Dù ở thành phố hay nông thôn, dù nhà khá giả hay nghèo khó, trên bàn thờ ngày Tết cổ truyền của mọi gia đình nước ta đều có mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên. Quan niệm về mâm ngũ quả ở mỗi vùng, mỗi địa phương và mỗi hoàn cảnh cũng khác nhau; Có khi chỉ gồm hai, ba loại quả, nhưng cũng có khi tới hàng chục loại khác nhau.
Mối liên hệ giữa ngũ quả và ngũ hành
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 trạng thái vật chất cấu tạo nên vũ trụ.
Kim màu trắng, mộc màu xanh, thủy màu đen, hỏa màu đỏ, thổ màu vàng. Mâm ngũ quả cũng lung linh năm sắc màu đó.
Các quả thường được bày vào dịp Tết là: Bưởi, chuối, hồng, cam, quýt, quất, xoài, táo, đào, na (mãng cầu), đu đủ, dưa hấu... Tất cả đều là sản phẩm được tạo nên bởi sự giao hòa của trời đất (càn khôn), là kết quả lao động của con người.
Trong những ngày Tết, ai cũng muốn tỏ lòng biết ơn trời đất tổ tiên nên bày mâm ngũ quả thờ cúng để “báo” tổ tiên những thành quả của năm qua, mong muốn năm mới sẽ thành công hơn.
Khi chưng mâm ngũ quả, người cao niên thường chọn các quả có ý nghĩa như: Quả bưởi tròn ý nói sự đầy đủ, sung túc; Quả na nhiều hạt ngụ ý sự sum vầy đông con cháu; Quả quất tượng trưng cho người quân tử; Quả đu đủ là sự cầu mong của những gia đình nghèo được “đủ ăn”.
Như vậy, mâm ngũ quả là tâm sự gửi gắm của mỗi gia đình, nói lên lòng biết ơn trời đất, tổ tiên, ước muốn đầy đủ và sung túc, hòa hợp như năm sắc màu của thiên nhiên trong ngũ hành.
Theo SK&ĐS
|