Thông báo trên của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á - Tổ chức toàn cầu vì an toàn của trẻ em nhằm đánh tan luồng thông tin về những nguy hiểm trẻ có thể gặp phải khi đội MBH.
Theo Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, nguy cơ chấn thương cổ hoặc cổ họng do mũ bảo hiểm gây ra là rất nhỏ so với những lợi ích mà mũ bảo hiểm mang lại. Hiện không có một dữ liệu chính thức nào kết luận rằng phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu trẻ đội mũ bảo hiểm được thiết kế đúng quy chuẩn và được cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Các loại mũ bảo hiểm trẻ em đạt tiêu chuẩn đều rất nhẹ và có tác dụng thiết yếu bảo vệ cho não trẻ. Căn cứ trên thực tế hiệu quả bảo vệ mà mũ bảo hiểm trẻ em mang lại, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Safe Kids Worldwide) khuyến cáo rằng tất cả trẻ em trên 6 tháng tuổi cần được đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, người lớn không bao giờ được chở trẻ bằng xe gắn máy.
Ngoài ra, các nghiên cứu về tai nạn giao thông cho thấy chấn thương cổ trong các vụ tai nạn giao thông do dây mũ bảo hiểm gây ra là vô cùng hãn hữu, trừ khi ta đội mũ không đúng cách.
Hầu hết các nước trên thế giới đều coi mũ bảo hiểm cho trẻ giống như vitamin và vắc-xin phòng bệnh hàng ngày. Tác dụng bảo vệ của mũ bảo hiểm trong việc giảm tần suất cũng như mức độ chấn thương sọ não nghiêm trọng và chết người đã được toàn thế giới công nhận. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mũ bảo hiểm làm giảm nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não tới 69%; giảm nguy cơ chấn thương sọ não nghiêm trọng tới 79%. Kết quả này đúng cho mọi độ tuổi, kể cả trẻ nhỏ.
Các bậc cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ con mình - đội mũ bảo hiểm cho con - bất cứ khi nào để con ngồi trên xe mô tô, gắn máy. Không có “thuốc” nào chữa được chấn thương sọ não. Một khi thảm kịch này xảy ra, trẻ sẽ tử vong hoặc tàn phế suốt đời.
( Theo Dân Trí )