một chương trình bổ ích và thiết thực. Thông qua chương trình, rất nhiều ý tưởng được khơi gợi, ở cả giáo viên và trẻ nhỏ, thôi thúc sự đam mê tìm tòi, sáng tạo.
Ông Nguyễn Nam Trung, Giám đốc dự án IBM Việt Nam, cho biết: “Giáo dục mầm non chính là cái nôi tạo đà cho sự phát triển của mỗi cá nhân; do đó, ứng dụng CNTT trong giáo dục, nhất là giáo dục mầm non là hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Qua các trò chơi, trẻ nhận dạng được rất nhiểu thứ về thế giới xung quanh. Mặt khác, các phần mềm cũng đưa ra những sự lựa chọn nhằm giúp trẻ vận dụng tư duy phán đoán để đưa ra quyết định. Cũng không phải lo ngại vấn đề ảnh hưởng thị giác ở trẻ vì thời gian cho trẻ ngồi trước máy tính qui định chỉ từ 20-25 phút mỗi ngày”.
Những trò chơi để học
Thực tiễn ứng dụng chương trình Kidsmart cho thấy, việc trang bị các phần mềm giáo dục, khai thác hiệu ứng âm thanh và những hình ảnh sinh động, vui nhộn của phần mềm đã tạo ra một không gian mở cho trẻ, khuyến khích trẻ phát triển tư duy và gợi mở giải pháp cho từng vấn đề. "Ngôi nhà sách của Bailey" giúp trẻ xây dựng khả năng đọc, viết, khám phá âm thanh và ý nghĩa của chữ cái, tạo nền móng cho khái niệm ngôn ngữ. "Ngôi nhà toán học của Millie" giới thiệu và dẫn dắt trẻ làm quen với số đếm, các phép cộng trừ, các dạng hình học mẫu. "Ngôi nhà khoa học của Sammy" giúp trẻ biết phân loại, sắp xếp, quan sát, dự đoán và xây dựng; từ đó trẻ có cơ hội tìm hiểu và quan sát thế giới xung quanh. " Ngôi nhà không gian và thời gian của Trudy" mang lại cho trẻ kiến thức về cách đọc thời gian, phát triển kỹ năng định hướng, bản đồ và khái niệm về lục địa, đại dương, ranh giới…
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Vân Anh, hiệu trưởng trường mầm non Bán công Nhiều Lộc (Q. Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “ Để tránh sự nhàm chán của trẻ, ngoài những thao tác trên máy, giáo viên đã biết khai thác, phát triển ý tưởng từ ngân hàng trò chơi để trẻ vận dụng. Chẳng hạn như từ trò chơi “ Máy chữ” trong "Ngôi nhà sách của Bailey", giáo viên của trường đã phát triển thành trò chơi “ Những chữ cái kỳ lạ” giúp trẻ có thể phân biệt được mặt chữ cái và phát âm được những chữ này; hoặc như trò chơi “ Những chiếc lá thú vị” được phát triển từ trò chơi “ Nơi phân loại” trong "Ngôi nhà khoa học của Sammy" giúp trẻ nhận biết hình dạng đồ vật và vận dụng để tạo thành những hình ảnh ngộ nghĩnh…”
Quan sát một giờ thực hành của lớp Lá 1 tại trường mầm non Nhiêu Lộc mới thấy được chương trình này đã thật sự hấp dẫn và lôi cuốn trẻ như thế nào. “ Nhanh lên, nhanh lên”, Vĩnh Phúc vừa nói vừa cầm tay Ngọc Mẫn kéo lại "Nhà thám hiểm trẻ" gần nhất. Hai cái đầu bé con chụm lại, tay bắt chuột tanh tách, cùng hướng mắt lên màn hình chờ đợi. Kìa, một chú sâu xuất hiện. “ Mình trang trí cho con sâu đi. Cho nó có một cái đuôi đi, màu đỏ ấy; cái chân nữa, mấy cái bây giờ, thôi mười cái đi, màu đen nhé…”. Vĩnh Phúc nhấp chuột theo yêu cầu của bạn, vẻ thích thú hiện ra mặt khi chú sâu thay đổi hình dáng theo chọn lựa của hai bạn nhỏ.
Cô Phan Thị Hạnh, giáo viên lớp Lá 1 trường mầm non Nhiêu Lộc, cho biết: “ Qua chương trình này, trẻ có cơ hội làm quen với máy tính. Bây giờ, hầu hết trẻ đã sử dụng chuột khá thuần thục. Việc sử dụng máy tính sau này sẽ dễ dàng hơn nhiều. Giáo viên không nên chỉ dẫn mọi thứ cho trẻ mà hãy khuyến khích trẻ tự sáng tạo, tự đưa ra ý kiến. Trẻ có những suy nghĩ riêng và mình phải tạo cơ hội cho trẻ nói lên suy nghĩ của chúng.”
Đưa chương trình đến mọi nơi
Hiện nay, một số trường mầm non tại TP.HCM tuy chưa tham gia chương trình hỗ trợ của IBM (do số lượng máy IBM Kidsmart có hạn) cũng đã sử dụng phần mềm Edmark. Trường mầm non 30-4 ( Q.1, TP.HCM) đã đầu tư, trang bị phòng máy vi tính và cài đặt chương trình Edmark cho trẻ học tập. Cô Nguyễn Thị Thu Dung, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Sau một thời gian ứng dụng chương trình, tất cả giáo viên đều có nhận xét rằng nhận thức của các cháu được nâng lên rõ rệt. Có khi, cháu tự làm mà không nhờ cô hướng dẫn. Sản phẩm dù chưa được rõ nét nhưng đó thật sự là ý tưởng của chính các cháu đã tích hợp được. Đây là lứa tuổi đầy ắp ước muốn tự khám phá, hãy để cho trẻ tự do sáng tạo theo tư duy của mình”.
Trong năm 2005, IBM sẽ tiếp tục mở rộng chương trình IBM Kidsmart, trao tặng thêm 1.700 bộ "Nhà thám hiểm trẻ" cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian tới, IBM có thể lựa chọn thêm các phần mềm giáo dục khác, đưa vào chương trình nhằm hỗ trợ toàn diện hơn qua trình đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức nuôi dạy trẻ. Đây là một nỗ lực của IBM nhằm đưa CNTT vào lĩnh vực giáo dục – đặc biệt là giáo dục mầm non – từ khu vực đô thị đến những vùng sâu, vùng xa, tạo cơ hội để mọi trẻ nhỏ có được bước khởi đầu tốt đẹp trong quá trình tiếp cận CNTT sau này.
Ông Nguyễn Nam Trung – Giám đốc dự án IBM Việt Nam: "Hơn 4 năm qua kể từ khi bắt đầu vào năm 2000, chương trình giáo dục sớm Kidsmart đã có nhiều ảnh hưởng tích cực cùng những thành công quan trọng, giúp khuyến khích phát triển toàn diện kỹ năng khám phá của trẻ từ lứa tuổi nhỏ. Bên cạnh đó, cùng hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. Phải làm sao cho giáo dục thật sự đổi mới; ở nơi đó, CNTT sẽ không còn là cái gì đó xa vời nữa."
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Châm, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo Dục Mầm Non: "Qua thực tế ứng dụng, chúng tôi nhận thấy chương trình đã đóng góp rất tích cực trong việc tạo ra nhiều cơ hội học tập cho trẻ và trang bị cho giáo viên kinh nghiệm học tập và phát triển nghiệp vụ có chất lượng cao. Trong tương lai, cần nhân rộng chương trình Kidsmart xa hơn nữa, sâu hơn nữa để tạo điều kiện cho trẻ mầm non cả nước có thể làm quen với CNTT một cách khoa học và hiệu quả."
( Trích phát biểu tại Hội thảo ứng dụng CNTT trong giáo dục mầm non)
Echip
|