Xã hội
   Đẻ xong phải nằm ngoài hành lang do... quá tải
 
Dù đăng ký phòng trước, nhiều bà mẹ và những bé "heo vàng" mới chào đời vẫn phải nằm dọc lối đi hoặc phòng tạm ở hầu hết các bệnh viện phụ sản TP HCM. Quá tải đang là tình trạng chung của các bệnh viện này trong mùa sinh "quý tử".

Tại khu hậu phẫu Bệnh viện Từ Dũ, thường xuyên có gần 20 sản phụ ngồi, nằm chật cả hành lang. Việc cho con bú, thay băng vệ sinh, ăn uống... diễn ra ngay trên lối đi duy nhất của khu vực này. Mỗi lần có người thăm bệnh đi ngang, nhiều chị ngại ngùng phải lấy khăn che ngực... "Quá bất tiện và mệt mỏi", chị Nguyễn Thị À, nhà ở quận 4, gắt lên với chồng.

 
 Vừa sinh phẫu thuật đã phải nằm hành lang. Ảnh: P.N.
Chị À sinh mổ. Anh Điệp, chồng chị cho biết vợ con anh nằm trên lối đi này đã 3 ngày. Gia đình anh không đủ điều kiện để đăng ký phòng dịch vụ. Chiếc giường vải rộng chưa tới 1 m, thuê với giá 10.000 đồng một ngày, quá bé cho người mẹ và đứa trẻ.

Cạnh "giường" chị À, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quang, nhà ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cũng nằm hành lang gần 4 ngày nay. Luôn tay quạt cho vợ và con bằng 1 tờ báo cũ, anh Quang tâm sự: "Tôi đã tìm mọi cách đăng ký mà không có phòng. Nằm đây, ngày rất nóng còn đêm thì gió lạnh, sợ ảnh hưởng sức khỏe người mới sinh và em bé". Chị Linh vợ anh, thi thoảng lại trở mình nhưng vẫn cố nép sang một bên để dành chỗ cho con.

"Khổ nhất là lúc tắm giặt và đi vệ sinh, có khi đợi đến hơn 20 phút mà vẫn chưa đến lượt mình", một sản phụ dọn tã cho con vừa nhăn mặt ôm bụng nói.

Bệnh viện Từ Dũ cũng "cháy" phòng dịch vụ. 18h ngày 15/11, khu vực đăng ký phòng vẫn còn gần 100 người nhà sản phụ mỏi mòn ngồi đợi.

Anh Đông, nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM, nổi cáu với nhân viên phụ trách đăng ký phòng vì chờ tới hơn 5 giờ đồng hồ, câu trả lời từ người này vẫn là "chưa có". Nhiều gia đình khác đã chờ gần 1 ngày mà không có kết quả.

Giám đốc bệnh viện Từ Dũ Phạm Việt Thanh cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 160 trẻ ra đời. Bệnh viện đã huy động thêm phòng ốc nhằm giảm bớt số ca phải nằm hành lang nhưng tình hình vẫn chưa hoàn toàn cải thiện.

Ngoài Từ Dũ, mỗi ngày Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cũng có khoảng 150 ca sinh, tăng gần 50 ca so với cùng kỳ năm trước. "Chúng tôi đã linh động sắp xếp bằng mọi cách song các phòng sau sinh vẫn luôn chật cứng", giám đốc bệnh viện này cho biết.

Tình hình quá tải cũng diễn ra tại Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn. Nhiều khách hàng đăng ký dịch vụ trọn gói, nhưng hằng ngày, không dưới 20 chú "heo vàng" cùng mẹ vẫn phải nằm ở phòng tạm để chờ phòng. Nhiều người chấp nhận trả tiền trước 1 tuần nhưng bệnh viện không thể giải quyết.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Huy, Tổng giám đốc Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn cho biết, bệnh viện phải huy động kho, phòng làm việc của lãnh đạo thành phòng sản phụ nhưng không đủ đáp ứng, do lượng người sinh con tại bệnh viện năm nay tăng gấp đôi năm trước.

Qua hồ sơ theo dõi thai tại các bệnh viện, tình hình quá tải sẽ kéo dài cho đến đầu năm sau. Theo nhận định của ông Huy, hiện trạng này có thể do quan niệm sinh con chọn tuổi của nhiều gia đình.

Ở các bệnh viện phụ sản tại Hà Nội, bệnh nhân tuy không phải ra hành lang nhưng lại phải ghép giường. Cả mẹ cả con, tính ra mỗi cái giường bé tẹo phải "chở" những 4 người.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hành lang và các lối đi của khoa sản trải la liệt chiếu. Đó là nơi "trú ngụ" của người nhà và cả những sản phụ muốn duỗi người một chút trước khi lên chiếc giường chung với bà mẹ khác.

Chị Mai, nhà ở Hoài Đức, Hà Tây, than thở: "Người mình to béo, nằm một mình với con đã khó xoay trở rồi. Chị nằm cùng giường cũng 'hoành tráng' không kém. Thế nên hai bà đẻ cứ phải thay nhau, người này nằm thì người kia ngồi". Ban đêm, hai sản phụ đành cùng nằm ngủ, không đủ chỗ để trở mình nên người mỏi nhừ. Em bé thì lúc nằm trên ngực mẹ, lúc người nhà bế giúp.

Còn chị Lương ở Gia Lâm, Hà Nội thì khổ sở vì chứng ngứa. Trong phòng khá nóng, chị chưa dám tắm, lại có cơ địa dễ dị ứng nên da nổi đầy mẩn. "Giường chật, mà tôi cứ phải gãi luôn tay, đêm mấy lần bị bà bạn cùng giường gắt vì cứ thúc phải người bà ấy".

Vì sinh mổ nên chị Lương phải chịu đựng cảnh này khoảng 1 tuần. Chị, cũng như nhiều sản phụ khác, rất muốn thuê phòng dịch vụ cho đỡ khổ nhưng loại phòng này luôn "cháy".

Số ca đẻ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong 10 tháng đầu năm nay đã bằng con số cả năm trước. Đặc biệt là mấy tháng gần đây, số ca sinh tăng vọt. Mỗi ngày có khoảng 60-80 sản phụ lâm bồn (trong khi những tháng đầu năm chỉ 40-50 ca). Các bác sĩ dự đoán, trong vòng 2 tháng tới, nghĩa là trước khi năm Đinh Hợi kết thúc, số ca đẻ sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao như vậy.

Theo tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện, số ca sinh ở đây năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, mức chênh lệch bình thường chỉ xấp xỉ 1.000 ca mỗi năm. Còn trong Đinh Hợi này, ước tính sẽ có hơn 20.000 ca sinh, cao hơn năm ngoái khoảng 3.000 ca.

Theo một khảo sát trên phương tiện truyền thông với gần 800 người tham gia, có đến 1/3 cho biết quyết định sinh con năm nay của họ liên quan đến "heo vàng". Hơn 27% độc giả thẳng thắn thừa nhận họ chọn thời điểm này vì Đinh Hợi được coi là năm đẹp. Gần 5% cho biết họ bị vỡ kế hoạch, và lý do để giữ thai lại cũng là năm đẹp.

 ( Theo Mẹ & Bé )

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hà Nội: Thị trường lịch 2008 rục rịch vào mùa (17/11)
 Bắt đầu sản xuất laptop 100 USD ở Trung Quốc (17/11)
 Truyện tranh Việt bị "knock out" trên sân nhà? (16/11)
 Công ty CP sách và thiết bị trường học Gia Lai: Tất cả vì sự nghiệp giáo dục (16/11)
 ChildFund Quốc tế hỗ trợ 22 xã miền núi trên 3 triệu USD (16/11)
 Bệnh tay chân miệng đang vào đỉnh điểm (16/11)
 Hà Nội: 3 Trường tiểu học bắt đầu giáo dục học sinh về môi trường (15/11)
 Những chiếc cặp sách nặng như cùm đè nặng đôi vai trẻ thơ (15/11)
 Học viện IQ, một mô hình thiết thực cho cha mẹ trẻ nhỏ (15/11)
 Nối những vòng tay với Mái ấm Tam Thôn Hiệp (15/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i