Chiều 26/12, cháu Phạm Huy Hoàng, 5 tuổi, bị mẹ ruột đánh làm chấn thương sọ não nặng đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đêm 21/12, cháu Hoàng được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng bất tỉnh vì chấn thương nặng. Tại đây, cháu được các bác sĩ chụp CT Scan sọ não, kết quả cho thấy cháu bị chấn thương sọ não, bị máu tụ dưới màng cứng bán cầu bên trái với biểu hiện phù não và mê sâu. Ngay sau đó Hoàng được mổ cấp cứu, phẫu thuật mở sọ giải ép - lấy máu tụ và tiếp sau được chuyển sang Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh điều trị. Và chiều qua 26/6 bé Hoàng đã tử vong do bệnh tình quá nặng.
Việc người mẹ đánh con làm chấn thương sọ não nặng, gây tử vong, chắc chắn sẽ được pháp luật phán quyết nghiêm minh. Và người viết bài này không có ý chỉ trích để làm đau khổ thêm người mẹ khốn khổ kia, bởi việc cháu chết dưới bàn tay của mẹ ruột đã là cái giá quá đắt phải trả cho người mẹ đó, mà muốn rằng qua sự việc này những bậc làm cha, làm mẹ cần có cái nhìn đầy đủ, thấu đáo, cách hành xử đúng mực, hiệu quả trong giáo dục, dạy dỗ con cái hiện nay.
Thực tế cho thấy, bạo hành ngay trong gia đình diễn ra khá phổ biến, mà nạn nhân chủ yếu là chính con cái họ. Các hành vi hành hạ thể xác, tinh thần các cháu được bao biện bởi các lý do “ vô cùng chính đáng” mà các cơ quan chức năng, các đoàn thể xã hội, hàng xóm không thể can thiệp, như “ dạy dỗ”, “ giáo dục” con cái thành người, hoặc “ con tôi tôi dạy, không khiến các người chen vào”, và khi các đoàn thể xã hội, hàng xóm can thiệp, cơ quan chức năng vào cuộc thì sự việc đã quá muộn như trường hợp của cháu Hoàng là ví dụ điển hình.
Khách quan mà nói, ước nguyện chung của những người làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình phải ngoan, học giỏi, thành tài, thành đạt; rồi áp lực của công việc, lo cuộc sống, các mối quan hệ, hàng ngày hàng giờ đè nặng lên vai các bậc làm cha, làm mẹ… Nhưng không vì những mong muốn tốt đẹp, những lo toan, áp lực của cuộc sống thường ngày mà các bậc cha mẹ áp đặt, ép buộc, thậm chí đánh đập gây thương tích, cá biệt gây tử vong như trường hợp cháu Hoàng để rồi day dứt, giằng xé, ôm mối hận mình đến suốt đời.
Từ sự việc đáng tiếc này, mong muốn những bậc làm cha, làm mẹ hãy sáng suốt, bình tĩnh trong giáo dục, dạy dỗ con cái mình, bởi mỗi lứa tuổi ở trẻ đều có sự thay đổi về tâm sinh lý. Việc phân tích, khuyên bảo, răn đe, đánh khi các cháu phạm lỗi cần căn cứ vào lứa tuổi, tính cách, mức độ phạm lỗi, đặc biệt không nên chửi mắng, đánh đập các cháu khi đang nóng giận.
Và muốn giáo dục, dạy dỗ các cháu có hiệu quả, trước hết các bậc cha mẹ hàng ngày, hàng tuần bớt chút thời gian "hoà mình" vào cuộc sống của các cháu để hiểu chúng hơn, trên cơ sở đó định hướng, phân tích, khuyên bảo, răn đe và vạn bất đắc dĩ mới hãy đánh các cháu. Một người bạn kể về con gái mình đang học cấp II, qua một bài văn tự sự mà cháu viết về bố đã nói rằng: " giáo dục con trẻ cần căn cứ vào lứa tuổi, tính cách để xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng ở chúng, và khi đã hình thành thì các bậc cha mẹ chỉ làm nhiệm vụ định hướng, khuyên bảo, kiểm tra và cùng lắm chỉ là răn đe".
Ngoài ra, chính quyền cơ sở, nhất là tổ dân phố, công an hộ khẩu, các đoàn thể như đoàn thanh niên, phụ nữ,... và tất cả mọi người chúng ta khi thấy có những hiện tượng bạo hành với trẻ em thì cần phải bày tỏ ý kiến can thiệp, có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu để không còn những trường hợp đau lòng xảy ra như đối với cháu Hoàng.
Theo báo Điện tử ĐCSVN