PHẦN BỐN
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
TRẺ 3-12 THÁNG
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC
1. GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT
1.1 GIÁO DỤC DINH DƯỠNG VÀ SỨC KHỎE
Nội dung giáo dục dinh dưỡng sức khỏe:
- Cho trẻ làm quen với chế độ ăn uống tại nhà trẻ, rèn luyện một số thói quen tốt trong ăn uóng.
- Tập cho trẻ một số thói quen tốt về vệ sinh cá nhân
I. HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Tập cho trẻ làm quen với chế độ ăn bột tại nhà trẻ, tập một số thói quen tốt trong ăn uống.
a. Tập cho trẻ thích nghi với chế độ ăn tại nhà trẻ và đảm bảo nhu cầu bú mẹ của trẻ.
Đối với trẻ 3-6 tháng tuổi: Trong giai đoạn này, chế độ ăn của trẻ là sữa, những ngày đầu trẻ mới đến nhà trẻ, giáo viên cần hướng dẫn các bà mẹ sao cho để trẻ được búmẹ nhiều nhất. Trong trường hợp trẻ không có điều kiện bú mẹ như mong muốn thì cho trẻ ăn các loại sữa khác như sữa bò, sữa đậu nành...Cách cho trẻ làm quen với các loại sữa này giống nguyên tắc cho trẻ ăn bổ sung sẽ được trình bày dưới đây.
Đối với trẻ 6-12 tháng tuổi: Trẻ bắt đầu ăn bổ sung, cần đảm bảo nguyên tắc khi cho trẻ ăn bổ sung:
- Cho trẻ làm quen với mùi vị và đặc điểm của thức ăn ngoài sữa mẹ, khuyến khích cho trẻ tập ăn 2-3 thìa thức ăn mỗi ngày và ăn 2lần/ngày.
- Tăng dần về lượng và sự đa dạng thức ăn.
- Cách cho trẻ ăn:
Lúc đầu cho trẻ ăn những món đơn giản( bột gạo, sữa). Cho trẻ ăn ít một, tăng dần về lượng và chất lượng. Mỗi lần chỉ cho trẻ làm quen với một loại thức ăn mới.
Cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Với nguyên tắc trên, đầu tiên nên cho trẻ ăn bột gạo nấu với sữa, lúc đầu chỉ một thìa bột gạo nấu với 4-5 thìa sữa, sau tăng dần gạo lên 3-4 thìa, khi trẻ đã ăn quen bột gạo, có thể cho trẻ ăn thêm một thức ăn mới( ví dụ: nấu bột với lòng đỏ trứng gà)c. Khi cho trẻ ăn một loại thức ăn mới, không nên để người lạ bón cho trẻ ăn hoặc dùng một dụng cụ khác lạ ( như thìa mới) cho trẻ ăn. Với cách thực hiện như trên, đến cuối độ tuổi trẻ sẽ được làm quen với nhiều loại thức ăn khác nhau của chế độ ăn bột. Cô giáo cần căn cứ vào thực tế khả năng từng trẻ mà tập và khuyến khích sự phát triển của trẻ một cách phù hợp.
- Với những trẻ biếng ăn, giáo viên có thể chia ít hơn mức bình thường một chút, nhưng phải có biện pháp khuyến khích chứ không bắt buộc. Nói chuyện với trẻ và nhìn âu yếm trẻ trong suốt thời gian ăn giúp trẻ ăn tăng dần cho tới khi đủ khẩu phần, hoặc phối hợp với cha mẹ để trẻ ăn đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.
- Không dọa nạt khi trẻ từ chối không muốn ăn hoặc khi bữa ăn kéo dài quá mức. Không cho trẻ ăn thức ăn mới khi trẻ đang ốm, mệt.
- Trong chơi- tập hay những hòan cảnh phù hợp, giáo viên cần tận dụng các tình huống để giáo dục dinh dưỡng cho trẻ: Khi cho trẻ ăn, uống, cô giáo có thể cho trẻ sờ vào bát, thìa, cốc, âu yếm, động viên khuyến khích những gì trẻ thực hiện được, trò chuyện với trẻ về việc cô đang làm, đồ dùng, ăn uống, thức ăn trẻ đang ăn....( ví dụ: Cô Hà xúc bột cho Bin ăn nhé! Bột trứng ngon quá, miệng Bin rất xinh, cái thìa thật khéo, Bin đã ăn hết thìa bột rồi....). Thái độ ân cần, âu yếm và vui vẻ của cô giáo cũng giúp trẻ ăn ngon miệng, nhanh thích nghi với chế độ ăn bột ở nhà trẻ.
- Khi giáo dục dinh dưỡng cho trẻ, giáo viên cần kiên trì, phối hợp với cha mẹ tập cho trẻ ăn ít một để trẻ quen dần với thức ăn mới, sau đó tăng dần số lượng, loại thức ăn. Cứ như vậy tập cho trẻ quen dần với nhiều lọai thức ăn và cách chế biến khác nhau.
b. Tập cho trẻ biết uống nước bằng chén, bước đầu hình thành một số thói quen tốt trong ăn, uống.
Trẻ từ 3-9 tháng tuổi trở lên tập cho uống nước bằng cốc, chén, dần dần trẻ có thể tự bưng cốc uống. Trong một số hoàn cảnh phù hợp, cô cần tạo các cơ hội để trẻ được quan sát, nghe cô nói và trẻ được thực hành, bước đầu hình thành thói quen tốt trong ăn, uống.
Lưu ý: Đảm bảo an toàn cho trẻ trong khi ăn, uống.
2. Tập cho trẻ một số thói quen tốt về vệ sinh cá nhân
Tùy theo từng thời điểm, hoàn cảnh thích hợp mà giáo viên chuẩn bị những dụng cụ, đồ dùng vệ sinh có sẵn trong lớp, chuẩn bị một số bài thơ, bài hát, tranh ảnh...Thông qua đó tập cho trẻ bước đầu có một số nề nếp tốt trong vệ sinh cá nhân ( ngồi bô, làm quen với sự sạch sẽ tay, chân, mặt, mũi ).
a. Tạo cho trẻ có thói quen ngồi bô.
- Tập cho trẻ đi bô vào những thời điểm phù hợp theo nhu cầu của trẻ để tạo thành nề nếp, có thể vào các thời điểm như: Trước và sau bữa ăn trước và sau giấc ngủ và ở một địa điểm nhất định.
- Trong giờ đi bô, cô cần hướng dẫn tỉ mỉ nhẹ nhàng cho từng cháu, tránh quát mắng trẻ.
b. Cho trẻ làm quen với sự sạch sẽ
- Trong khi lau mặt, lau tay cho trẻ, cô vừa làm vừa trò chuyện để trẻ cảm nhận được sự sạch sẽ và tạo tình cảm âu yếm giữa cô và trẻ để trẻ có cảm giác yên tâm như mẹ ở nhà.
- Nếu trẻ hay mút tay, cô có thể hạn chế thói quen trẻ mút tay bằng cách gây sự chú ý vào việc khác như đưa đồ chơi cho trẻ chơi hoặc cho trẻ xem tranh ảnh.