Làm hiệu trưởng kiêm chủ đầu tư của một trường mầm non tư thục nên tôi cho cậu con cưng của mình học ở đó luôn. Thằng bé mới bốn tuổi, ở nhà hay ở trường nó luôn được khen là thông minh, lanh lẹ. Tôi tự nhận xét rằng mình dành khá nhiều thời gian để gần gũi con, tôi yên tâm với những lời khen mà cô giáo phê trong sổ liên lạc của con.
Thế mà cách đây vài ngày, chị hiệu phó bán trú phản ảnh: "Từ đầu năm học đến giờ, ngày nào bé K. (tên con tôi) cũng chỉ huy các bạn làm ngược lại lời cô giáo. Đến giờ ngủ thì đòi đọc truyện. Hết giờ ngủ, cả lớp phải dậy làm vệ sinh để ăn xế thì K. cứ quấn mền đòi ngủ tiếp. Không những thế, cậu còn "dụ” các bạn: "Cứ ngủ nữa đi. Nếu cô Tr. la, tớ sẽ méc mẹ đuổi việc cô Tr.". Mới đây khi dỗ dành không được, cô Tr. đã la và phạt K. phải xếp ghế sau khi ăn trưa, cu cậu đã hùng hồn tuyên bố: "Con sẽ về méc mẹ đuổi việc cô Tr.".
Tôi nghe mà rụng rời, không thể hiểu nổi tại sao một đứa trẻ mới bốn tuổi đã biết "dựa hơi" mẹ để "tác oai tác quái". Tôi mời cô Tr. lên phòng làm việc: "Sự việc xảy ra đã lâu mà sao em không nói với chị? Ngay cả sổ liên lạc của cháu, em cũng chỉ ghi những ưu điểm. Nhiều tật xấu như bướng bỉnh, không nghe lời cô giáo, xúi giục bạn trong lớp chống lại cô giáo…, sao em không ghi? Chị là phụ huynh, chị có quyền được biết sự thật về con mình chứ".
Cô giáo trẻ lúng túng, mặt đỏ bừng, không nói được câu nào. Mãi sau, cô mới thú thật: "Em không dám nói với chị vì ngại quá!". Tôi thắc mắc: "Tại sao không ghi vào sổ liên lạc?" (vì ngay từ đầu năm học, tôi đã nhấn mạnh với các giáo viên rằng phải quan sát các cháu và ghi thật cụ thể tính tình cũng như các ưu khuyết điểm của cháu cho phụ huynh biết để phối hợp với nhà trường giáo dục trẻ).
Cô giáo ngậm ngùi: "Năm trước em cũng làm theo lời chị nhưng có một phụ huynh gặp em phản ứng. Họ cho là cô giáo không có tấm lòng, không có sự bao dung và yêu thương trẻ, cô giáo có thành kiến với trẻ nên mới nhận xét về con họ như vậy. Chứ con họ ở nhà là một đứa trẻ ngoan và rất hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, không thể có chuyện giành đồ chơi và đánh bạn được". Vì lẽ đó nên cô sợ phụ huynh phiền lòng, chọn giải pháp an toàn là chỉ ghi ưu điểm, không ghi khuyết điểm!
Nghe chuyện tôi vừa giận vừa thương. Qua câu chuyện này, tôi mong các phụ huynh hãy hiểu và thông cảm cho giáo viên mầm non. Mục đích của nhà trường nhằm thông báo cho phụ huynh biết một cách cụ thể, rõ ràng về tính cách con em mình để kịp thời uốn nắn các cháu. Hãy phối hợp với nhà trường để giáo dục trẻ, thay vì luôn cho con mình là con ngoan trò giỏi trong khi thực tế chưa hẳn đã vậy.
Theo Tuoitre.com