Xã hội
   TP.HCM: Tiêu chảy cấp vào mùa cao điểm
 
Thành phố hiện đang bắt đầu vào mùa cao điểm của các bệnh tiêu chảy cấp. Tại BV Nhiệt đới, 3 tháng đầu năm 2008 có hơn 900 ca tiêu chảy cấp thông thường nhập viện, trong đó 660 ca trẻ em.

Rửa tay sạch - ăn uống chín!

Rất khó kiểm soát được những người vào ra thăm bệnh. Các bậc cha mẹ chỉ cho con ăn những gì đã nấu chín. Ảnh: H.Cát

Chị Cao Ngọc N (quận 5) đang chăm sóc con trai 3 tuổi của mình tại Khoa Nhi B - BV Nhiệt đới, cho biết, con trai chị bị ói, ỉa và sốt. Ngay lập tức chị đưa con vào bệnh viện.

"Nhiều khi tôi không quan tâm đến chuyện rửa tay trước khi chế biến thức ăn, hay pha sữa cho bé. Cho đến khi con mình phải nhập viện", chị Ngọc N nói.

Vào đến bệnh viện, tại các khoa phòng đều dán những bảng hướng dẫn cách thức vệ sinh cá nhân. Rửa tay sạch khi ăn, rửa tay sạch sau khi vệ sinh cho con. Rửa tay sạch sau khi làm vệ sinh cho mình...

Con gái của anh Phạm Văn T (Tân Bình) cũng nhập viện vì cùng một triệu chứng, đi tiêu chảy mỗi ngày 5-6 lần. Anh hay cho tiền con mua quà vặt trước cổng trường.

"Thấy con đi ngoài nhiều lần, tôi sợ quá. Bây giờ tôi không dám cho con ăn uống bậy bạ, hay những món đồ ăn nguội lạnh", anh T nói.

Thành phố hiện đang bắt đầu vào mùa cao điểm của các bệnh tiêu chảy cấp. Tại BV Bệnh Nhiệt đới, 3 tháng đầu năm 2008 có hơn 900 ca tiêu chảy cấp thông thường nhập viện, trong đó 660 ca trẻ em.

Mỗi ngày Khoa Nhi B có trung bình từ 35-40 bé bị tiêu chảy. Các ca mới nhập viện từ 5-10 ca/ngày. Các trường hợp tiêu chảy cấp đã bắt đầu tăng, nhưng chưa phải đột biến.

"Tiêu ra phân lỏng 3 lần/ngày hoặc hơn, kéo dài đến 13 ngày, gọi là tiêu chảy cấp. Tiêu chảy do phẩy khuẩn tả gây ra sẽ khiến bệnh nhân tiêu lỏng ồ ạt, có thể mất nước từ 5-10l nước trong vòng vài giờ. Bên cạnh đó, các bệnh tiêu chảy khác nếu không được điều trị đúng cách cũng đưa đến suy dinh dưỡng, mất nước và có thể tử vong. Một số loại vi trùng có thể từ đường ruột chạy vào đường máu, như E-Coli, gây nhiễm trùng, sốc và truỵ mạch do không bù nước kịp", BS Vinh lưu ý.

BS Hà Vinh nhấn mạnh: "Đường lây của vi trùng rất mênh mông. Có những vi trùng có thể lây qua đường ăn uống, cũng có thể lây qua đường hô hấp. Trong khi chúng ta không thể kiểm soát được người ra vào thăm nuôi bệnh. Nên các bậc cha mẹ chỉ cho con ăn những gì đã nấu chín, đừng cho con ăn những thức ăn lạ, hay thức ăn ngoài đường phố."

Trẻ đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa - BV Nhi Đồng 2 Ảnh: H.Cát

Trong khi đó, mỗi ngày Khoa Tiêu hóa của BV Nhi Đồng 2 có gần 130 bệnh. Tiêu chảy chiếm 65%. Theo BS Phạm Thị Ngọc Tuyết - Trưởng khoa Tiêu hóa, so với 2 tuần trước, hiện nay các ca bệnh tiêu chảy thông thường đã tăng 10%. Số đông trẻ nhập viện nằm trong độ tuổi từ 1-3 tuổi.

"Đa số các ca tiêu chảy do siêu vi gây ra. Tuy không quá 10 ca, nhưng hiện nay, các ca tiêu chảy do ngộ độc thức ăn đang bắt đầu tăng lên. Thay đổi thời tiết, nắng nóng làm thức ăn ôi thiu, là một trong những nguyên nhân," BS Ngọc Tuyết cảnh báo.

Điều trị tiêu chảy cấp nguy hiểm: Tất cả đã sẵn sàng!

Ngay bệnh viện cũng đã khẩn trương tăng cường các biện pháp giám sát, vì từ một ca trong bệnh viện cũng có thể lây thành dịch ra ngoài cộng đồng.

BS Trần Văn Thảo - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2 cho biết: "Trước tình hình thành phố đã xuất hiện một ca tiêu chảy dương tính với phẩy khuẩn tả, hàng ngày bệnh viện sẽ tăng cường kiểm tra xử lý nước thải. Các chỉ tiêu vi sinh trong nước thải sẽ được kiểm tra hàng tuần."

BS Thảo cho biết thêm, các ca tiêu chảy nặng và mất nước vào nhập viện, đều được soi phân ngay để xác định phẩy khuẩn tả.

Còn tại BV Bệnh Nhiệt đới, 20 giường lỗ dành cho bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nặng đã được trang bị. 4-5 giường đặt ở phòng cấp cứu, còn lại đưa về các khoa phòng.

Đối với Khoa Nội B hay Khoa Nhi B dành cho các bệnh nhân tiêu chảy người lớn và trẻ em, tất cả rác đều được xem là rác y tế. Khoa Nhi B dành riêng 3 phòng có phòng tắm và phòng vệ sinh riêng để dành cho bệnh nhân khi cần cách ly.

BS Hiền khẳng định riêng điều trị bệnh tả không phải là một vấn đề lớn. Bệnh nhân dù thoi thóp đến bệnh viện đều được cứu sống gần như 100%. Cơ chế rất đơn giản là bù nước. Một số ít tử vong chủ yếu là những người già, vì suy thận cấp do mất nước kéo dài.

Triệu chứng ban đầu của bệnh tả thường không sốt, không ói, phân toàn nước lợn cợn trắng như bông gòn, và có mùi tanh. Nếu không có biến chứng, sau khoảng 7 ngày kết quả âm tính, bệnh nhân có thể ra viện.

Điều quan trọng nhất, được các bác sĩ nhắc đi nhắc lại vẫn là phòng ngừa từ vệ sinh nguồn nước, đến vệ sinh cá nhân và thực phẩm. Nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, thực phẩm nên sử dụng ngay trong ngày, dù có để trong tủ lạnh.

( Theo VietNamNet )

Nhiều trẻ viêm não do virus đường ruột
Ngày 17-4, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết vừa qua Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị viêm não ở độ tuổi từ 2- 8

Bệnh nhân đến từ nhiều địa phương như: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tây... và hầu hết là những trường hợp nặng, bị suy hô hấp, co giật. Bên cạnh những bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản còn có nhiều trường hợp bị viêm não do virus đường ruột, virus Hepes. Theo TS Bùi Vũ Huy, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh viêm não thường có diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao, bệnh dễ mắc vào mùa hè khi điều kiện khí hậu nắng nóng, tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh trong ăn uống. Do đó, cách phòng bệnh chỉ là cho trẻ ăn uống bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ môi trường sống quanh trẻ sạch sẽ.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu chữa viêm não cũng như chưa có vắc-xin phòng viêm não do virus đường ruột nên các bậc cha mẹ cần cho con đến bệnh viện điều trị kịp thời.

( Theo NLĐ )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TP HCM: Hàng nghìn người dân kêu cứu vì ô nhiễm (18/4)
 Trẻ bị thiếu chất sắt có thể do di truyền (18/4)
 Ngạt hạt na, một em bé suýt chết (18/4)
 Quảng Trị: Chỉ 8% số nhà trẻ gia đình có giấy phép hoạt động (17/4)
 Trẻ ăn tốt sẽ học giỏi hơn (17/4)
 Ngày 18/4, HN bắt đầu tiêm miễn phí vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ (17/4)
 Hà Nội tuyển gần 300 nghìn HS vào các lớp đầu cấp (17/4)
 Anh: Cấm bán nước sốt cà chua cho trẻ em (17/4)
 Cảnh giác với bệnh mùa nóng ở trẻ (16/4)
 Một hiệu trưởng trường Mầm non dùng bằng giả để tiến thân (16/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i